Sảy thai liên tiếp: Vượt qua nỗi đau hiện tại, xây dựng kế hoạch tương lai

bs Trịnh Nhựt Thư Hương
Chuyên gia viết bài: BSCKII. Trịnh Nhựt Thư Hương
Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ
  • Ngày cập nhật: 27/6/2024

Tôi hiểu rằng mỗi lần mất con là một vết thương lòng vô cùng sâu sắc đối với phụ nữ. Nỗi đau ấy không chỉ tác động đến thể chất, mà còn gây ra nhiều sang chấn về mặt tinh thần. Sảy thai liên tiếp thường dẫn đến trầm cảm, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ và các vấn đề về sức khỏe sinh sản. Không chỉ vậy, còn ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng và gia đình. Việc phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần sau sảy thai liên tiếp cần thời gian, sự kiên nhẫn và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè cũng như các chuyên gia y tế.

1. Cách vượt qua nỗi đau sau sảy thai liên tiếp

Đối mặt với nỗi đau mất con là điều vô cùng khó khăn, nhưng chị em đừng kìm nén cảm xúc của mình, hãy cho phép bản thân được buồn, được khóc và chia sẻ với người thân, bạn bè. Đừng tự trách bản thân hoặc so sánh với người khác, vì mỗi người đều có một hành trình riêng. 

Ngoài ra, hãy chăm sóc bản thân, chú ý ăn uống, ngủ nghỉ và vận động hợp lý; thực hành các kỹ thuật thư giãn. Việc đặt ra những mục tiêu mới và dành thời gian cho các sở thích cũng sẽ giúp cải thiện tâm trạng và tìm thấy niềm vui.

Nếu cảm thấy quá khó khăn, đừng ngại tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ dành cho phụ nữ từng trải qua sảy thai liên tiếp. Ở đó, các chị em sẽ tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ vô cùng quý giá.

cách vượt qua nổi đay sảy thai liên tiếp

2. Lập kế hoạch mang thai với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sản phụ

Hãy nhớ rằng, hy vọng vẫn luôn hiện hữu. Nhiều phụ nữ vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh sau những mất mát của sảy thai liên tiếp. Dưới đây là một số bước tôi nghĩ các chị em cần thể thực hiện khi lập kế hoạch mang thai:

  • Tìm hiểu nguyên nhân: Đi khám bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp. Các xét nghiệm cần thiết sẽ giúp chẩn đoán các vấn đề sức khỏe.
  • Điều chỉnh các vấn đề sức khỏe (nếu có): Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào, hãy tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn từ bác sĩ để cải thiện tình trạng trước khi mang thai.
  • Lên kế hoạch thụ thai: Thảo luận với bác sĩ về thời điểm thích hợp để thụ thai sau khi đã ổn định sức khỏe. 
  • Theo dõi thai kỳ chặt chẽ: Khi đã mang thai, hãy tuân thủ lịch khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cũng như điều trị cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi.
bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương
BSCKII. Trịnh Nhựt Thư Hương

Các bạn thân mến, tôi biết hành trình vượt qua sảy thai liên tiếp luôn đầy gian nan và thử thách. Nhưng xin đừng đánh mất hy vọng, vì cuộc sống luôn mở ra cơ hội cho những trái tim kiên cường. Hãy tin vào sức mạnh từ tình cảm gia đình và sự hỗ trợ nhiệt thành từ các y bác sĩ. Chúng tôi luôn sát cánh cùng các chị em từng bước vượt qua sóng gió, hướng đến ngày con yêu chào đời. Hãy mạnh mẽ bước tiếp, vì tương lai tươi sáng đang chờ đón phía trước.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

[1] Tavoli Z, Mohammadi M, Tavoli A, et al. Quality of life and psychological distress in women with recurrent miscarriage: a comparative study. Health Qual Life Outcomes. 2018;16(1):150. Published 2018 Jul 28. doi:10.1186/s12955-018-0982-z

[2] Pillarisetty LS, Gupta N. Recurrent Pregnancy Loss. PubMed. Published 2020. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554460/

[3] Pregnancy after miscarriage: Trying again. Mayo Clinic. Published 2019. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/pregnancy-after-miscarriage/art-20044134

VTM1321282 (v1.0)