TẦM SOÁT BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: CHUẨN BỊ CHO MỘT CUỘC THĂM KHÁM HIỆU QUẢ (Phần 1)

TS.BS Nguyễn Quang Bảy
Chuyên gia viết bài: TS.BS Nguyễn Quang Bảy
Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai / Trưởng phân môn Nội tiết, Trường Đại học Y Hà Nội
  • Ngày cập nhật: 13/3/2024

1. Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Bệnh hay biến chứng võng mạc đái tháo đường là tình trạng tổn thương các mạch máu nhỏ ở vùng võng mạc của mắt ở người bệnh ĐTĐ, với các đặc điểm như vi phình mạch, xuất tiết, xuất huyết đáy mắt, và nặng hơn nữa là xuất hiện các tân mạch, kèm theo xuất huyết dịch kính gây bong võng mạc… Một trong những biến chứng nặng của bệnh võng mạc ĐTĐ là phù hoàng điểm.

Bệnh võng mạc thường xuất hiện ở cả 2 mắt người bệnh ĐTĐ, và là nguyên nhân chính gây giảm hoặc mất thị lực ở người mắc đái tháo đường (ĐTĐ). 

Ước tính khoảng 25 – 50% số người bệnh ĐTĐ có bệnh võng mạc. 

Tìm hiểu về bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân chính gây giảm hoặc mất thị lực ở người mắc đái tháo đường

2. Những bệnh nhân đái tháo đường nào cần tầm soát bệnh võng mạc?

Bệnh võng mạc ĐTĐ là một biến chứng nguy hiểm, nhưng thường chỉ có biểu hiện ở giai đoạn muộn, khi đã bị xuất huyết võng mạc, bong dịch kính hoặc phù hoàng điểm… nên tất cả các bệnh nhân ĐTĐ đều cần được tầm soát nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, để có biện pháp dự phòng và/hoặc điều trị hiệu quả. 

Những bệnh nhân ĐTĐ sau có nguy cơ rất cao bị biến chứng võng mạc, cần đặc biệt chú ý tầm soát, đó là:

  • Bị bệnh ĐTĐ lâu, tuổi cao
  • Kiểm soát đường huyết kém
  • tăng huyết áp, có suy thận…
  • Có hút thuốc lá
  • Có thai

3. Thời điểm tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường?

  • Các bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có triệu chứng âm thầm nên thường được chẩn đoán muộn, do đó cần được sàng lọc bệnh võng mạc ngay khi phát hiện mắc đái tháo đường.
  • Các bệnh nhân đái tháo đường típ 1 có triệu chứng rầm rộ nên thường được chẩn đoán sớm, do đó chỉ sàng lọc bệnh võng mạc sau khi phát hiện mắc ĐTĐ 5 năm.
  • Những phụ nữ bị đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2, cần khám chuyên khoa Mắt, sàng lọc bệnh võng mạc ĐTĐ trước khi mang thai hoặc trong ba tháng đầu thai kỳ. Sau đó, được thăm khám mỗi 3 tháng trong khi mang thai và cho đến sau khi sinh 1 năm, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của võng mạc. 
Thời điểm tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường
Tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường theo khuyến cáo để phát hiện sớm bệnh

4. Khi nào bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra lại tình trạng mắt? 

Khuyến cáo của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2024 nêu rõ:

  • Sau lần khám đầu tiên, nếu chưa có bệnh võng mạc ĐTĐ thì các bệnh nhân cần tái khám sau 1 – 2 năm.
  • Nếu đã có bệnh võng mạc ĐTĐ (ở bất kỳ mức độ nào) thì các bệnh nhân cần tái khám ít nhất mỗi năm một lần.
  • Nếu có bệnh võng mạc đang tiến triển hoặc có tình trạng đe dọa thị lực thì người bệnh thì cần được thăm khám thường xuyên hơn. Người bệnh cần đi khám mắt ngay khi thấy có một trong các dấu hiệu như nhìn mờ nhiều, mất thị lực đột ngột, đau nhức mắt một hoặc hai bên…

Do các Bác sỹ thường rất bận nên bệnh nhân ĐTĐ cần nắm được lịch khám để chủ động đi khám:

TS.BS Nguyễn Quang Bảy
TS.BS Nguyễn Quang Bảy
Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
Trưởng phân môn Nội tiết, Trường Đại học Y Hà Nội

Xem thêm:

VTM1308518 (v1.0)