TẦM SOÁT BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: CHUẨN BỊ CHO MỘT CUỘC THĂM KHÁM HIỆU QUẢ (Phần 2)
- Ngày cập nhật: 13/3/2024
Mục lục
1. Quy trình tầm soát bệnh võng mạc ĐTĐ thế nào là đúng ?
Tầm soát bệnh võng mạc ĐTĐ do Bác sỹ chuyên khoa mắt thực hiện
Người bệnh ĐTĐ cần được thăm khám chức năng, bao gồm: Đo huyết áp, thử thị lực, và đo nhãn áp. Lưu ý bệnh võng mạc ĐTĐ là nguyên nhân gây tăng nhãn áp (bệnh Glocom)
Tiếp đó, người bệnh sẽ được khám đáy mắt bằng 1 trong các phương pháp:
- Soi đáy mắt trực tiếp, soi đáy mắt gián tiếp, soi đáy mắt dưới kính sinh hiển vi để phát hiện các vi phình mạch hay xuất tiết, xuất huyết ở đáy mắt. Việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào trang thiết bị của từng cơ sở y tế.
- Để soi được đáy mắt rõ ràng, người bệnh sẽ được tra thuốc giãn đồng tử. Bệnh nhân sẽ thấy bị mờ mắt vài giờ sau khi soi đáy mắt.
Sau đó, có thể thực hiện một số thăm khám cận lâm sàng như:
- Chụp mạch không huỳnh quang: Là phương pháp dùng máy chụp ảnh đáy mắt để đánh giá hình ảnh tổn thương đáy mắt, giúp đánh giá chi tiết độ nặng của bệnh, dấu hiệu tương tự như soi đáy mắt.
- Chụp mạch huỳnh quang: Là phương pháp xâm lấn giúp chẩn đoán chính xác nhất bệnh VMĐTĐ.
- Chụp cắt lớp võng mạc (OCT): Là phương pháp không xâm lấn cung cấp hình ảnh cắt lớp võng mạc. Hiện nay, đây là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện, đánh giá định lượng phù hoàng điểm do đái tháo đường.
Sau khi có kết quả khám mắt, những trường hợp có bệnh võng mạc ĐTĐ sẽ cần được hội chẩn bởi Bác sĩ mắt và Bác sĩ Nội tiết để có kế hoạch điều trị và dự phòng tối ưu cho bệnh nhân.
2. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi đi khám mắt?
- Đặt lịch hẹn trước với Bác sĩ hoặc Phòng khám mắt để tránh phải chờ đợi lâu
- Mang theo kết quả khám, xét nghiệm và đơn thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh mắt và các bệnh kèm theo. Những tài liệu này sẽ giúp bác sĩ mắt có thể đánh giá, theo dõi tiến triển của bệnh, từ đó, đưa ra phương pháp điều trị và hẹn lịch tái khám phù hợp.
- Không nên tự lái xe đi khám, nên có người nhà đi cùng hỗ trợ vì người bệnh có thể bị nhìn mờ khoảng 6 tiếng sau khi thăm khám mắt.
- Nếu có đeo kính áp tròng thì có thể mang theo dung dịch dành cho kính áp tròng.
- Người bệnh không nhất thiết phải nhịn ăn.
3. Những câu hỏi có thể hỏi bác sĩ nhãn khoa?
Một số câu hỏi gợi ý dưới đây sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn tình trạng của mình:
- Hiện tại thị lực của tôi thế nào?
- Tôi đã có biến chứng mắt chưa? Nếu có, thì đó là biến chứng gì? Tôi cần điều trị như thế nào? Phương pháp điều trị hiệu quả nhất? Chi phí điều trị? Nên điều trị ở đâu là tốt nhất
- Tôi cần làm gì để biến chứng mắt không nặng lên?
- Làm thế nào để tôi có thể hạn chế biến chứng mắt?
- Tôi cần khám lại khi nào?
4. Tại sao cần tuân thủ khám mắt định kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ?
Các bệnh nhân ĐTĐ cần đi khám mắt định kỳ, đúng hẹn, kể cả khi họ thấy mắt của mình hoàn toàn bình thường. Lý do là:
- Bệnh võng mạc ĐTĐ thường diễn tiến âm thầm với các tổn thương không hồi phục. Có thể thị lực của người bệnh còn tốt và chưa có biểu hiện cơ năng tại mắt nhưng đã có bệnh võng mạc ĐTĐ nặng rồi.
- Phương pháp và hiệu quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh võng mạc ĐTĐ. Càng phát hiện sớm thì điều trị càng đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả cao, chỉ có dưới 5% BN bị mất thị lực.
5. Làm cách nào để phòng ngừa được bệnh võng mạc ĐTĐ:
- Quan trọng và hiệu quả nhất là kiểm soát tốt đường huyết ngay từ khi mới được chẩn đoán ĐTĐ
- Kiểm soát huyết áp và điều trị rối loạn lipid máu
- Bỏ thuốc lá
- Điều trị các bệnh đi kèm như suy thận, thiếu máu
- Đi khám bệnh và khám mắt định kỳ
- Một số nghiên cứu mới đây cho thấy có thuốc điều trị rối loạn Lipid máu nhóm Fibrate có thể giúp giảm tiến triển của bệnh võng mạc ĐTĐ, hạn chế nguy cơ phải điều trị bằng các phương pháp xâm lấn hơn.
Xem thêm: