Rối loạn mỡ máu ảnh hưởng như thế nào đến tim mạch?
Mục lục
Tình trạng mỡ máu là chỉ số quan trọng báo hiệu về sức khỏe tim mạch
Rối loạn mỡ máu (lipid máu) là gì? Rối loạn mỡ máu ảnh hưởng đến tim mạch ra sao? Các chỉ số HDL-c, LDL-c, triglyceride (TG) và dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khoẻ của cơ thể ra sao? Những thắc mắc này sẽ được a:care Việt Nam giải đáp trong bài viết sau đây!
Cholesterol là gì?
Cholesterol là loại chất béo quan trọng với con người: giúp hình thành màng tế bào, tổng hợp vitamin D (cần thiết cho da) và mật, đồng thời là thành phần thiết yếu sản xuất hormone, trong đó có hormone sinh dục. Cholesterol có thể được sản sinh bởi cơ thể hoặc từ các nguồn bên ngoài, chủ yếu là từ các thực phẩm có gốc động vật.
Mặc dù cholesterol rất cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường, nhưng khi dư thừa, cholesterol có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng về tim, thậm chí là nhồi máu cơ tim.
Xem thêm: Giảm nồng độ cholesterol và triglyceride bằng một chế độ ăn uống đơn giản
HDL và LDL là gì? Chỉ số nào tốt? Vai trò của 2 chỉ số này
Cholesterol là một chất béo được hệ tuần hoàn vận chuyển đi khắp cơ thể. Có 2 loại cholesterol: lipoprotein mật độ cao (HDL) và lipoprotein mật độ thấp (LDL). HDL được coi là cholesterol “tốt”, trong khi LDL được coi là “xấu”. Điều này là bởi vì HDL vận chuyển cholesterol đến gan để đào thải khỏi máu trước khi tích tụ trong động mạch của bạn. Mặt khác, vai trò của LDL là vận chuyển cholesterol mà gan sản sinh đến các tế bào trong cơ thể. LDL là protein không hòa tan trong máu, nên nếu bị dư thừa (cùng với việc nồng độ HDL quá thấp để đào thải LDL) có thể khiến cholesterol trong LDL đọng lại thành mảng trong động mạch. Cuối cùng, các mảng này có thể thu hẹp và thậm chí làm tắc dòng lưu thông máu bình thường, từ đó gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Triglyceride là gì?
Triglyceride cũng đóng vai trò quan trọng vì chúng tạo năng lượng cho cơ thể. Triglyceride là loại chất béo phổ biến nhất trong cơ thể người. Chúng đến từ thực phẩm, đặc biệt là bơ, dầu và các chất béo ăn được khác. Nồng độ triglyceride cao được xem là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch.
Thông tin về bệnh rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu là tình trạng có nồng độ HDL-c thấp hoặc nồng độ LDL-c và triglyceride trong máu cao. Nồng độ LDL-c dưới 100 mg/dL được xem là mức lý tưởng. Tuy nhiên, nếu có nhiều yếu tố nguy cơ khác thì nồng độ LDL-c khuyến nghị có thể thấp hơn, chẳng hạn như độ tuổi (>50 tuổi đối với nam giới và >60 tuổi đối với phụ nữ), thói quen hút thuốc lá, bệnh nền (ví dụ: cao huyết áp, đái tháo đường), và tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Nồng độ HDL-c ở mức tốt nhất là cao hơn 40 mg/dL. Nồng độ triglyceride dưới 150 mg/dL được xem là lý tưởng. Càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng phải kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ HDL-c/LDL-c và triglyceride.
Bạn nên xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra nồng độ cholesterol. Người trưởng thành nên kiểm tra nồng độ mỡ máu 4-6 năm một lần. Tuổi càng cao thì càng phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn. Một số người có thể cần kiểm tra nồng độ cholesterol thường xuyên hơn, đó là những bệnh nhân mắc bệnh tim, đái tháo đường hoặc có tiền sử gia đình có nồng độ cholesterol cao.
Hãy trao đổi với bác sĩ về tần suất kiểm tra nồng độ cholesterol. Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ cholesterol bằng cách xét nghiệm lipid máu để xem nồng độ HDL-c, LDL-c và triglyceride theo milligam trên decilit (mg/dL) hoặc gam trên lit (g/l).
Cholesterol toàn phần (TC) = “cholesterol tốt” trong HDL + “cholesterol xấu” trong LDL + cholesterol trong VLDL
Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) là loại lipoprotein chứa một nửa là triglyceride. Nồng độ VLDL cao sẽ dẫn đến nguy cơ có nồng độ cholesterol cao. Cách tốt nhất để giảm VLDL là làm giảm triglyceride.
Nồng độ cholesterol trong máu được tính theo đơn vị mg/dL.
Dưới đây là bảng phân loại cholesterol và nồng độ tương ứng.
Cholesterol toàn phần | |
< 200 mg/dL | Mức độ mong muốn |
200-239 mg/dL | Ranh giới cao |
> 240 mg/dL | Cao |
HDL cholesterol | |
< 40 mg/dL | Thấp |
> 60 mg/dL | Cao |
LDL cholesterol | |
< 100 mg/dL | Tối ưu |
100-129 mg/dL | Gần tối ưu/trên mức tối ưu |
130-159 mg/dL | Ranh giới cao |
160-189 mg/dL | Cao |
> 190 mg/dL | Rất cao |
Triglyceride | |
< 150 mg/dL | Tối ưu |
150-199 mg/dL | Ranh giới cao |
200-499 mg/dL | Cao |
> 500 mg/dL | Rất cao |
Bạn cần biết rằng nồng độ cholesterol tối ưu cũng phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ như độ tuổi, thói quen hút thuốc, bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường. Mỗi người trong chúng ta đều khác nhau và có tình trạng sức khỏe khác nhau.
Hãy trao đổi với bác sĩ, họ sẽ đánh giá và giải thích kết quả kiểm tra cholesterol dựa trên một số yếu tố nguy cơ theo độ tuổi, giới tính và tiền sử gia đình. Bác sĩ cũng có thể lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe tim mạch dành riêng cho bạn.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý rối loạn mỡ máu và mối quan hệ của bệnh lý với tim mạch. Hãy nhắc nhở bản thân và gia đình kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát các chỉ số mỡ máu của cơ thể ở mức ổn định để không phải mắc các biến chứng nguy hiểm nào từ rối loạn mỡ máu. Hy vọng những chia sẻ trên của a:care Việt Nam có thể giúp được bạn và gia đình.
Xem thêm:
- Những lưu ý khi tiêm phòng cúm cho người bệnh mạch vành
- Tiêm phòng cúm hằng năm bảo vệ người mắc bệnh tim mạch như thế nào?
- 8 điều cần biết về hội chứng chuyển hóa
Tài liệu tham khảo
1.American Heart Association. What Is Cholesterol? https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/about-cholesterol. Published 2020. Accessed October 28, 2020.
2.American Heart Association. HDL (Good), LDL (Bad) Cholesterol and Triglycerides. https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/hdl-good-ldl-bad-cholesterol-and-triglycerides. Published 2020. Accessed October 28, 2020.
3.Medlineplus. Triglycerides. https://medlineplus.gov. Published 2020. Accessed October 28, 2020.
4.Fodor G. Primary Prevention of CVD: Treating Dyslipidemia. Am Fam Physician. 2011;83(10):1207-08
5.World Health Organization. Guidelines for the Management of Dyslipidaemia in Patients with Diabetes Mellitus: Quick Reference Guide. 2006.
6.Centers for Disease Control and Prevention. Getting Your Cholesterol Checked. https://www.cdc.gov/cholesterol/cholesterol_screening.htm#:~:text=Most%20healthy%20adults%20should%20have,their%20cholesterol%20checked%20more%20often. Published 2020. Accessed October 30, 2020.
7.Harvard Health. Making Sense of Cholesterol Tests. https://www.health.harvard.edu/heart-health/making-sense-of-cholesterol-tests. Published 2020. Accessed October 30, 2020.
8.Mayo Clinic. VLDL Cholesterol: Is It Harmful? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/expert-answers/vldl-cholesterol/faq-20058275. Published 2020. Accessed October 30, 2020.