Táo bón chức năng cấp tính mới khởi phát ở trẻ em: dự phòng, chăm sóc và điều trị
- Ngày cập nhật: 15/12/2023
Mục lục
- Trước hết chúng ta cần hiểu táo bón là gì?
- Táo bón chức năng ở trẻ em là gì?
- Phân loại táo bón chức năng
- Những nguyên nhân làm trẻ hay bị táo bón
- Phòng bệnh và theo dõi trẻ
- Điều trị táo bón cấp tính mới khởi phát
- Điều trị táo bón mới khởi phát cấp tính không đáp ứng và tái phát
- Theo dõi trẻ sau điều trị như thế nào?
- Trường hợp điều trị táo bón chức năng cấp tính mới khởi phát
Táo bón rất hay gặp trong suốt thời kỳ thơ ấu và cả cuộc đời, bệnh thường sẽ hết khi trẻ lớn dần. Táo bón không phát hiện và điều trị sẽ dẫn tới những hậu quả gây khó chịu cho trẻ như nứt hậu môn, nín giữ phân, són phân đặc biệt là sẽ trở thành táo bón kéo dài hàng tháng, hàng năm.
Đề phòng táo bón cho trẻ không khó, cần tập trung vào chế độ ăn, hướng dẫn cho trẻ khi bắt đầu tự đi ngoài, và xây dựng thói quen đại tiện. Điều trị táo bón phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, thời gian táo bón, bao gồm các biện pháp như giáo dục trẻ, thay đổi chế độ ăn, thay đổi thói quen đại tiện, và sử dụng thuốc nhuận tràng đơn thuần, hoặc phối hợp các biện pháp trên.
1. Trước hết chúng ta cần hiểu táo bón là gì?
Khái niệm táo bón là quá trình bài xuất phân bất thường, trẻ đi ngoài dưới 3 lần trong 1 tuần, đi ngoài đau, phân to rắn, phải rặn nhiều gây đau đớn, căng thẳng cho trẻ và gia đình.
2. Táo bón chức năng ở trẻ em là gì?
Táo bón chức năng là táo bón không do các nguyên nhân thực thể như thần kinh, giải phẫu đại tràng, và hậu môn. Đến 90%- 95% táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng.
2.1 Đối với trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ dưới 4 tuổi
Phải có ít nhất 2 trong 6 tiêu chuẩn sau kéo dài ít nhất 1 tháng:
- Đi ngoài dưới 3 lần 1 tuần
- Phân cứng, kích thước to
- Đi ngoài đau
- Có hành vi nín giữ phân tránh đau khi đi ngoài như: chân duỗi thẳng căng cứng bắt chéo chân, nhíu ngón chân, nhón gót khi mót đi ngoài, trẻ nhỏ khóc đỏ mặt bấu chặt vào mẹ
- Đối với trẻ đã tự biết đi ngoài ít nhất có 1 lần nín giữ phân/trong 1 tuần
- Tiền sử đi ngoài 1 lần rất nhiều phân có thể làm tắc toilet.
2.2 Đối với trẻ lớn trên 4 tuổi – 18 tuổi
Phải có ít nhất 2 tiêu chuẩn sau trong 1 tháng:
- 2 hoặc ít hơn 2 lần đi ngoài trong 1 tuần
- ít nhất 1 lần nín giữ phân /1 tuần
- tiền sử đi ngoài phân cứng đau, có khối phân lớn trong trực tràng
- tiền sử đi ngoài phân to có thể gây tắc toilet.
Các triệu chứng trên không thể tìm được do các nguyên nhân khác.
3. Phân loại táo bón chức năng
Mặc dù chưa có đồng thuận phân loại táo bón theo thời gian, tuy nhiên có thể phân táo bón chức năng thành
3.1 Táo bón chức năng cấp tính mới khởi phát
Khi táo bón mới xảy ra và kéo dài dưới 8 tuần lễ (< 2 tháng ), những trẻ này thường chỉ cần can thiệp ngắn ngày như sử dụng thuốc nhuận tràng nhiều ngày, nhiều tuần hoặc can thiệp ngắn về thói quen đi ngoài.
Trẻ có thể bị nhiều đợt táo bón cấp tính tuỳ theo việc cải thiện chế độ ăn, và thói quen đi ngoài. Nếu không điều trị tích cực có một số trẻ sẽ có nguy cơ chuyển thành táo bón mạn tính.
3.2 Táo bón chức năng mạn tính
Khi táo bón kéo dài trên 3 tháng hoặc hơn, với nhiều giai đoạn có triệu chứng khác nhau. Trẻ cần được sử dụng kéo dài các thuốc nhuận tràng phối hợp với các can thiệp hỗ trợ, như xây dựng tập quán đi ngoài, can thiệp chế độ ăn và các biện pháp khác.
4. Những nguyên nhân làm trẻ hay bị táo bón
Nín giữ phân: trẻ không chịu đi ngoài ngay khi mót.
Ăn không đủ chất xơ
- Đối với trẻ 2-5 tuổi cần cho 7-15 gram chất xơ 1 ngày.
- Đối với trẻ lớn cần ăn đủ 15-20 gram chất xơ 1 ngày.
Cho quá nhiều chất xơ cũng không cần thiết ở trẻ táo bón, vì khi đang còn nín giữ phân nhiều chất xơ có thể gây tắc phân. Chỉ sau nhiều tháng điều trị, khi trẻ đi ngoài dễ dàng bằng thuốc nhuận tràng, trương lực đại tràng và trực tràng hồi phục, lúc đó mới nên khuyến khích trẻ ăn thêm chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày.
Ăn quá nhiều sữa bò
Nếu trẻ ăn quá nhiều sữa bò, trên 960ml/ngày, có thể làm cho nhu động ruột chậm lại và trẻ chán ăn. Do vậy cần giảm sữa bò, thêm vào các dịch hoa quả, rau, nước làm mềm phân. Sữa ăn vào hàng ngày không quá 720ml. Cung cấp đủ canxi nếu ăn thay bằng sữa đậu nành cho trẻ dưới 5 tuổi.
5. Phòng bệnh và theo dõi trẻ
Cần hỏi kỹ chế độ ăn, và tập quán đi ngoài của trẻ để đề ra kế hoạch phòng bệnh cụ thể và theo dõi riêng biệt đối với từng trẻ.
Những thời kỳ cần tập trung là những giai đoạn trẻ thường hay gặp táo bón nhất: đó là lúc trẻ bắt dầu ăn dặm, hoặc ăn sữa bò; trẻ bắt đầu tập tự đi ngoài, lúc bắt đầu tới trường.
5.1 Trẻ chuyển sang chế độ ăn rắn
Khi trẻ bắt đầu chuyển sang chế độ ăn rắn cần cảnh giác với các triệu chứng táo bón. Táo bón có thể xảy ra vì trẻ không được cung cấp đủ chất xơ và nước. Để phòng táo bón và điều trị những táo bón mới, nhẹ cần cung cấp đủ nước và chất xơ cho trẻ.
Chất xơ: đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhu cầu chất xơ khoảng 5 gram/ngày, nhu cầu này có thể đảm bảo bằng bổ sung rau (các loại rau mềm), chất xơ trong các hạt (gạo, đỗ và hoa quả như chuối, mận, đào..)
Nước: không cần thiết phải cho trẻ thêm nước ngoài nhu cầu hằng ngày trừ phi trẻ bị mất nước. Nhu cầu nước tối thiểu đối với trẻ phụ thuộc vào cân nặng:
- Trẻ 5kg cần 500 ml/ngày
- Trẻ 10kg cần 1000 ml/ngày
- Trẻ 15kg cần 1250 ml/ngày
- Trẻ 20kg cần 1500 ml/ngày
5.2 Trẻ chuyển từ chế độ bú mẹ sang chế độ ăn sữa bò
Đối với 1 số trẻ khi chuyển từ chế độ bú mẹ, bú sữa công thức sang chế độ ăn sữa bò thường hay bị táo bón. Nếu phát hiện trẻ táo bón khi chuyển sang ăn sữa bò có thể thử cho trẻ ăn sữa đậu nành, nếu tiến triển tốt tiếp tục cho trẻ ăn 6-12 tháng sau đó cho trẻ ăn lại sữa bò. Ở trẻ lớn 6-12 tuổi, sữa bò cũng có thể gây táo bón, nhất là ở trẻ có dị ứng với sữa bò và bị dò xung quanh hậu môn.
5.3 Khi trẻ bắt đầu tự đi ngoài
Vào tuổi trẻ bắt đầu tự đi ngoài, cha mẹ cần chú ý tới các biểu hiện sớm của táo bón.
Dự phòng táo bón ở lứa tuổi này là giúp trẻ có tư thế đi ngoài phù hợp, như làm thêm bục cạnh toilet để trẻ đặt chân khi ngồi toilet (để trẻ ngồi vững, thân hơi ngả ra phía trước, tư thế này giúp đáy chậu giãn và mở cơ thắt hậu môn).
Ngoài ra cũng cần đảm bảo nhu cầu chất xơ, uống đủ nước và tránh ăn quá nhiều sữa bò trong chế độ ăn.
5.4 Trẻ lứa tuổi bắt đầu đi học
Là lúc hay bị táo bón do thay đổi thời gian đi ngoài hằng ngày ở nhà. Trẻ sợ bẩn nên từ chối dùng toilet ở trường, sợ ngại xin cô giáo nên nhịn đi ngoài và bắt đầu nín giữ phân.
Để tránh vấn đề này, bố mẹ cần thường xuyên quan tâm tới vấn đề đại tiện của trẻ ở nhà ở trường, khuyến khích và để đủ thời gian cho trẻ đi ngoài sau bữa ăn. Ngoài ra cần cung cấp đủ chất xơ hằng ngày cho trẻ theo khuyến cáo.
6. Điều trị táo bón cấp tính mới khởi phát
Khi Táo bón mới khởi phát, cấp tính cần điều trị sớm và triệt để
6.1 Đối với trẻ nhỏ chưa ăn thức ăn đặc
Táo bón có thể điều trị bằng cách thêm vào sữa các loại carbohydrate không tiêu hoá, làm tăng áp lực thẩm thấu ruột giữ nước làm mềm phân như các nước ép táo, lê, mận, có chứa nhiều sorbitol hoà vào sữa:
- Trẻ < 4 tháng cho nước ép quả pha nước (30 ml nước ép nguyên chất với 30 ml nước)
- Trẻ > 4 tháng cho 60 – 120 ml nước ép quả nguyên chất/1 ngày, xen kẽ với Lactulose (khoảng 1ml/kg/ngày) cho thêm vào sữa. Cần chú ý không cho quá nhiều nước ép hoa quả và kéo dài sau khi trẻ đã khỏi táo bón để tránh tăng cân.
6.2 Đối với trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc
Có thể sử dụng nước ép hoa quả nguyên chất có chứa sorbitol, nước cam, mận, chuối, các loại hạt củ để tăng lượng chất xơ trong chế độ dinh dưỡng.
6.3 Viên đạn Glycerin
Tuy nhiên không nên dùng thường xuyên vì Glycerin có thể gây kích thích hậu môn, niêm mạc trực tràng.
6.4 Trẻ nhỏ táo bón kéo dài
Điều trị ít kết quả luôn cần đánh giá theo dõi để tìm các nguyên nhân thực thể.
7. Điều trị táo bón mới khởi phát cấp tính không đáp ứng và tái phát
Đối với trẻ nhỏ và trẻ lớn không đáp ứng với điều trị như trên hoặc tái phát lại sau đợt điều trị đầu tiên. Điều quan trọng là cần đánh giá lại và duy trì chế độ dinh dưỡng thích hợp, và tìm ra yếu tố gây tái phát, bao gồm:
- Tái phát đau khi đi ngoài (do nứt hậu môn hoặc phân to cứng)
- Sợ dùng toilet tại trường học
- Điều trị thuốc không đúng và ngừng thuốc nhuận tràng quá sớm
- Không đủ thời gian đi ngoài sau bữa ăn tại trường
Trẻ cần tiếp tục một hoặc nhiều can thiệp sau khi đã phân tích và nhận diện các yếu tố gây táo bón tái phát.
7.1 Tăng số lượng chất xơ tối đa
Trẻ bị táo bón tái phát trước hết cần đảm bảo nhu cầu chất xơ như ở trẻ bình thường (tuổi cộng thêm 5-10 gram/ngày), nếu chưa đủ cần bổ sung chất xơ, như rau, các loại hạt, hoa quả.
Nếu trẻ vẫn còn nín giữ phân hoặc có tiền sử ứ tắc phân không nên tăng lượng chất xơ ngoài nhu cầu.
Lượng nước, nước rau quả tiêu thụ hàng ngày khoảng 960ml -1920ml, không kể sữa.
7.2 Thuốc nhuận tràng
Trẻ bị táo bón tái phát cần dùng một hoặc 2 liệu pháp nhuận tràng.
Liệu pháp đầu cần để tống hết phân rắn ứ đọng ra ngoài và kích thích nhu động bình thường của đại tràng. Liệu pháp thứ 2 để làm mềm phân giúp trẻ đi ngoài dễ dàng.
Cần duy trì thuốc nhuận tràng nếu phân còn rắn, kích thước lớn hoặc tiếp tục gây đau khi đi ngoài. Ngừng thuốc nhuận tràng sớm có thể làm ứ đọng phân trở lại làm táo bón tái phát, tăng nguy cơ trở thành táo bón mạn tính.
7.3 Tháo phân ứ trệ
Nếu trẻ không thể đi ngoài được sau nhiều ngày thường có ứ trệ nhiều phân rắn trong đại tràng, cần điều trị bằng thuốc nhuận tràng liều cao uống trong 1 tuần, hoặc dùng thuốc thụt đại tràng của trẻ em và tiếp sau là uống thuốc nhuận tràng, không nên thụt nhiều lần.
8. Theo dõi trẻ sau điều trị như thế nào?
Để tránh vòng luẩn quẩn táo bón quay trở lại và táo bón tái phát, việc theo dõi đi ngoài của trẻ hằng ngày rất quan trọng. Nếu là táo bón lần đầu, cần động viên trẻ cho bố mẹ biết các triệu chứng táo bón có hết nhanh không hay lại quay trở lại.
Đối với trẻ bị táo bón tái phát cần trở lại khám định kỳ để xác định táo bón đã thực sự hết chưa? Mặc dù không nhất thiết mỗi ngày trẻ phải đi ngoài 1 lần, nhưng đối với trẻ bị táo bón, can thiệp sớm làm phân mềm và tăng số lần đi ngoài rất cần thiết. Khi phân cứng và đi ngoài đau, không can thiệp sớm giúp phòng ứ trệ phân, có thể dẫn tới nguy cơ táo bón mạn tính và són phân.
9. Trường hợp điều trị táo bón chức năng cấp tính mới khởi phát
Cháu T.U. nữ, 7 tuổi, 2 tuần nay chỉ đi ngoài 2 lần trong 1 tuần, mỗi lần đi ngoài phải rặn ngồi lâu mới đi được, phân rắn to đoạn đầu, nhiều phân. Cháu thấy đau hậu môn khi đi ngoài, sau khi đi ngoài chùi thấy giấy chùi không có máu.
Đây là lần đầu tiên sau khi đi học cháu bị táo bón, ở trường khi mót đi ngoài cháu nhịn vì sợ phải xin cô giáo ra ngoài và vì toilet ở trường không sạch và giống như ở nhà. Sáng, trưa và chiều trước khi đi ngủ cháu thường uống 1 lít sữa bò tươi, uống vài cốc nước nhỏ cả ngày, và ngại ăn rau vì phải nhai nên ăn rất ít.
Khám thấy trẻ phát triển thể chất bình thường, bụng mềm không có cục phân, gan, lách bình thường, hậu môn đỏ nhưng chưa có vết nứt hậu môn.
Trẻ được chẩn đoán táo bón chức năng cấp tính mới khởi phát vì đi ngoài 2 lần trong 1 tuần, phân to rắn, đi ngoài khó phải rặn gắng sức. Tuy nhiên vì trẻ mới bị táo bón lần đầu tiên, nên chẩn đoán đặt ra là táo bón chức năng khởi phát sớm. Nếu tình trạng trên kéo dài trên 4 tuần lễ, trẻ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn chẩn đoán táo bón chức năng.
Trẻ bắt đầu có biểu hiện nín giữ phân như nhịn đi ngoài nhưng chưa ứ trệ phân rõ ràng. Trẻ sợ đi ngoài ở trường, nhịn đi ngoài vì mới đi học, uống sữa bò nhiều, uống ít nước, ít ăn rau, hoa quả ở nhà và ở trường.
Vì mới bị táo bón lần đầu nhưng đi ngoài đau, phân to và rắn nên phải xử dụng thuốc nhuận tràng làm mềm phân. Cho trẻ uống lactulose liều thông thường trong 7-10 ngày tới khi trẻ đi ngoài phân mềm bình thường, đi ngoài không đau nữa. Đồng thời cải thiện chế độ ăn tăng rau hoa quả cho đủ nhu cầu 12-15 gram 1 ngày, giảm bớt sữa, uống nước cho đủ 1500 ml/ngày.
Sau 10 ngày trẻ đi ngoài phân mềm bình thường, không đau bụng và hậu môn khi đi ngoài. Đi ngoài ngày 1 lần vào buổi tối sau khi ăn tại nhà. Chế độ ăn và nước uống, số lần đi ngoài được bố mẹ kiểm tra, trẻ không bị táo bón trở lại nữa.
Xem thêm: