Tăng non-HDL-Cholesterol: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

bác sĩ Trương Thanh Hương
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Trương Thanh Hương
Phó Chủ tịch Phân Hội Xơ vữa Động mạch Việt Nam. Trưởng Bộ môn Nội, Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa. Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Phenikaa
  • Ngày cập nhật: 30/6/2024

Như đã chia sẻ trong bài trước, tăng non-HDL-C máu làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch. Bài này sẽ chia sẻ thêm về nguyên nhân gây tăng non-HDL-C máu cũng như những điều khuyên làm và giải pháp điều trị thích hợp giúp khắc phục tình trạng rối loạn lipid máu này.

1. Nguyên nhân làm tăng non-HDL-C trong máu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng non-HDL-C máu, trong đó các nguyên nhân phổ biến là:  

  • Chế độ ăn dư thừa cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và tinh bột.
  • Lối sống ít vận động, căng thẳng, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia.
  • Thừa cân, béo phì, đặc biệt là béo bụng.
  • Hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, bệnh thận mạn.
  • Các yếu tố di truyền liên quan đến gen điều hòa sinh tổng hợp lipid và lipoprotein máu.

2. Lời khuyên khi có chỉ số non HDL-C trong máu tăng cao

Thay đổi lối sống

Khi có chỉ số non-HDL-C trong máu tăng cao bạn nên áp dụng chế độ ăn lành mạnh ưu tiên thực phẩm ít chất béo như chế độ ăn DASH, giảm sử dụng muối và chất béo bão hòa, ăn thêm trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và protein nguồn gốc thực vật. Đồng thời, tăng cường hoạt động thể chất, khuyến khích tập thể dục đều dặn 3-4 lần một tuần, trong đó mỗi buổi tập có thể ở cường độ trung bình đến mạnh kéo dài khoảng 40 phút.

thay đổi lối sống

Kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch đồng mắc

Khi có chỉ số non HDL-C trong máu tăng cao, bạn cần kiểm soát tốt đường huyết (HbA1c <7%), huyết áp (<140/90 mmHg), thừa cân/béo phì (vòng eo <94 cm với nam và <80 cm với nữ.), bỏ thuốc lá, tránh tiếp xúc khói thuốc lá thụ động.

Tuân thủ khi điều trị thuốc hạ lipid máu

Do tăng non-HDL-C làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa, nên việc giảm non-HDL-C đạt mục tiêu khuyến cáo là rất quan trọng. Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Châu Âu, những nguời có nguy cơ tim mạch trung bình cần đạt mức non-HDL-C <3,4 mmol/L, trong khi những người có nguy cơ tim mạch cao cần đạt mức non-HDL-C <2,6 mmol/L, đặc biệt những người có nguy cơ tim mạch rất cao cần đạt mức non-HDL-C <2,2 mmol/L. Khi bạn bị tăng non-HDL-C máu, việc thăm khám là cần thiết để nhận được tư vấn và hướng dẫn điều trị của bác sĩ, thông qua các biện pháp thay đổi lối sống và các thuốc hạ lipid máu phù hợp. Khi sử dụng thuốc hạ lipid máu, việc tuân thủ điều trị và theo dõi định kỳ là rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả giảm non-HDL-C máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa.

Theo dõi định kỳ

Cần thực hiện xét nghiệm lipid máu (bao gồm non-HDL-C) định kỳ, thường xét nghiệm 3-12 tháng/lần để đánh giá kết quả điều trị, qua đó bác sĩ có các tư vấn lối sống và điều chỉnh thuốc, liều thuốc phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi các chỉ số khác như glucose máu, HbA1c, acid uric nhằm đánh giá các yếu tố nguy cơ tim mạch đồng mắc, cũng như phát hiện và đánh giá an toàn của thuốc hạ lipid máu như chức năng gan thận, tùy trường hợp cụ thể.

3. Thuốc hạ lipid máu nào sử dụng khi có tăng non-HDL-C máu?

Hiện đã có nhiều thuốc hạ lipid máu như statin, fibrate, icosapent ethyl có hiệu quả giảm nồng độ non-HDL-C trong máu. Tùy theo mức non-HDL-C tăng trước điều trị, cũng như khả năng đáp ứng thuốc hạ lipid máu trong quá trình theo dõi, bác sĩ có thể cân nhắc duy trì hoặc tăng liều thuốc hoặc phối hợp thuốc, đồng thời vẫn luôn phải kết hợp với việc thay đổi lối sống.

Trong đó, thuốc nhóm statin (phổ biến là atorvastatin, rosuvastatin) là nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng trong tăng LDL-C máu, đồng thời cũng có hiệu quả tốt để giảm non-HDL-C. Tuy nhiên, cũng cần cần thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, có bệnh gan thận, nhất là khi dùng liều cao.

Thuốc hạ lipid máu nào sử dụng khi có tăng non-HDL-C máu

Nhóm thuốc fibrate (như fenofibrate) có hiệu quả giảm triglyceride và cũng làm giảm non-HDL-C, nhất là khi phối hợp với statin thì hiệu quả hạ non-HDL-C sẽ được tăng cường đáng kể so với chỉ dùng statin đơn thuần. Cơ chế chính giúp fenofibrate giảm non-HDL-C là nhờ giảm cholesterol toàn phần, giảm triglycerid và tăng HDL-C trong máu. Phối hợp fenofibrate và statin qua các nghiên cứu lâm sàng cho thấy ít tác dụng phụ, khả năng dung nạp tốt. Trong một số nghiên cứu gần đây, sử dụng fenofibrate cùng statin có thể giúp giảm tử vong do tim mạch ở người mắc đái tháo đường có tăng triglyceride, tăng non-HDL-C mà HDL-C thấp.  

Ngoài ra, một số trường hợp có tăng non-HDL-C, tăng triglyceride máu, thuốc có thể cân nhắc bổ trợ thêm vào statin là fibrate, hoặc icosapent ethyl – một dẫn xuất tổng hợp của axit eicosapentaenoic axit béo omega-3.

Việc lựa chọn thuốc và liều dùng để kiểm soát non-HDL-C phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý của mỗi người. Bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên nguy cơ tim mạch, mức non-HDL-C cũng như các bệnh lý và thuốc đang sử dụng để đưa ra phương án điều trị phù hợp, nhằm đạt mức lipid máu mục tiêu dự phòng bệnh tim mạch do xơ vữa.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1.Grundy SM, et al. 2018 AHA/ACC/AACVPR/AAPA/ABC/ACPM/ADA/AGS/APhA/ASPC/NLA/PCNA Guideline on the Management of Blood Cholesterol: Executive Summary: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol. 2019 Jun 25;73(24):3168-3209.
2.Puri R, et al. Non-HDL Cholesterol and Triglycerides: Implications for Coronary Atheroma Progression and Clinical Events. Arterioscler Thromb Vasc Biol. 2016 Nov;36(11):2220-2228.
3.Visseren FLJ, et al. 2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. Eur Heart J. 2021 Sep 7;42(34):3227-3337. doi: 10.1093/eurheartj/ehab484. Erratum in: Eur Heart J. 2022 Nov 7;43(42):4468.
4.Mach F, et al. 2019 ESC/EAS Guidelines for the management of dyslipidaemias: lipid modification to reduce cardiovascular risk. Eur Heart J. 2020 Jan 1;41(1):111-188.
5.Virani SS. Non-HDL cholesterol as a metric of good quality of care: opportunities and challenges. Tex Heart Inst J. 2011;38(2):160-2.
6.Grundy SM, Vega GL, Yuan Z, Battisti WP, Brady WE, Palmisano J. Effectiveness and tolerability of simvastatin plus fenofibrate for combined hyperlipidemia (the SAFARI trial). Am J Cardiol. 2005 Feb 15;95(4):462-8.
7.ACCORD Study Group. Effects of combination lipid therapy in type 2 diabetes mellitus. N Engl J Med. 2010 Apr 29;362(17):1563-74.
8.Kim NH, et al. Use of fenofibrate on cardiovascular outcomes in statin users with metabolic syndrome: propensity matched cohort study. BMJ. 2019 Sep 27;366:l5125.

VTM1322099 (v1.1)