THÔNG TIN HỮU ÍCH VỀ TIÊM PHÒNG CÚM CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ NGƯỜI CHĂM SÓC (Phần 2)

PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền
Trưởng khoa Nội tiết – Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương. Giảng viên Đại học Y Hà Nội.
  • Ngày cập nhật: 24/10/2024

Trong phần đầu tôi đã giải thích tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm ở người có đái tháo đường, cũng như giải đáp một số thắc mắc dành cho người bệnh. Có một câu hỏi đặt ra là: “Người nhà, người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường có cần tiêm phòng cúm không?”. Chúng tôi muốn mọi người biết rằng việc này là rất cần thiết. Vì không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân người chăm sóc mà còn giúp tạo ra một “lá chắn” bảo vệ cho cả người bệnh nữa. Chú ý đến sức khỏe của bản thân cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người thân yêu của mình đang bị đái tháo đường.

PGS. Vũ Thị Thanh Huyền
PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền

Các bạn thân mến, ngoài việc tiêm phòng, tôi cũng muốn nhắc nhở các bạn về một số biện pháp phòng ngừa cúm khác. Đơn giản như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, và duy trì lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, để tăng cường hệ miễn dịch khi có đái tháo đường, tôi luôn khuyên các bạn hãy duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc. Đừng quên tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng nữa. Những điều tuy rất đơn giản này sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

Các biện pháp phòng ngừa bổ sung

Nhiều bạn đã hỏi tôi: “Bác sĩ ơi, nếu tôi đã tiêm phòng nhưng vẫn bị cúm thì phải làm sao?” 

Mắc cúm khi đã tiêm phòng từ trước sẽ giúp các triệu chứng nhẹ đi rất nhiều, nguy cơ biến chúng hay nhập viện cũng giảm hơn nhiều so với chưa tiêm phòng, vì vậy bạn đừng lo lắng quá. Hãy theo dõi triệu chứng và liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và kiểm soát phù hợp.

Bên cạnh đó, khi bị cúm, việc kiểm soát đường huyết rất quan trọng. Tôi khuyên các bạn nên theo dõi mức đường huyết thường xuyên hơn và điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như uống thuốc theo hướng dẫn. 

Khi mắc cúm, các bạn cần lưu ý đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê dưới đây:

  • Ngất xỉu hoặc bất tỉnh
  • Đau ngực dữ dội
  • Khó thở
  • Sốt dai dẳng, ngày càng nặng hơn từ 38 độ C trở lên
  • Ho nặng hơn sau năm đến bảy ngày
  • Mức đường huyết không kiểm soát được
Xử lý khi mắc cúm

Các bạn thân mến, sau bài viết, tôi muốn nhấn mạnh một vài điểm quan trọng cần nhớ về tiêm phòng cúm cho người đái tháo đường như sau:

1. Vắc-xin cúm có độ an toàn cao và hiệu quả đã được chứng minh với người bệnh đái tháo đường.

2. Tiêm phòng có thể giúp giảm nguy cơ mắc cúm và làm giảm mức độ nghiêm trọng nếu không may bị cúm. Tiêm phòng còn giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến đái tháo đường do cúm gây ra.

3. Hãy chia sẻ với bác sĩ về lịch tiêm phòng, các thuốc đang sử dụng, tiền sử bệnh và bất kỳ triệu chứng bất thường nào mà bạn đang gặp phải.

Xem thêm:

VTM1333016 (v1.0)