Thuốc được sử dụng trong điều trị táo bón ở trẻ em

Bác sĩ Nguyễn Việt Trường
Chuyên gia viết bài: TS.BS Nguyễn Việt Trường
Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCMrn
  • Ngày cập nhật: 29/11/2024

Thân chào quý phụ huynh, là một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa với hơn 15 năm kinh nghiệm, tôi thường xuyên gặp và điều trị cho các bé bị táo bón. Tôi hiểu rằng táo bón không chỉ khiến các bé khó chịu mà còn khiến phụ huynh lo lắng.

Đó là khi con bạn gặp khó khăn trong việc đi tiêu, phân cứng và khô, hoặc không đi tiêu đều đặn như bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp, táo bón có thể dẫn đến những biến chứng đáng lo ngại. Bé có thể tiêu ra máu do nứt hậu môn, sa trực tràng, hoặc bị trĩ. Táo bón còn có thể khiến bé chán ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, và tác động tiêu cực đến tâm lý.

Trong quá trình điều trị táo bón cho trẻ, chúng tôi luôn ưu tiên các biện pháp không dùng thuốc trước, thông qua việc hướng dẫn phụ huynh cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thay đổi thói quen ăn uống và tập luyện cho bé đi tiêu đúng cách. Tuy nhiên, nếu những biện pháp trên không mang lại hiệu quả như mong muốn thì sẽ cần sử dụng thuốc để điều trị.

Táo bón là gì

Khi cần dùng thuốc cho bé bị táo bón, quá trình điều trị sẽ được chia thành ba giai đoạn rõ ràng. Chúng tôi sẽ bắt đầu với giai đoạn tống xuất phân, sau đó là giai đoạn duy trì, và cuối cùng là giai đoạn ngưng thuốc. Mỗi giai đoạn đều được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho các bé.

Trong điều trị táo bón ở trẻ em, có 4 nhóm thuốc chính được sử dụng. 

Nhóm thứ nhất là các thuốc trị táo bón nhờ tác dụng hút và giữ nước để làm mềm phân. 

Thuốc đầu tiên là lactulose – một dạng đường đôi tổng hợp không hấp thu. Khi vào đến ruột già, thuốc sẽ được các vi khuẩn có sẵn trong ruột chuyển hóa thành các axit phân tử thấp. Các axit này kéo nước vào ruột, làm phân mềm hơn và kích thích ruột co bóp, giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn. Lactulose còn làm tăng sự phát triển của các vi khuẩn có lợi và hạn chế các vi khuẩn gây bệnh. Từ đó dẫn đến cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Thuốc đã được chứng minh có độ an toàn cao, tác dụng phụ thường ít, có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

TS.BS. Nguyễn Việt Trường
TS.BS. Nguyễn Việt Trường

Thuốc thứ hai trong nhóm là PEG, viết tắt của Polyethylene glycol. Thuốc thường được dùng trong cả giai đoạn tống xuất phân và duy trì. Dù có thể gây một số tác dụng phụ nhưng những triệu chứng này có thể kiểm soát được.

Trong trường hợp các thuốc trên không đủ hiệu quả, chúng tôi sẽ cân nhắc kết hợp hoặc thay thế bằng nhóm thứ hai – nhóm kích thích ruột, điển hình là bisacodyl và senna. Thuốc trị táo bón theo cơ chế kích thích không phải là lựa chọn ưu tiên, và phải được bác sĩ kê toa khi sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi. Thuốc giúp kích thích ruột co bóp mạnh hơn và tăng tiết dịch. Mặc dù có thể gây đau bụng, nhưng nhìn chung được trẻ dung nạp tốt. 

Nhóm thứ ba là thuốc có tác dụng tạo trơn, điển hình là dầu khoáng. Thuốc có khả năng làm mềm phân và tạo độ trơn, giúp việc đi tiêu của trẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên và đặc biệt lưu ý không sử dụng cho các bé có biểu hiện khó nuốt hoặc rối loạn đông máu. Trong quá trình sử dụng, một số tác dụng phụ có thể gặp như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc đầy bụng. 

Nhóm thứ tư là thuốc thụt tháo, chúng tôi có thể chỉ định trong một số trường hợp cần thiết. Đây là nhóm thuốc có tác dụng kích thích ruột co bóp và tăng tiết dịch, thường chỉ sử dụng trong giai đoạn tống xuất phân, không sử dụng kéo dài trong giai đoạn điều trị duy trì. Khi sử dụng thuốc, trẻ có thể cảm thấy đau bụng và khó chịu ở vùng hậu môn.

Qua nhiều năm điều trị, tôi nhận thấy hầu hết các bé đều đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc, và các tác dụng phụ thường ở mức độ chấp nhận được. Đa số các trường hợp táo bón sẽ khỏi trong vòng 1 năm nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, tôi luôn nhấn mạnh với các bậc phụ huynh trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào cho trẻ bị táo bón, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên khoa. Việc dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là khi sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Xem thêm:

VTM1337479 (v1.2)