Tầm quan trọng của thăm khám định kỳ trong điều trị lạc nội mạc tử cung (Phần 1)

TS.BS Nguyễn Cảnh Chương
Chuyên gia viết bài: TS.BS Nguyễn Cảnh Chương
Giám đốc trung tâm đào tạo – Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
  • Ngày cập nhật: 22/11/2024

Là một bác sĩ chuyên khoa sản phụ, tôi thường xuyên gặp nhiều chị em đến khám khi bệnh lạc nội mạc tử cung đã ở giai đoạn nặng, gây đau đớn và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Điều này khiến tôi nhận thấy việc theo dõi và thăm khám định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lạc nội mạc tử cung. Thông qua bài viết, tôi muốn chia sẻ những kiến thức và lời khuyên thiết thực để giúp chị em hiểu rõ hơn về bệnh này.

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung, bao gồm tuyến và mô đệm phát triển ở bên ngoài tử cung hoặc ngay tại thành tử cung, thường là trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng. Lạc nội mạc tử cung có thể gặp ở nhiều vị trị như buồng trứng, vòi trứng, cổ tử cung, thành âm đạo, thậm chí trong trường hợp lạc nội mạc sâu, tổ chức nội mạc có thể được tìm thấy ở những vị trí như ruột, đại tràng, bàng quang,… với vị trí phổ biến nhất là buồng trứng (hay nang lạc nội mạc buồng trứng). 

Điều đáng lưu ý là những mô này vẫn hoạt động theo chu kỳ kinh nguyệt, gây ra tình trạng sưng và chảy máu, dẫn đến cơn đau bụng dữ dội mà nhiều chị em phải trải qua. Chính vì vậy, tôi luôn khuyên các chị em nếu nhận thấy các cơn đau bụng bất thường, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, đừng chủ quan mà hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám sớm. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ chị em trong việc điều trị và theo dõi bệnh.

TS.BS Nguyễn Cảnh Chương
TS.BS Nguyễn Cảnh Chương

Tôi muốn chia sẻ với chị em rằng lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống phụ nữ. Khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể mắc phải tình trạng này, nhưng nhiều người không hề nhận biết do không có triệu chứng rõ ràng. Lạc nội mạc tử cung thường biểu hiện qua ba dạng triệu chứng chính là đau, vô sinh và các dấu hiệu liên quan đến vị trí tổn thương.

Về các cơn đau: Đây là triệu chứng phổ biến nhất mà tôi gặp ở các bệnh nhân. Đau có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau và gây nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi thấy rằng:

  • Đau bụng kinh: các cơn đau có thể nặng dần hơn theo thời gian.
  • Đau mạn tính ở vùng lưng dưới và vùng xương chậu
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, thường là cơn đau “sâu”, khác với đau ngoài vùng âm đạo khi tiếp nhận dương vật.
  • Đau bụng dưới, đau quanh rốn.
  • Đau khi đi vệ sinh, nhất là trong kỳ kinh nguyệt, thậm chí đôi khi có máu trong phân hoặc nước tiểu.
  • Đau chân, khối lạc nội mạc có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh kết nối với háng, hông và chân, gây khó khăn khi di chuyển. Các chị em có thể đi khập khiễng hoặc phải nghỉ ngơi thường xuyên

Về vấn đề sinh sản: Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh. Khoảng 20-30% phụ nữ vô sinh gặp phải tình trạng này, do các dính kết trong vùng chậu làm ảnh hưởng đến khả năng thu nhận và vận chuyển trứng. Ngoài ra, lạc nội mạc cũng có thể gây rối loạn trong quá trình phát triển nang trứng, ảnh hưởng đến chất lượng phôi và khả năng làm tổ của phôi.

Lạc nội mạc tử cung tác động đến sức khỏe và cuộc sống như thế nào

Về các triệu chứng khác liên quan đến vị trí tổn thương: Tùy vào vị trí khối lạc nội mạc, các triệu chứng có thể thay đổi. Ví dụ, nếu lạc nội mạc ở đại tràng sigma, chị em có thể thấy đau khi đi đại tiện, có thể là đau mãn tính hoặc từng cơn, kèm theo các rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy hoặc đại tiện ra máu. Khi lạc nội mạc ở bàng quang, chị em có thể gặp tình trạng tiểu khó, tiểu gấp, tiểu dắt, tiểu nhiểu, đau trên mu,…. Nếu lạc nội mạc liên quan đến niệu quản, đau vùng chậu hông hoặc tình trạng ứ nước thận có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương thận nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều chị em còn gặp các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, hoặc buồn nôn, nhất là trong kỳ kinh nguyệt.

Phần tiếp theo

Xem thêm:

VTM1336783 (v1.0)