Phục hồi chức năng sớm sau chấn thương sọ não
- Ngày cập nhật: 23/11/2023
Mục lục
1. Hiểu thêm về chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não (CTSN) là thương tổn thường dẫn đến biến chứng nặng nề về nhận thức, hành vi, thể chất và cảm xúc của người bệnh.
Ngày nay, tần suất CTSN vẫn còn cao, khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Tại Châu Âu, mỗi năm từ 91 đến 546 ca bị CTSN trong 100.000 dân số, ở Bắc Mỹ từ 47 đến 618 ca trong 100.000 dân số mỗi năm.
Chấn thương sọ não có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa chức năng thần kinh tiến triển, và là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý bao gồm Alzheimer, Parkinson, bệnh lý thần kinh vận động.
Ngày nay, với những tiến bộ y khoa trong điều trị mà nhiều bệnh nhân CTSN đã được cứu sống. Đồng thời, việc phối hợp phục hồi chức năng (PHCN) sớm cũng giúp hạn chế những di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
2. Suy giảm nhận thức sau chấn thương sọ não
Suy giảm nhận thức sau chấn thương sọ não gồm thiếu tập trung, giảm trí nhớ, giảm khả năng điều hành các hoạt động thường ngày. Suy giảm nhận thức sau chấn thương sọ não cũng tùy thuộc vào độ nặng của bệnh.
- Đối với chấn thương sọ não nhẹ:
Suy giảm nhận thức thoáng qua như lú lẫn nhẹ, thiếu tập trung và hay quên ngay sau khi bị thương. Bệnh thường hồi phục trong vòng 1-3 tháng, khả năng tiến triển tốt hoặc xấu tùy theo tổn thương có phức tạp hay không. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có nguy cơ bị sa sút trí tuệ vào cuối đời.
- Đối với chấn thương sọ não trung bình – nặng
Người bệnh suy giảm ý thức như hôn mê và trạng thái thực vật ngay khi bị chấn thương. Nguy cơ suy giảm nhận thức sau này là dai dẳng và mạn tính. Người bệnh tăng nguy cơ sa sút trí tuệ 2 đến 4 lần.
3. Tác động của suy giảm nhận thức
Đối với người bệnh, suy giảm nhận thức ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, bao gồm:
- khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, thay quần áo, vệ sinh cá nhân.
- các hoạt động đơn giản thường ngày như đi lại, mua sắm, làm việc nhà, tài chính cá nhân
- các hoạt động phức tạp hơn như làm việc, giải trí, hoạt động xã hội, các mối quan hệ
Đối với gia đình, chăm sóc người thân bị sa sút trí tuệ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người chăm sóc. Thời gian, chi phí gián tiếp để chăm sóc người sa sút trí tuệ sau chấn thương sọ não thường không nhỏ.
4. Cải thiện khả năng nhận thức sau chấn thương sọ não như thế nào?
Điều trị di chứng nhận thức sau chấn thương sọ não phức tạp và là một quá trình liên tục từ chăm sóc cấp tính đến mạn tính. Bệnh nhân chấn thương sọ não bên cạnh suy giảm nhận thức, thường bị suy yếu thần kinh, tâm thần và các bệnh đi kèm khác như co giật. Những phương pháp điều trị bằng thuốc và/hoặc phục hồi chức năng có thể mang lại lợi ích về nhận thức cho người bệnh.
5. Chương trình phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não
Bên cạnh những suy giảm, rối loạn về nhận thức, những rối loạn khác sau khi trải qua giai đoạn cấp của quá trình chấn thương sẽ bao gồm: rối loạn về thần kinh tự chủ, tinh thần, rối loạn giấc ngủ, co giật, rối loạn vận động cơ. Chính vì vậy chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân rất đa dạng, phối hợp nhiều chuyên ngành chẳng hạn như ngôn ngữ trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu.
6. Ngôn ngữ trị liệu
Bệnh nhân chấn thương sọ não có rối loạn nuốt hoặc rối loạn ngôn ngữ, thất ngôn sẽ được điều trị tại các đơn vị ngôn ngữ trị liệu để cải thiện khả năng nhai, nuốt và cải thiện khả năng giao tiếp:
- Điều trị rối loạn nuốt: các bài tập vận động vùng hàm mặt, miệng, môi, lưỡi, bài tập kích thích cảm giác, điện xung kích thích, tập ăn với thực phẩm và dụng cụ thích nghi như cốc uống nước khuyết mũi, chất làm đặc.
- Điều trị bệnh nhân thất ngôn: các bài tập vận động miệng, bài tập phát âm, cải thiện khả năng ghi nhớ, tập trung, định danh.
7. Vận động trị liệu
Là phương pháp sử dụng các bài tập để làm cải thiện chức năng vận động cho bệnh nhân, bao gồm chức năng hoạt động của khớp, cơ, khả năng di chuyển. Đồng thời, vận động trị liệu còn giúp người bệnh phòng tránh được các di chứng đáng tiếc do hạn chế vận động như teo cơ, cứng khớp, loãng xương, tắc mạch.
8. Hoạt động trị liệu
Hoạt động trị liệu là một chuyên ngành y tế lấy khách hàng làm trung tâm. Chuyên ngành chú trọng nâng cao sức khỏe và tinh thần thông qua hoạt động. Mục tiêu chủ yếu của hoạt động trị liệu là giúp người bệnh có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu làm việc với người bệnh và cộng đồng để nâng cao khả năng tham gia các hoạt động mà người bệnh muốn thực hiện. Bằng cách điều chỉnh hoạt động hoặc môi trường, kỹ thuật viên sẽ hỗ trợ người bệnh tham gia hoạt động tốt hơn.
Trong hoạt động trị liệu, hoạt động là những công việc sinh hoạt hàng ngày thực hiện cho cá nhân, trong gia đình và cộng đồng, khiến người bệnh cảm nhận ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.
Các bài tập hoạt động trị liệu thường tập trung vào việc cải thiện khả năng nhận thức và khả năng sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân:
- Tập nhận thức: bao gồm nhận thức không gian, thời gian, khả năng tư duy logic, ngôn ngữ, tăng khả năng tập trung và trí nhớ.
- Cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày bằng các bài tập thích nghi như tập mặc quần áo, tập vệ sinh cá nhân, tập ăn uống…
9. Vật lý trị liệu
- Điện trị liệu: các phương pháp điện xung kích thích cơ làm tăng cường hoạt động của nhóm cơ yếu, liệt, cải thiện tình trạng teo cơ; hoặc các dòng điện xung giảm đau rất hữu ích cho bệnh nhân chấn thương sọ não.
- Nhiệt trị liệu: sử dụng các tác nhân gây nhiệt để mang lại hiệu quả điều trị như paraffin, túi nhiệt, đèn hồng ngoại, siêu âm điều trị,…với tác dụng giảm co cứng, giảm đau, tăng cường dinh dưỡng cơ.
Phương pháp chống chỉ định cho các trường hợp ổ viêm đã có mủ, viêm cấp, chấn thương mới đang xung huyết, các khối u ác tính, lao, vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, giãn tĩnh mạch da.
- Thủy trị liệu: có tác dụng tăng cường tuần hoàn, giảm co cứng cơ, tăng sức mạnh cơ ở bệnh nhân chấn thương sọ não.
Tài liệu tham khảo:
1.Feigin VL, Theadom A, Barker-Collo S, Starkey NJ, McPherson K, M K. Incidence of traumatic brain injury in New Zealand: a population-based study. Lancet Neurol. 2013;12:53-64.
2.Li Y LX, Zhang S, Zhao J, Zhu X, et al. Head injury as a risk factor for dementia and Alzheimer’s disease: a systematic review and meta-analysis of 32 observational studies. PLoS One. 2017;(12):1-17.
3.Tagliaferri F CC, Korsic M, Servadei F, Kraus J. A systematic review of brain injury epidemiology in Europe. Acta Neurochir (Wien). 2006;148:255-268.
4.Graham NS SD, Understanding neurodegeneration after traumatic brain injury: from mechanisms to clinical trials in dementia. J Neurol Neurosurg Psychiatry. 2019;90:1221-1233.
5.McMillan TM WC, Wainman-Lefley J. Mortality and morbidity 15 years after hospital admission with mild head injury: a prospective case-controlled population study. J Neurol Neurosurg Psychiatry. 2014;85:1214-1220.
6.Bộ Y Tế, “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh chấn thương sọ não”, Hà Nội. 2018
7.Writer BW, Schillerstrom JE. Psychopharmacological treatment for cognitive impairment in survivors of traumatic brain injury: a critical review. J Neuropsychiatry Clin Neurosci. 2009;21(4):362-370. doi:10.1176/jnp.2009.21.4.362
8.De Luca R, Maggio MG, Maresca G, et al. Improving Cognitive Function after Traumatic Brain Injury: A Clinical Trial on the Potential Use of the Semi-Immersive Virtual Reality. Behav Neurol. 2019;2019:9268179. Published 2019 Jul 30. doi:10.1155/2019/9268179