Rối loạn tiền đình và bù trừ tiền đình: Những điều bạn cần biết
- Ngày cập nhật: 28/12/2023
Mục lục
- Cấu tạo của hệ thống tiền đình
- Chức năng của hệ thống tiền đình?
- Thế nào là rối loạn hệ thống tiền đình?
- Có những rối loạn hệ thống tiền đình nào?
- Ai dễ bị rối loạn tiền đình?
- Rối loạn tiền đình xảy ra như thế nào, kéo dài bao lâu?
- Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
- Bạn đã biết về quá trình bù trừ tiền đình của cơ thể?
- Biện pháp thúc đẩy quá trình bù trừ tiền đình
- Một trường hợp điều trị rối loạn tiền đình hiệu quả
- Cách phòng tránh rối loạn tiền đình
- Khi nào cần gặp bác sĩ
Hệ thống tiền đình gồm những bộ phận nằm ở tai trong (hệ tiền đình ngoại biên) và não (hệ tiền đình trung ương) giúp giữ thăng bằng, duy trì tư thế, đảm bảo phối hợp cử động của cơ thể. Bởi vậy, tổn thương hệ thống tiền đình có thể làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình, điển hình là chóng mặt, mất thăng bằng.
1. Cấu tạo của hệ thống tiền đình
Hệ thống tiền đình ngoại biên được phân thành 02 phần chính, bao gồm: 03 ống bán khuyên và cầu nang, soan nang ở phần mê đạo thuộc tai trong.
Hệ thống tiền đình trung ương gồm bốn nhân tiền đình ở trong não
2. Chức năng của hệ thống tiền đình?
Bốn nhân tiền đình sẽ xử lý thông tin gửi về từ hệ thống tiền đình ngoại biên để:
- Điều hòa các phản xạ để giữ thăng bằng của cơ thể
- Cho thông tin về vị trí đầu trong không gian.
3. Thế nào là rối loạn hệ thống tiền đình?
Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình, làm xuất hiện các triệu chứng, điển hình là chóng mặt, mất thăng bằng.
Các triệu chứng của rối loạn chức năng tiền đình thường lặp đi lặp lại, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh
4. Có những rối loạn hệ thống tiền đình nào?
Tùy theo vị trí tổn thương của hệ thống tiền đình mà phân thành 2 loại:
- Hội chứng tiền đình ngoại biên do tổn thương trong tai hay dây thần kinh tiền đình
- Hội chứng tiền đình trung ương do tổn thương các nhân tiền đình hay các đường liên hệ của các nhân này trong não
5. Ai dễ bị rối loạn tiền đình?
Bất kỳ ai cũng có thể bị rối loạn tiền đình nhưng 25% các trường hợp chóng mặt có nguyên nhân là chóng mặt kịch phát lành tính tư thế.
Bệnh hay gặp ở nữ (gấp 2 lần nam giới), thường sau 40 tuổi. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh: thiếu vitamin D, loãng xương, cholesterol trong máu cao.
6. Rối loạn tiền đình xảy ra như thế nào, kéo dài bao lâu?
Chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên thường xảy ra từng đợt, đột ngột hay tái phát. Các cơn chóng mặt thường xảy ra khi thay đổi tư thế đầu, vào buổi sáng và giảm dần trong ngày.
Các bệnh hay gặp trong chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên:
- Chóng mặt kịch phát lành tính tư thế: chóng mặt có thể tự giới hạn, có thể kéo dài vài tháng, xen kẽ giai đoạn không triệu chứng khoảng vài tháng hay vài năm.
- Chóng mặt do bệnh Mènière: cơn chóng mặt, nôn ói, mất thăng bằng từ vài phút đến vài giờ, hiếm khi kéo dài vài ngày. Bệnh thường tái phát sau 1 thời gian.
- Chóng mặt do viêm thần kinh tiền đình: kéo dài từ vài phút dến vài giờ, đỉnh điểm là 24 giờ, sau đó giảm dần và hồi phục trong vòng 1 đến 3 tháng.
Chóng mặt do nguyên nhân trung ương xảy ra thường xuyên. Để người bệnh hết chóng mặt thì ngoài điều trị triệu chứng chóng mặt phải điều trị nguyên nhân gây chóng mặt.
7. Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Tổn thương ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh tiền đình ngoại biên sẽ gây ra sự chóng mặt dữ dội, cảm giác ảo giác về sự chuyển động của môi trường xung quanh hoặc cảm giác quay tròn khi đứng yên.
Tổn thương của hệ thống tiền đình trung ương thì gây mất thăng bằng.
7.1 Rối loạn tiền đình ngoại biên
90% – 95% người bị chóng mặt là do rối loạn tiền đình ngoại biên. Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên và biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy thuộc theo nguyên nhân.
Có thể có các cơn chóng mặt thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế đầu như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi.
Cũng có thể là tình trạng chóng mặt dữ dội và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng hay thay đổi từ nằm sang ngồi được. Ngoài chóng mặt dữ dội, còn có các triệu chứng đi kèm như nôn ói nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, da tái xanh, giảm nhịp tim, vã mồ hôi, nghiêm trọng hơn là té ngã gây chấn thương do không kiểm soát được thăng bằng.
7.2 Tổn thương hệ thống tiền đình trung ương
Người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Tình trạng này là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình mà nguyên nhân có thể là do tai biến mạch máu não, bệnh lý viêm, u não…
Do đó, ngoài triệu chứng mất thăng bằng, chóng mặt thì người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng của bệnh chính, ví dụ đau đầu hay yếu liệt tay chân, mờ mắt trong u não.
8. Bạn đã biết về quá trình bù trừ tiền đình của cơ thể?
Sự rối loạn hệ thống tiền đình sẽ gây tình trạng chóng mặt và các triệu chứng kèm theo. Chóng mặt giảm khi có bù trừ tiền đình của cơ thể.
Ngoài hệ thống tiền đình các cơ quan khác như tiểu não (một phần quan trọng của não bộ giúp điều khiển các trạng thái vận động của cơ thể), thị giác, và cảm thụ bản thể (giác quan cảm nhận vị trí của thân thể với môi trường xung quanh) cũng góp phần điều hòa thăng bằng.
Cơ chế bù trừ tiền được thực hiện thông qua tiểu não. Trong giai đoạn bù trừ cấp, có tổn thương tiền đình 1 bên thì tiểu não ức chế nhân tiền đình bên không bị tổn thương để 2 bên cân bằng.
Còn trong giai đoạn mạn tính thì tiểu não tìm cách bù đắp lại, bằng việc giúp phục hồi phát xung nhân tiền đình bên bị tổn thương, nhờ đó tái thiết lập trạng thái cân bằng với bên không bị tổn thương và giảm chóng mặt.
Vì quá trình bù trừ tiền đình được kiểm soát bởi tiểu não, nên nếu tiểu não mất chức năng thì quá trình bù trừ không hiệu quả.
Sau quá trình bù trừ trên mà chức năng tiền đình vẫn chưa bình thường thì thị giác và cảm thụ bản thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc bù trừ tiền đình. Quá trình bù trừ tiền đình thường kéo dài từ 3 đến 12 tháng.
9. Biện pháp thúc đẩy quá trình bù trừ tiền đình
Như vậy, cơ thể con người có 1 quy luật tự nhiên và kỳ diệu là khi 1 vùng não bị mất chức năng đột ngột thì 1 vùng não khác sẽ tìm cách bù trừ, duy trì trạng thái cân bằng để cơ thể thích nghi. Sử dụng thuốc cũng cần phù hợp và giúp thúc đẩy quá trình bù trừ tiền đình của não bộ.
Vì vậy, trong giai đoạn cấp, tổn thương tiền đình 1 bên, sử dụng các thuốc ức chế tiền đình sẽ giải quyết câu chuyện này bằng các ức chế cả 2 bên cho cân bằng tiền đình. Các thuốc ức chế tiền đình bao gồm:
- Thuốc chẹn β
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống co giật
- Chất ức chế anhydrase carbonic
- Thuốc kháng cholinergics
- Benzodiazepin
Các thuốc ức chế tiền đình chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để giảm cơn chóng mặt.
Sau giai đoạn ức chế thì quá trình bù trừ tiền đình nhằm phục hồi khả năng điều chỉnh tư thế, giữ thăng bằng. Các thuốc sử dụng trong giai đoạn này có tác dụng hỗ trợ tiền đình bao gồm:
- Kháng histamin: betahistin
- Tăng phân cực màng của tế bào lông chuyển trong tiền đình và các tế bào thần kinh tiền đình: acetyl leucin
- Hỗ trợ tuần hoàn tai trong và tuần hoàn não: ginko biloba, piracetam
Các thuốc hỗ trợ tiền đình được phép sử dụng lâu dài giúp cân bằng chức năng hệ thống tiền đình 2 bên của cơ thể.
10. Một trường hợp điều trị rối loạn tiền đình hiệu quả
Một bạn nam, 22 tuổi đến khám vì sau 2 cảm cúm sốt, ho, sổ mũi, nước mũi trong thì bị chóng mặt dữ dội, buồn nôn và nôn ói khi chuyển tư thế từ nằm sang ngồi hay ngược lại.
Khám lâm sàng có họng đỏ, sung huyết, dấu hiệu rung giật nhãn cầu đánh ngang tự phát
Xét nghiệm cận lâm sàng: xét nghiệm máu cho thấy có tình trạng nhiễm siêu vi. Đo chức năng tiền đình: suy giảm chức năng tiền đình 2 bên. Chụp cộng hưởng từ sọ não: loại trừ tổn thương trong não bộ
Điều trị: corticoide, thuốc hỗ trợ tiền đình betahistin, thuốc chống nôn metoclopramide, an thần benzodiazepin. Sau 1 tuần các triệu chứng đã kiểm soát, hết nôn, bớt chóng mặt. Ra viện tiếp tục được kê đơn betahistin trong 2 tháng và tập phục hồi tiền đình. Sau 2 tháng bệnh hoàn toàn hết chóng mặt, hết mất thăng bằng.
11. Cách phòng tránh rối loạn tiền đình
- Tránh thay đổi tư thế đầu, cổ hay đứng lên ngồi xuống đột ngột
- Luyện tập cho hệ thống tiền đình thích nghi
- Tránh đọc sách báo khi ngồi trên ô tô
- Nên ngồi hoặc nằm xuống ngay khi thấy chóng mặt
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, chất cấm..
- Giảm căng thẳng, lo lắng, thức khuya
- Uống đủ nước
12. Khi nào cần gặp bác sĩ
Nói chung, hãy đến gặp bác sĩ hay đến ngay bệnh viện nếu bạn gặp bất kỳ cơn chóng mặt hoặc chóng mặt tái phát, đột ngột, nghiêm trọng hoặc kéo dài và không giải thích được hay có 1 trong các triệu chứng sau:
- Đau đầu đột ngột, dữ dội
- Đau ngực
- Khó thở
- Tê hoặc tê liệt cánh tay hoặc chân
- Ngất xỉu
- Nhìn đôi
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Lẫn lộn hoặc nói ngọng
- Bị vấp ngã hoặc đi lại khó khăn
- Nôn mửa liên tục
- Co giật
- Thính lực thay đổi đột ngột
- Tê hoặc yếu mặt