Quản lý non-HDL-C tăng cao: Từ hiểu biết đến hành động (Phần 1)

Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh
Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh
Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam / Chủ tịch Phân hội tăng huyết áp Việt Nam
  • Ngày cập nhật: 22/11/2024

Xin chào quý độc giả!

Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ với các bạn về một chỉ số quan trọng trong máu mà nhiều người chưa biết đến, đó là non-HDL-C. Qua hơn 30 năm điều trị cho bệnh nhân tim mạch, tôi thấy việc hiểu rõ về chỉ số này rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch cho người bệnh.

Non-HDL-C là tổng các loại mỡ xấu trong máu, bao gồm: LDL-C, VLDL-C, IDL-C, và triglycerides (TG).

Non-HDL-C cao là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến xơ vữa động mạch – quá trình mà mỡ xấu tích tụ trên thành mạch máu, làm hẹp lòng mạch, gây ra xơ vữa động mạch và các biến chứng nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ não. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức non-HDL-C càng cao thì càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai.

Tôi sẽ ví dụ cho dễ hiểu, các bạn tưởng tượng mạch máu của mình như những con đường, thì mấy loại mỡ xấu này giống như rác thải trên lòng lề đường, càng ngày càng nhiều, làm cho đường đi càng lúc càng hẹp, khiến ta di chuyển khó khăn. Tương tự như vậy, khi các mỡ xấu bám nhiều vào thành mạch máu thì lòng mạch lâu dần sẽ bị hẹp, máu huyết khó lưu thông, lúc đó mình sẽ dễ bị các vấn đề tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, hoặc đột quỵ não.

Giới thiệu về non-HDL-C

Nhiều người chỉ biết tới chỉ số LDL-C, nhưng tôi muốn nói thêm là non-HDL-C cũng rất quan trọng, nhất là với những ai có bệnh đái tháo đường, bị béo phì, có chỉ số triglyceride (TG) trong máu cao, hoặc chỉ số LDL-C rất thấp. Lúc này, nếu chỉ dựa vào LDL-C thì có thể đánh giá thấp lượng mỡ máu gây xơ vữa, từ đó đánh giá thấp nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa.

Hiệp hội Tim mạch Châu Âu cũng đã khuyến cáo từ năm 2019 là theo dõi thêm chỉ số non-HDL-C để đánh giá nguy cơ tim mạch, đặc biệt là ở những người có mức TG cao, đái tháo đường, béo phì hoặc mức LDL-C rất thấp, không chỉ xem mỗi LDL-C như trước đây.

Tôi sẽ giải thích về cách đo và đánh giá chỉ số non-HDL-C một cách đơn giản để các bạn dễ hiểu.

Để đo non-HDL-C chỉ cần lấy lượng cholesterol tổng trừ đi cholesterol tốt (HDL-C) là ra. Còn LDL-C được tính bằng cách lấy lượng cholesterol tổng trừ đi cholesterol tốt, rồi trừ đi một phần 5 lượng triglycerid: LDL-C = TC – HDL-C – (TG/5) mg/dL. 

So về cách tính thì tính LDL-C phức tạp hơn, công thức này yêu cầu đo thêm chỉ số triglycerid. Mà ở những người có bệnh đái tháo đường, mức triglycerid tăng cao thì ước tính LDL-C trở nên kém chính xác. Vì vậy, ở những người có đái tháo đường, hoặc mức TG cao, hoặc có mức LDL-C rất thấp, việc đo non-HDL-C được khuyến nghị là một phần của phân tích mỡ máu thường quy.

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh

Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Tim mạch Châu Âu 2019, những nguời có nguy cơ tim mạch trung bình, mức non-HDL-C lý tưởng nên dưới 3,4 mmol/L, trong khi những người có nguy cơ tim mạch cao và rất cao cần đạt mức non-HDL-C lần lượt dưới 2,6 mmol/L, và 2,2 mmol/L. Khi mức non-HDL-C tăng cao, việc thăm khám là rất cần thiết để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Như vậy, việc kiểm soát non-HDL-C đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa biến cố tim mạch ở những người có đái tháo đường, hoặc mức TG cao, hoặc có mức LDL-C rất thấp. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ về những phương pháp hiệu quả để quản lý chỉ số non-HDL-C từ chế độ ăn uống, luyện tập, đến các biện pháp dùng thuốc. Hy vọng sẽ giúp quý vị có cái nhìn toàn diện về cách kiểm soát chỉ số quan trọng này.

Phần tiếp theo

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/hdl-good-ldl-bad-cholesterol-and-triglycerides

[2] https://www.acc.org/latest-in-cardiology/articles/2015/09/24/10/01/non-hdlc-non-hdl-cholesterol

[3] https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arteriosclerosis-atherosclerosis/symptoms-causes/syc-20350569

[4] https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIRCULATIONAHA.118.033218

[5] https://www.escardio.org/Guidelines/Clinical-Practice-Guidelines/Dyslipidaemias-Management-of

[6] https://www.cdc.gov/cholesterol/ldl_hdl.htm

[7] Hirsch G, Vaid N, Blumenthal RS. Perspectives: The significance of measuring non-HDL-cholesterol. Prev Cardiol 2002;5(3):156–159. 9. Sugimoto K, Isobe K, Kawakami Y et al. The relationship between non-HDL cholesterol and other lipid parameters in Japanese subjects. J Atheroscler Thromb 2004;12(2):107–110.

VTM1336632 (v1.0)