Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày: Hiểu để yên tâm
Mục lục
- Thuốc tránh thai hàng ngày là gì?
- Công dụng của thuốc tránh thai hằng ngày
- Một số tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày
- Uống thuốc tránh thai hàng ngày có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?
- Thế hệ thuốc tránh thai hàng ngày nào ít tác dụng phụ?
- Những lưu ý cần biết khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày
Uống thuốc tránh thai hằng ngày là một trong những phương pháp giúp phụ nữ ngừa thai hiệu quả. Tuy nhiên, người dùng luôn băn khoăn thuốc tránh thai hàng ngày có tác dụng phụ nào không? Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hằng ngày gây ra có thật sự đáng lo ngại? Cùng a:care Việt Nam tìm câu trả lời qua bài viết sau.
Thuốc tránh thai hàng ngày là gì?
Thuốc tránh thai hàng ngày là phương pháp ngừa thai hiệu quả bằng nội tiết tố. Thuốc tránh thai hàng ngày thường chứa estrogen và progestin (hai hormone sinh dục nữ), có tác dụng ngăn cản sự rụng trứng, làm dày lớp màng nhầy cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng bơi về phía tử cung để thụ tinh, làm thay đổi niêm mạc tử cung không thích hợp cho trứng làm tổ, từ đó có tác dụng tránh thai. Ước tính có khoảng 10-15 triệu phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống ở Hoa Kỳ.
Công dụng của thuốc tránh thai hằng ngày
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc tránh thai kết hợp (uống hàng ngày) khi được sử dụng đúng liều lượng và đúng cách sẽ cho hiệu quả ngừa thai lên tới 99%. Hơn thế nữa, khả năng sinh sản có thể trở lại gần như ngay lập tức sau khi người phụ nữ ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên nếu dự định có thai, chị em không nên dừng thuốc đột ngột giữa vỉ thuốc vì có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguộc. Nên uống hết vỉ thuốc rồi dừng.
Viên uống tránh thai thế hệ 4 ngoài tác dụng tránh thai còn có một số lợi điểm, có thể kể đến:
- Giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, bướu lành tuyến vú.
- Khắc phục tình trạng mụn nội tiết
- Không gây tăng cân
- Giảm các triệu chứng khó chịu ở mỗi chu kỳ như đau bụng kinh
- Giảm chảy máu kinh nguyệt nhiều,, cũng như giảm tình trạng thiếu máu do thiếu sắt liên quan đến mất máu
- Điều trị rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt (PMDD)
- Điều hòa kinh nguyệt, giúp chu kỳ đều đặn
Một số tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày
Thuốc tránh thai hằng ngày mang lại nhiều lợi ích nhưng bên cạnh đó cũng gây ra một số tác dụng phụ khiến nhiều người băn khoăn khi sử dụng. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày cũng khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc tránh thai và sự tuân thủ dùng thuốc của mỗi cá nhân.
Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai hàng ngày bạn cần lưu ý.
- Ra máu giữa kỳ kinh
Ra máu bất thường giữa kỳ kinh có thể là xuất huyết đột ngột hoặc đốm máu, trông có vẻ như chảy máu nhẹ hoặc tiết dịch màu nâu.
Đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc tránh thai hàng ngày, do cơ thể đang cần thích nghi với sự thay đổi của nội tiết tố. Tuy nhiên, việc uống thuốc theo quy định, đều đặn hàng ngày và vào cùng một thời điểm trong ngày có thể giúp giảm tình trạng này.
- Buồn nôn
Tác dụng phụ này khá nhẹ và thường xảy ra vào lần đầu tiên uống thuốc, tuy nhiên cảm giác buồn nôn sẽ giảm dần sau khi bạn thích nghi với thuốc. Uống thuốc sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ có thể giúp giảm triệu chứng này. Tuy nhiên, nếu việc buồn nôn kéo dài quá lâu, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
- Đau ngực
Thuốc tránh thai hàng ngày sẽ gây ra cảm giác căng tức ngực, đặc biệt với những người mới bắt đầu dùng thuốc. Mặc áo ngực hỗ trợ có thể giúp giảm đau ngực. Hormone không chỉ làm ngực nhạy cảm hơn mà còn làm ngực phát triển to hơn.
Nếu xảy ra các dấu hiệu bất thường ở ngực như đau nhức dữ dội hay cảm nhận có khối u ở ngực, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
- Nhức đầu, đau nửa đầu
Những thay đổi về hormone nội tiết trong cơ thể (estrogen và progesterone) gây ra chứng đau nửa đầu hay khó chịu ở đầu. Các triệu chứng nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào liều lượng và loại thuốc tránh thai bạn đang dùng.
- Tăng cân
Tăng cân được xác định là một trong những lý do dẫn đến việc ngừng sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai hàng ngày thế hệ thứ 4 không liên quan đến tăng cân và không gây tăng cân. (Nguồn tham khảo)
- Kinh ít, mất kinh
Do ảnh hưởng của hormon có trong thuốc tránh thai hàng ngày, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể ít đi hoặc mất kinh… Mất kinh do thuốc tránh thai thường không gây hại.
Một số nguyên nhân có thể gây mất hoặc trễ kinh bao gồm: căng thẳng, ốm bệnh, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn nội tiết.
Trong trường hợp nghi ngờ có thai, bạn nên thử thai bởi khả năng mang thai nếu sử dụng thuốc không đúng cách.
- Giảm ham muốn tình dục
Vì thay đổi nội tiết tố trong cơ thể nên thuốc có thể ảnh hưởng hoặc làm giảm ham muốn tình dục ở một số người. Dùng thuốc tránh thai thế 4 cải thiện tình trạng này.
Một số người khác có thể cảm thấy thích và ham muốn tình dục hơn, do rào cản lo sợ mang thai đã được gỡ bỏ và các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt được giảm thiếu.
- Thay đổi tâm trạng
Nồng độ hormone thay đổi do uống thuốc tránh thai hàng ngày có thể dẫn đến những thay đổi về mặt cảm xúc. Nếu có bất kỳ thay đổi tâm trạng nào khiến bạn lo lắng, hay ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, bạn nên đi thăm khám, hỏi ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thuốc tránh thai cũng có một số tác dụng phụ khác ít gặp, tùy thuộc vào đối tượng sử dụng thuốc và loại thuốc tránh thai. Hỏi thăm ý kiến bác sĩ về loại thuốc tránh thai hằng ngày phù hợp là điều mà các chị em cần làm trước khi sử dụng.
Uống thuốc tránh thai hàng ngày có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?
Câu trả lời là không. Những phụ nữ đã từng sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày vẫn có khả năng mang thai như những người chưa dùng biện pháp tránh thai nội tiết trước đó.
Các nghiên cứu và khảo sát trên hàng ngàn phụ nữ cho thấy việc sử dụng thuốc tránh thai lâu dài không ảnh hưởng đến khả năng sinh con.
Thế hệ thuốc tránh thai hàng ngày nào ít tác dụng phụ?
Đây là câu hỏi mà hầu hết phụ nữ trong độ tuổi mang thai đều quan tâm. Nguyên do phần lớn các loại thuốc tránh thai hàng ngày đều tác động đến nội tiết tố trong cơ thể và có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến đời sống của người dùng.
Hiện nay, thế hệ thuốc tránh thai hàng ngày được giới chuyên gia đánh giá cao về hiệu quả tránh thai và ít tác dụng phụ là thuốc sử dụng progestin thế hệ thứ tư. Chị em hãy đi thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn, chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc.
Thuốc tránh thai thế hệ thứ 4 cho thấy hiệu quả cao trong việc hạn chế tình trạng rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt (PMDD), ngăn chặn tình trạng giữ muối nước, giảm đầy hơi, tăng cân và tăng huyết áp trong khi sử dụng.
Lời khuyên cho bạn: Chị em phụ nữ cần tuân thủ dùng thuốc tránh thai kết hợp theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ để góp phần hạn chế tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả của thuốc tránh thai hàng ngày.
Những lưu ý cần biết khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày
- Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cũng nên có thói quen đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Uống thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh dùng thuốc tránh thai kết hợp nếu: phụ nữ trên 35 tuổi có hút thuốc lá, nguy cơ đông máu cao, người mắc ung thư, bệnh tim mạch (tăng huyết áp)… Những đối tượng này cần có sự chỉ định và theo dõi từ bác sĩ có chuyên môn cao.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày với các loại thuốc khác. Hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ về những tương tác thuốc có thể xảy ra làm giảm tác dụng ngừa thai.
- Nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày và gây ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của bạn, hãy thông báo ngay với chuyên gia y tế.
Bên cạnh những lợi ích mà thuốc tránh thai mang lại, tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng. Hiểu hơn về thuốc tránh thai hàng ngày cũng như tác dụng phụ có thể gặp phải sẽ giúp phụ nữ chủ động hơn và yên tâm hơn khi sử dụng phương pháp tránh thai hằng ngày phù hợp.
Xem thêm:
- Phương pháp tránh thai nào phù hợp dành cho gen Z?
- Bạn đã nghe nói đến rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt?
- Phương pháp tránh thai nào phù hợp cho các bạn trẻ?
- Phòng tránh thai & Viên uống tránh thai thế hệ 4: “Tin đồn” hay “Sự thật”?
Tài liệu tham khảo
2. Side effects of oral contraceptives. Available at . https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/503375/. Published 1979. Accessed 2023 October
3. Combined pill. Available at https://www.nhs.uk/conditions/contraception/combined-contraceptive-pill/ Published 2020. Accessed 2023 October.
4. Combination birth control pills. Available at https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/combination-birth-control-pills/about/pac-20385282. Published 2023. Accessed 2023 October.
5. Birth Control Pills. Available at https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/3977-birth-control-the-pill. Published 2023. Accessed 2023 October.
6. Drospirenone/ethinyl estradiol 3 mg/20 μg (24/4 day regimen): hormonal contraceptive choices – use of a fourth-generation progestin. Available at https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2778416/. Published 2009. Accessed 2023 October.