Bạn đã nghe nói đến rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt?
- Ngày cập nhật: 24/11/2023
Mục lục
- Hiểu thêm về hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt
- Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt có thường gặp không?
- Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
- Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
- Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt ảnh hưởng đến phụ nữ như thế nào?
- Nhiều phụ nữ có rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt nhưng chưa được chẩn đoán
- Chẩn đoán rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt như thế nào?
- Kiểm soát rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt
1. Hiểu thêm về hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Hội chứng tiền kinh nguyệt (HCTKN), là nhóm các triệu chứng về thể chất và tinh thần bắt đầu từ một đến hai tuần trước kỳ kinh. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng và thường biến mất sau khi bắt đầu có kinh.
Hội chứng tiền kinh nguyệt khá phổ biến và ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ trẻ. Theo khảo sát dịch tễ thì có đến 75% phụ nữ trẻ gặp triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt khác biệt với hội chứng tiền kinh nguyệt như thế nào?
Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt (RLTLTKN) là một dạng bệnh nặng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Mặc dù HCTKN và RLTLTKN đều có các triệu chứng về thể chất và cảm xúc, RLTLTKN gây ra những thay đổi tâm trạng cực độ, có thể làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống hàng ngày và làm tổn hại đến các mối quan hệ của chị em.
Trong rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt và hội chứng tiền kinh nguyệt, các triệu chứng thường bắt đầu từ 7 đến 10 ngày trước khi bắt đầu kỳ kinh và tiếp tục trong vài ngày đầu tiên của kỳ kinh.
Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt và hội chứng tiền kinh nguyệt đều có thể gây đầy hơi, đau ngực, mệt mỏi, thay đổi thói quen ngủ cũng như ăn uống. Tuy nhiên, RLTLTKN có ít nhất một trong những triệu chứng về cảm xúc và hành vi sau nổi bật:
- Buồn bã hoặc tuyệt vọng
- Lo lắng hoặc căng thẳng
- Cực kỳ tâm trạng
- Khó chịu hoặc tức giận
2. Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt có thường gặp không?
Tỷ lệ mắc chứng rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt trên toàn thế giới được ước tính là 3% đến 9%.
3. Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng thường gặp của rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt.
Tâm trạng
- Cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, vô dụng
- Tính khí thất thường, dễ thay đổi tâm trạng; đột nhiên cảm thấy buồn hoặc rơi nước mắt
- Dễ tức giận, khó chịu; thường xuyên xung đột với các thành viên trong gia đình hoặc với đồng nghiệp
- Lo âu nhiều, hoặc luôn có cảm giác căng thẳng
Hành vi
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Giảm hứng thú với các hoạt động thường ngày
- Giảm khả năng tập trung
- Thay đổi khẩu vị, ăn quá nhiều hoặc thèm một loại thức ăn cụ thể
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều (buồn ngủ quá mức vào ban ngày)
- Cảm thấy choáng ngợp hoặc mất kiểm soát
Thể chất
- Sưng, đau vú
- Đau cơ, khớp
- Cảm thấy chướng bụng hoặc tăng cân
- Nhức đầu
Các triệu chứng biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng RLTLTKN thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Các triệu chứng thường nặng hơn vào 6 ngày trước kỳ kinh, và nặng nhất vào 2 ngày trước kỳ kinh. Trong các triệu chứng được đề cập, tức giận và khó chịu là đáng lo ngại nhất và xuất hiện trước các triệu chứng khác.
Triệu chứng RLTLTKN thường sẽ không xuất hiện từ ngày 4 đến ngày 12 của chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày nghĩa là sau khi hành kinh, các triệu chứng này sẽ mất đi.
4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt chưa được hiểu rõ.
Bằng chứng gần đây từ các nghiên cứu cho thấy sản xuất nội tiết sinh sản (estrogen, progesterone) bình thường ở phụ nữ mắc RLTLTKN, nhưng họ nhạy cảm hơn với sự thay đổi theo chu kỳ của các nội tiết này, do đó gặp phải các triệu chứng về tâm trạng, hành vi và thể chất.
Chất hóa học trong não là serotonin cũng có thể đóng một vai trò trong rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt. Nồng độ serotonin thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và một số phụ nữ nhạy cảm hơn với sự thay đổi này.
Nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ có rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt thường mắc kèm một số vấn đề về tâm lý như:
- Lo lắng
- Trầm cảm nặng
- Rối loạn cảm xúc theo mùa
Các yếu tố khác có thể là yếu tố nguy cơ của rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt bao gồm:
- Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích
- Rối loạn tuyến giáp
- Thừa cân
- Mẹ có tiền sử rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt
- Lối sống ít vận động
5. Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt ảnh hưởng đến phụ nữ như thế nào?
Các triệu chứng RLTLTKN ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của chị em. Làm giảm khả năng học tập, làm việc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.
Theo thời gian, RLTLTKN không được điều trị có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, và giai đoạn rối loạn tâm lý có thể kéo dài hơn. Những phụ nữ bị RLTLTKN tái phát mà không được điều trị sẽ dễ bị trầm cảm, trường hợp nặng có ý định tự tử.
6. Nhiều phụ nữ có rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt nhưng chưa được chẩn đoán
Gần 90% phụ nữ mắc RLTLTKN có thể không được chẩn đoán.
Rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt chưa được chẩn đoán và điều trị đúng mức. Một phần vì không có xét nghiệm đặc hiệu hay phương pháp hỗ trợ chẩn đoán, một phần vì bị chẩn đoán nhầm với rối loạn nội tiết tố hay bệnh tâm lý.
7. Chẩn đoán rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt như thế nào?
Chưa có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán RLTLTKN. Bác sĩ thường dựa vào hỏi bệnh, bệnh sử, khám thực thể (bao gồm khám vùng chậu), xét nghiệm tuyến giáp và đánh giá tâm thần để loại trừ các tình trạng khác.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp có thể phát hiện bệnh suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) hoặc cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), cả hai tình trạng đều có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như RLTLTKN.
Xét nghiệm máu không cần thiết để chẩn đoán RLTLTKN. Công thức máu có thể được chỉ định để sàng lọc các tình trạng bệnh lý khác gây mệt mỏi, chẳng hạn như thiếu máu.
Ghi nhật ký triệu chứng giúp chị em xác định các triệu chứng khó chịu nhất và thời điểm xảy ra các triệu chứng. Thông tin được ghi chép chi tiết và chính xác sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán RLTLTKN và xác định phương pháp điều trị phù hợp.
8. Kiểm soát rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt
Các phương pháp điều trị RLTLTKN có thể kể đến như liệu pháp nội tiết, tâm lý trị liệu, một số trường hợp phải dùng thuốc chống trầm cảm.
Một số viên uống tránh thai có hiệu quả trong điều trị, có thể giúp phụ nữ cải thiện tình trạng. Đặc biệt, progestin thế hệ 4 có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng RLTLTKN vì tác dụng kháng aldosterone và kháng androgen.
Cùng với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, các phương pháp điều trị hỗ trợ được khuyến nghị cho phụ nữ có rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt (RLTLTKN).
Phương pháp điều trị hỗ trợ bao gồm tập thể dục thường xuyên, liệu pháp thư giãn và bổ sung vitamin và khoáng chất.
- Tập thể dục – Rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt có thể trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác. Tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
- Liệu pháp thư giãn –Liệu pháp thư giãn giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm các kỹ thuật như yoga, thiền, tập hít thở, bài tập giãn cơ, tự thôi miên hoặc phản hồi sinh học.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn từ dược sĩ, bác sĩ
Tài liệu tham khảo:
1. Premenstrual Syndrome. medlineplus.gov. https://medlineplus.gov/premenstrualsyndrome.html
2. Upadhyay M, Mahishale A, Kari A. Prevalence of premenstrual syndrome in college going girls – A cross sectional study. Clinical Epidemiology and Global Health. 2023;20:101234. doi:10.1016/j.cegh.2023.101234
3. Premenstrual dysphoric disorder: Different from PMS? Drugs.com. Accessed November 1, 2023. https://www.drugs.com/mcf/premenstrual-dysphoric-disorder-different-from-pms
4. Bansal D, Raman R, Rao TSS. Premenstrual Dysphoric Disorder: Ranking the Symptoms and Severity in Indian College Students. Journal of Psychosexual Health. 2019;1(2):159-163. doi:10.1177/2631831819827183
5. Mishra S, Elliott H, Marwaha R. Premenstrual Dysphoric Disorder. In: StatPearls. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; February 19, 2023.
6. Robert F Casper, MD. UpToDate. uptodate. Published March 20, 2023. https://www.uptodate.com/contents/premenstrual-syndrome-pms-and-premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd-beyond-the-basics#H17
7. Office on Women’s Health. Premenstrual dysphoric disorder (PMDD). womenshealth.gov. Published July 12, 2017. https://www.womenshealth.gov/menstrual-cycle/premenstrual-syndrome/premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd#:~:text=Premenstrual%20dysphoric%20disorder%20(PMDD)%20is
8. Premenstrual dysphoric disorder: MedlinePlus Medical Encyclopedia. Medlineplus.gov. Published 2016. https://medlineplus.gov/ency/article/007193.htm
9. Osborn E, Wittkowski A, Brooks J, Briggs PE, O’Brien PMS. Women’s experiences of receiving a diagnosis of premenstrual dysphoric disorder: a qualitative investigation. BMC Women’s Health. 2020;20(1). doi:10.1186/s12905-020-01100-8
10. Thakrar P, Bhukar K, Oswal R. Premenstrual dysphoric disorder: Prevalence, quality of life and disability due to illness among medical and paramedical students. Journal of Affective Disorders Reports. 2021;4:100112. doi:10.1016/j.jadr.2021.100112
11.Premenstrual Dysphoric Disorder – an overview | ScienceDirect Topics. www.sciencedirect.com. Accessed November 1, 2023. https://www.sciencedirect.com/topics/neuroscience/premenstrual-dysphoric-disorder#:~:text=Over%20time%2C%20untreated%20PMDD%20may
12.Prasad D, Wollenhaupt-Aguiar B, Kidd KN, de Azevedo Cardoso T, Frey BN. Suicidal risk in women with premenstrual syndrome and premenstrual dysphoric disorder: A systematic review and meta-analysis. Journal of Women’s Health. 2021;30(12). doi:10.1089/jwh.2021.0185
13.Cunningham J, Yonkers KA, OʼBrien S, Eriksson E. Update on Research and Treatment of Premenstrual Dysphoric Disorder. Harvard Review of Psychiatry. 2009;17(2):120-137. doi:10.1080/10673220902891836
14.MD AC. Premenstrual dysphoria disorder: It’s biology, not a behavior choice. Harvard Health Blog. Published May 30, 2017. https://www.health.harvard.edu/blog/premenstrual-dysphoria-disorder-its-biology-not-a-behavior-choice-2017053011768
15.Premenstrual Dysphoric Disorder Differential Diagnoses. emedicine.medscape.com. Accessed November 1, 2023. https://emedicine.medscape.com/article/293257-differential
16.Hantsoo L, Epperson CN. Premenstrual Dysphoric Disorder: Epidemiology and Treatment. Current Psychiatry Reports. 2015;17(11). doi:10.1007/s11920-015-0628-3