Quản lý non-HDL-C tăng cao: Từ hiểu biết đến hành động (Phần 2)

Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh
Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh
Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam / Chủ tịch Phân hội tăng huyết áp Việt Nam
  • Ngày cập nhật: 22/11/2024

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với quý vị về những phương pháp hiệu quả để kiểm soát chỉ số non-HDL-C trong máu. Non-HDL-C cao là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch do xơ vữa nguy hiểm như đột quỵ, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được chỉ số này thông qua nhiều biện pháp khác nhau, từ thay đổi lối sống đến điều trị bằng thuốc. Nội dung dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cho quý vị về bốn chiến lược quan trọng để kiểm soát non-HDL-C. Những chiến lược này đã thể hiện hiệu quả qua nhiều nghiên cứu khoa học và thực tế điều trị lâm sàng, đồng thời cũng có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Chiến lược 1: Thay đổi lối sống lành mạnh: chế độ ăn, tập thể dục

Trước tiên, để giữ cho chỉ số non-HDL-C ở mức an toàn, mình cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tôi khuyên các bạn nên có một chế độ ăn uống cân bằng, giàu rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, đạm nạc như cá, thịt nạc và đậu đỗ sẽ giúp hạn chế lượng cholesterol và chất béo không lành mạnh. Bên cạnh đó, tập thể dục đều đặn từ 30-60 phút mỗi ngày như đi bộ, bơi lội sẽ giúp duy trì cân nặng phù hợp và nâng cao sức khỏe tim mạch.

 Thay đổi lối sống lành mạnh: chế độ ăn, tập thể dục

Chiến lược 2: Kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch đồng mắc

Khi thấy chỉ số non-HDL-C trong máu cao, chúng ta cũng cần đặc biệt để ý đến những yếu tố khác nữa. Tôi thường dặn mọi người cần tuân thủ điều trị để kiểm soát đường huyết cho tốt, giữ HbA1c dưới 7%, theo dõi huyết áp không để vượt quá 140/90 mmHg. Về tình trạng thừa cân thì các bác trai đừng để vòng eo quá 94cm, còn các chị em thì giữ dưới 80cm. Quan trọng nhất là phải dứt khoát bỏ thuốc lá, kể cả tránh hít phải khói thuốc từ người khác hút.

Chiến lược 3: Tuân thủ điều trị bằng thuốc theo khuyến cáo

Tuy nhiên, nhiều khi thay đổi lối sống thôi chưa đủ để kiểm soát non-HDL-C. Lúc này, chúng ta cần có thêm sự hỗ trợ của thuốc để làm giảm các cholesterol xấu này. Hiện nay có nhiều loại thuốc hiệu quả giúp làm giảm non-HDL-C như nhóm statin (atorvastatin, rosuvastatin,…), fibrate (fenofibrate, bezafibrate,…), ezetimibe, icosapent ethyl…, Việc lựa chọn các thuốc điều trị sẽ dựa trên mức non-HDL-C, nguy cơ tim mạch, các yếu tố bệnh lý, cũng như thuốc đang sử dụng của từng người.

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh

Chiến lược 4: Thực hiện theo dõi định kỳ

Cuối cùng, điều quan trọng không kém là cần phải đi khám định kỳ đều đặn, cứ 3 đến 12 tháng một lần, để theo dõi chỉ số non-HDL-C qua xét nghiệm máu. Như vậy sẽ giúp chúng tôi, các bác sĩ điều trị, đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng thuốc và điều chỉnh thuốc phù hợp.

Non-HDL-C là một chỉ số quan trọng cần được kiểm soát chặt chẽ vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ gặp các vấn đề tim mạch trong tương lai. Tôi thực sự mong muốn các bạn hãy chủ động thực hiện những thay đổi lành mạnh ngay từ hôm nay và thường xuyên theo dõi, quan tâm hơn đến chỉ số non-HDL-C trong các xét nghiệm định kỳ. Lúc này các bạn sẽ hiểu được lý do tại sao khi LDL-C của mình đã được kiểm soát tốt nhưng bác sĩ vẫn cần tăng liều điều trị hoặc phối hợp thuốc. Khi non-HDL-C còn cao dù LDL-C đã trong mức cho phép, nguy cơ gặp các vấn đề tim mạch trong tương lai vẫn còn đó. Chính vì vậy, chúng ta cần tin tưởng và kiên trì theo hướng dẫn điều trị và tuân thủ trong việc sử dụng thuốc. Chỉ với sự kiểm soát chặt chẽ lâu dài, chúng ta mới có thể ngăn chặn và làm chậm quá trình xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ bệnh tật do các vấn đề tim mạch.

Hãy hành động từ bây giờ để bảo vệ trái tim khỏe mạnh! Chúng ta có rất nhiều công cụ và phương pháp để kiểm soát tốt non-HDL-C, miễn là chúng ta quyết tâm và kiên trì thực hiện.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. Grundy SM, et al. 2018 AHA/ACC/AACVPR/AAPA/ABC/ACPM/ADA/AGS/APhA/ASPC/NLA/PCNA Guideline on the Management of Blood Cholesterol: Executive Summary: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol. 2019 Jun 25;73(24):3168-3209.

2. Visseren FLJ, et al. 2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. Eur Heart J. 2021 Sep 7;42(34):3227-3337. doi: 10.1093/eurheartj/ehab484. Erratum in: Eur Heart J. 2022 Nov 7;43(42):4468.  

3. Mach F, et al. 2019 ESC/EAS Guidelines for the management of dyslipidaemias: lipid modification to reduce cardiovascular risk. Eur Heart J. 2020 Jan 1;41(1):111-188. 

4. Virani SS. Non-HDL cholesterol as a metric of good quality of care: opportunities and challenges. Tex Heart Inst J. 2011;38(2):160-2.

VTM1336633 (v1.0)