Táo bón chức năng ở trẻ em: Những điều ba mẹ cần biết
- Ngày cập nhật: 25/09/2023
Mục lục
- Như thế nào là táo bón?
- Táo bón có thường gặp ở trẻ em không?
- Nguyên nhân nào gây ra táo bón ở trẻ em?
- Độ tuổi nào của trẻ thường xuất hiện táo bón chức năng?
- Làm sao biết con mình bị táo bón?
- Táo bón có nguy hiểm không?
- Cần làm những xét nghiệm gì khi trẻ bị táo bón?
- Điều trị táo bón chức năng ở trẻ em như thế nào?
- Phòng ngừa táo bón chức năng như thế nào?
1. Như thế nào là táo bón?
Táo bón là hiện tượng đi cầu khó khăn (rặn lâu, rặn đau, phân cứng, gây sợ hãi cho trẻ) và đi thưa thớt (đi cầu không quá 2 lần trong 1 tuần). Đôi khi trẻ biểu hiện bằng són phân, tức phân lỏng tự són ra quần mà trẻ không hay biết.
2. Táo bón có thường gặp ở trẻ em không?
Ước tính trên toàn cầu, tỷ lệ trẻ mắc táo bón dao động từ 12% đến 14%, tức là cứ 100 trẻ thì có 12-14 em đang mắc táo bón, trong đó 17-40% xuất hiện ngay trong năm đầu đời.
3. Nguyên nhân nào gây ra táo bón ở trẻ em?
Khác với người lớn, khoảng 95% táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng, nghĩa là do việc ăn uống, thói quen đi cầu chưa hợp lý, hoặc do tâm lý sợ đi cầu rồi bé nín nhịn. Chỉ khoảng 5% là táo bón thực thể, tức là táo bón do bệnh lý nào đó gây ra như bệnh phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp, ngộ độc kim loại nặng, bất thường cột sống, … Bài này chủ yếu chỉ nói về táo bón chức năng ở trẻ em.
4. Độ tuổi nào của trẻ thường xuất hiện táo bón chức năng?
Có 3 thời điểm dễ xảy ra táo bón chức năng: thời điểm tập cho bé ăn dặm, thời điểm tập cho bé ngồi tự đi cầu một mình và thời điểm bé đến trường.
5. Làm sao biết con mình bị táo bón?
Thường triệu chứng rất dễ nhận biết và phụ huynh tự phát hiện rồi đưa con đi khám bệnh. Ví dụ:
- Phân cứng và to
- Phân từng cục tròn như “phân dê”
- Rặn lâu, khó khăn
- Đi cầu ra được nhưng rất đau, thậm chí đôi lúc có chảy máu tươi sau khi đi ra được khối phân cứng
- Đi cầu không thường xuyên (mỗi tuần chỉ 2 lần, hoặc 1 lần, hoặc không đi lần nào)
Đôi lúc phát hiện trẻ bị táo bón thông qua các dấu hiệu khó nhận biết hơn như:
- Són phân (phân lỏng tự rỉ ra quần tại những nơi không phù hợp như lớp học, khu vui chơi, trong gia đình, …) mà trẻ không hay biết. Thường phụ huynh hay nhầm trẻ bị tiêu chảy khi thấy dấu hiệu này.
Dấu hiệu trẻ nín nhịn: trẻ sẽ đứng bắt chéo 2 chân, vẻ mặt căng thẳng, người hơi gồng. Với bé nhỏ thì bé ôm chặt người thân và bấu chặt tay. Một số trẻ đang chơi lại chạy đi mất dạng, khi phát hiện ra thì đang ở trong một góc vắng. Trẻ có dấu hiệu này là do trẻ đã từng đi cầu đau đớn trong thời gian dài nên cố gắng nín nhịn để khỏi đi cầu.
6. Táo bón có nguy hiểm không?
Táo bón sẽ làm trẻ rặn khó khăn, đi cầu đau, có khi đi được thì chảy máu làm trẻ sợ hãi. Thế là những lần sau trẻ nín không dám đi. Khi nín như vậy khối phân sẽ dồn lại, ngày càng to hơn và cứng hơn, rặn lại lâu hơn và đi cầu càng đau hơn. Cái vòng lẩn quẩn đó cứ lập đi lập lại với mức độ nặng dần.
Ngoài ra táo bón hay làm trẻ đau bụng, ít ăn, dễ đưa đến suy dinh dưỡng và thiếu chất.
7. Cần làm những xét nghiệm gì khi trẻ bị táo bón?
Vì khoảng 95% táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng, hậu quả từ việc ăn uống, lối sống không phù hợp nên hầu hết các trẻ bị táo bón chưa cần làm xét nghiệm gì ở những lần khám đầu tiên. Chỉ những trẻ mà Bác sĩ nghi ngờ táo bón thực thể, hoặc các bé ban đầu được chẩn đoán táo bón chức năng nhưng điều trị kém đáp ứng thì mới được cân nhắc làm một số xét nghiệm cần thiết.
8. Điều trị táo bón chức năng ở trẻ em như thế nào?
8.1. Thay đổi cách ăn uống và lối sống:
- Uống đủ nước: các Bác sĩ sẽ tuỳ theo cân nặng của trẻ mà cho phụ huynh biết mỗi ngày trẻ cần uống bao nhiêu chất lỏng như nước, nước trái cây, nước canh, sữa, … Ví dụ một bé 10g thì nhu cầu chất lỏng mỗi ngày là 1000ml, trẻ 20kg là 1500ml; còn trẻ 30kg là 1750ml, v.v…
- Ăn nhiều chất xơ: thường thì phụ huynh nghĩ chất xơ chỉ có trong rau, nhưng thực ra chất xơ có rất nhiều trong đa dạng các loại thực phẩm khác như các loại đậu, trái cây, các loại thức ăn nguyên cám, …
Mỗi độ tuổi có nhu cầu chất xơ khác nhau. Có thể tính đơn giản bằng cách dùng nắm tay của trẻ. Mỗi ngày trẻ ăn trái cây hay rau bằng 5 nắn tay là đủ nhu cầu một ngày. Hoặc dùng công thức số gram chất xơ = số tuổi + 5 (ví dụ trẻ 9 tuổi thì mỗi ngày cần 14g chất xơ).
- Vận động: cho trẻ vận động thể chất phù hợp với độ tuổi, tránh không nằm hay ngồi nhiều trong nhà.
- Kiểm soát cân nặng: các trẻ dư cân, béo phì cũng là yếu tố dễ đưa đến táo bón. Việc kiểm soát cân nặng tốt cũng giúp điều trị táo bón dễ thành công.
- Tập thói quen ngồi cầu mỗi ngày: thường chọn thời điểm nào đó sau khi ăn và thuận tiện cho trẻ và người chăm sóc. Cho trẻ lên cầu (hoặc bô) ngồi và khuyến khích trẻ đi cầu nếu đang mắc. Ngồi 15 phút mà không đi thì rửa sạch sẽ rồi xuống. Không hối thúc hay la rầy trẻ. Có thể đề ra các mức thưởng để trẻ chịu khó ngồi. Tạo tâm lý thoải mái và thấu hiểu trẻ.
8.2. Dùng thuốc nhuận trường thẩm thấu đường uống
Đây là biện pháp hiệu quả và an toàn được các Hội chuyên ngành khuyến cáo sử dụng. Trên thực tế lâm sàng, thuốc nhuận trường thẩm thấu ngoài dạng bột còn có dạng si rô cũng thường được các bác sĩ, dược sĩ sử dụng cho đối tượng trẻ em vì tính hiệu quả, dung nạp tốt, dễ uống và dễ tìm.
8.3. Thời gian sử dụng thuốc nhuận trường:
Thường quý phụ huynh hay nghĩ điều trị táo bón là uống đến khi đi phân mềm rồi thì ngưng, vì nghĩ đã hết bệnh. Nhưng với táo bón, điều đó là không đúng.
Theo các nghiên cứu, thời gian trung bình để điều trị các trường hợp táo bón chức năng mạn tính (tức táo bón kéo dài từ 4 tuần trở lên) đòi hỏi phải dùng thuốc nhuận trường thẩm thấu để trẻ đi cầu dễ dàng ít nhất 3 lần mỗi tuần và không són phân, sau đó duy trì liều dùng đó từ 4-6 tháng rồi mới cân nhắc giảm liều chậm. Do đó, để đảm bảo việc điều trị được thành công, thời gian điều trị táo bón cần được tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ. Nếu ngưng thuốc quá sớm, trẻ sẽ bón trở lại.
9. Phòng ngừa táo bón chức năng như thế nào?
Với các bé may mắn chưa mắc táo bón thì có thể phòng ngừa bằng những biện pháp sau:
- Uống đủ nhu cầu nước mỗi ngày
- Ăn chất xơ thông qua các thức ăn giàu chất xơ
- Vận động thể chất phù hợp với độ tuổi
- Tập thói quen đi cầu mỗi ngày vào khung giờ nhất định thuận tiện cho trẻ
- Đi cầu ngay khi mắc cầu chứ không nín nhịn
- Giảm cân nếu có thừa cân, béo phì
- Phụ huynh tập cho bé ăn dặm đúng cách. Đến tuổi tập ngồi tự đi cầu một mình thì phải hỏi chuyên gia cách chuẩn bị thế nào, nhận biết bé đã sẵn sàng hay chưa và cách thực hiện ra sao. Với các bé mới đi học, thường xuyên hỏi han tình hình trong lớp thế nào, cố gắng tìm ra các dấu hiệu bé ngại đi cầu trong lớp hay các dấu hiệu nín nhịn.
Xem thêm:
- Quan niệm sai lầm về táo bón và điều trị táo bón ở trẻ em ba mẹ thường mắc phải
- Táo bón chức năng cấp tính mới khởi phát ở trẻ em: dự phòng, chăm sóc và điều trị
- Đái tháo đường và rối loạn lipid máu liên quan với nhau như thế nào?
Tài liệu tham khảo
1.Tabbers MM, DiLorenzo C, Berger MY, et al. Evaluation and treatment of functional constipation in infants and children: evidence-based recommendations from ESPGHAN and NASPGHAN. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2014;58(2):258-274. doi:10.1097/MPG.0000000000000266