Tiêm Phòng Cúm Cho Bà Bầu Và Những Điều Cần Biết
Mục lục
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị các biến chứng liên quan đến cúm. CDC Hoa Kỳ (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) đã nhận được báo cáo về các trường hợp nhập viện và tử vong do cúm ở phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút cúm. Vậy nên, bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi nhiễm cúm là cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu. Bước đầu tiên trong phòng ngừa cúm hiệu quả chính là tiêm phòng cúm. Hãy cùng a:care Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về vai trò của vắc xin cúm và tiêm phòng cúm cho bà bầu trong bài viết dưới đây nhé.
Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cúm cho bà bầu
Có nên tiêm vắc xin cúm khi mang thai không? Đây là câu hỏi và nỗi băn khoăn của nhiều người mẹ khi mới đảm nhận thiên chức. Trong hầu hết trường hợp, câu trả lời là có, bởi việc tiêm phòng cúm cho bà bầu mang lại nhiều lợi ích, cụ thể:
Bảo vệ bản thân mẹ bầu: Mặc dù trông bạn có vẻ rất khoẻ mạnh nhưng những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi khi có thai có thể khiến bạn dễ gặp những biến chứng nghiêm trọng của cúm. Phụ nữ mang thai mắc cúm sẽ có khả năng nhập viện cao hơn so với những người không mang thai ở độ tuổi sinh sản. Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, việc tiêm phòng cúm đã giảm một nửa nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra, việc tiêm phòng cúm cho bà bầu cũng giúp giảm khoảng 40% nguy cơ nguy cơ nhập viện do cúm.
Bảo vệ cho con: Tiêm vắc xin khi đang mang thai giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm sau sinh (vì kháng thể được truyền từ mẹ sang bé trong thai kỳ). Những người tiêm vắc xin cúm khi đang cho con bú cũng phát triển các kháng thể chống lại bệnh cúm và có thể truyền cho con qua sữa mẹ.
Tiêm phòng cúm có an toàn khi mang thai không?
Đối với sức khỏe mẹ bầu
Đang mang bầu 3 tháng đầu có tiêm phòng cúm được không? Có gây nguy hiểm gì không? Tiêm ngừa phòng cúm khi mang thai không gây tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tính an toàn của vắc xin cúm trong thai kỳ. Hơn thế nữa, tiêm ngừa cúm cho bà bầu còn cho thấy hiệu quả bảo vệ khi giúp giảm khoảng 40% khả năng mẹ bầu phải nhập viện vì cúm, giảm 51% nguy cơ thai chết lưu.
Đối với sức khỏe thai nhi
Vắc xin cúm thực hiện nhiệm vụ kép khi bảo vệ cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Nghiên cứu cho thấy mẹ được tiêm vắc xin phòng cúm trong thai kỳ sẽ hạn chế được 25% nguy cơ sinh non, 27% nguy cơ trẻ sơ sinh nhẹ cân. Em bé sau sinh không thể chủng ngừa cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Khi mẹ bầu chích ngừa cúm trong thai kỳ, các kháng thể được tạo ra từ cơ thể người mẹ sẽ được truyền sang cho thai nhi.
Những kháng thể này sẽ giúp em bé chống khỏi sự tấn công của vi rút cúm trong sáu tháng đầu đời cho đến khi bé có thể chủng ngừa. Nhờ đó trẻ nhũ nhi dưới 6 tháng tuổi có mẹ được tiêm phòng cúm trong thai kì sẽ giảm được 48% nguy cơ nhiễm cúm và 72% nguy cơ nhập viện do cúm.
Cơ chế hoạt động của vắc xin cúm
Vắc xin cúm kích thích hoạt động của hệ thống miễn dịch, tạo ra các kháng thể để chống lại vi rút cúm. Thời gian để cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ là sau khoảng 2 tuần kể từ khi bạn tiêm phòng cúm.
Tiêm vắc xin cúm cho bà bầu vào thời điểm nào?
Tiêm phòng cúm cho bà bầu có thể làm giảm nguy cơ mắc cúm và các bệnh liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai và thai nhi. Vậy bà bầu nên tiêm vắc xin ở thời điểm nào? Cùng tìm hiểu thông tin dưới đây:
Mẹ bầu nên tiêm vắc xin cúm vào tháng thứ mấy?
Bầu 3 tháng đầu có tiêm phòng cúm được không? Theo ACIP (Uỷ ban than vấn về thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ) khuyến cáo, tất cả phụ nữ có dự định mang thai hoặc đã mang thai trong mùa cúm thì nên tiêm vắc xin phòng cúm trong bất cứ thời điểm nào của thai kỳ.
Tác dụng của vắc xin cúm duy trì bao nhiêu lâu?
Tiêm ngừa cúm cho bà bầu đã được chứng minh là làm giảm khoảng một nửa nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai.
Việc tiêm phòng để chống lại vi rút cúm sẽ có tác dụng duy trì dưới 1 năm. Và cần khoảng 2 tuần sau khi tiêm thuốc để vắc xin xây dựng khả năng miễn dịch cho cơ thể mẹ bầu. Ngoài ra, cần tiêm vắc xin cúm nhắc lại mỗi năm vì vi rút cúm biến đổi liên tục.
Những câu hỏi thường gặp khi tiêm vắc xin cúm cho mẹ bầu
Tiêm vắc xin cúm khi mang thai có tác dụng phụ không?
Hiện nay, có nhiều quốc gia đã thực hiện việc tiêm phòng cúm cho phụ nữ mang thai như Mĩ, Canada, Anh và các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan,… Việc tiêm phòng cúm cho bà bầu đã được chứng minh là biện pháp tốt nhất để chống lại bệnh cúm mùa, đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu cần biết một số lưu ý trước khi tiêm phòng cúm để tránh tác dụng phụ.
Vậy tiêm vắc xin cúm khi mang thai có tác dụng phụ không? Câu trả lời là có thể gặp tác dụng phụ nhưng hầu hết là nhẹ như những người không mang thai. Chẳng hạn như sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm, đau cánh tay hoặc sốt nhẹ nhưng chỉ một hoặc hai ngày là hết. Một số tác dụng phụ khác có thể gặp như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
Những trường hợp dị ứng rất hiếm khi xảy ra là chóng mặt, thở khò khè, sưng môi, cổ họng, sưng lưỡi, hụt hơi khó thở, loạn nhịp tim, lú lẫn,… Những phản ứng này thường xảy ra trong 30 phút sau tiêm chủng, vì vậy mẹ bầu thường được bác sĩ yêu cầu ở lại theo dõi sau tiêm khoảng 30 phút.
Nên làm gì nếu bị cúm khi đang mang thai?
Nếu mẹ bầu bị cúm khi đang mang thai thì hãy liên hệ ngay với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc bác sĩ sản khoa của mình. Nên sử dụng thuốc kháng vi rút theo toa của bác sĩ, thuốc hiệu quả nhất nếu sử dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng bệnh cúm, nhưng vẫn có hiệu quả sau khi các triệu chứng bắt đầu 4-5 ngày. Thuốc kháng vi rút không chữa khỏi bệnh cúm, nhưng có thể rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của cúm.
Mẹ bầu nên làm gì nếu phải tiếp xúc liên tục với người bị cúm?
Tiếp xúc với người bị bệnh cúm bao gồm việc sống chung, chăm sóc, trò chuyện trực tiếp với những người mắc cúm. Tiêm phòng cúm, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là những cách hiệu quả để phòng ngừa cúm. Sau khi biết bản thân đã tiếp xúc với người mắc cúm, mẹ bầu nên hỏi ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc bác sĩ sản khoa để được tư vấn và hướng dẫn.
Các loại vắc xin cúm cho bà bầu
Các loại vắc xin phòng cúm dành cho bà bầu đang phổ biến tại Việt Nam bao gồm Influvac Tetra (xuất xứ Hà Lan) và Vaxigrip Tetra (xuất xứ Pháp). Cả hai loại vắc xin này đã được kiểm chứng là an toàn và có hiệu quả trên phụ nữ mang thai cũng như nhóm đối tượng khác.
Tiêm vắc xin cúm cho mẹ bầu bao nhiêu tiền
Về giá cả, chi phí cho vắc xin cúm cho bà bầu có thể thay đổi tùy vào địa điểm tiêm chủng, thời điểm, và loại vắc xin được sử dụng. Thông thường, giá vắc xin phòng cúm dao động khoảng từ 350.000 đến 400.000 VNĐ.
Ngày tiêm phòng cúm cho bà bầu có thể được lựa chọn trong giai đoạn trước và trong khi mang thai. Đối với phụ nữ mang thai, vắc xin có thể được tiêm sau 3 tháng đầu thai kỳ hoặc ít nhất là 1 tháng trước ngày dự sinh. Trước khi tiêm phòng, việc thăm khám và tư vấn của bác sĩ là quan trọng, cũng như việc chỉ định mũi tiêm phù hợp. Tùy thuộc vào cơ sở tiêm chủng, một số thủ tục có thể cần hoàn tất trước khi tiêm vắc xin.
Lời kết
Vi rút cúm mang đến nguy cơ tiềm ẩn cho phụ nữ mang thai và việc tiêm phòng cúm cho bà bầu là cần thiết và quan trọng. Hãy cùng a:care Việt Nam góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ bầu và thai nhi cũng như những người xung quanh nhé.
Xem thêm:
- Tiêm phòng cúm cho mẹ bầu: Lời khuyên từ chuyên gia (Phần 1)
- Tiêm phòng cúm cho mẹ bầu: Lời khuyên từ chuyên gia (Phần 2)
- Tiêm phòng cúm cho mẹ bầu: Lời khuyên từ chuyên gia (Phần 3)
Nguồn tham khảo
1. Influenza (Flu) Vaccine pregnancy. Available at: https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/hcp-toolkit/flu-vaccine-pregnancy.html. Last reviewed 2023. Accessed August 20, 2023.
2. Healthy Wa. Influenza (flu) vaccine in pregnancy. https://www.healthywa.wa.gov.au/Articles/F_I/Influenza-vaccine-in-pregnancy-What-expectant-mothers-need-to-know
3. “Flu Vaccine Safety and Pregnancy.” CDC, 25 August 2023, https://www.cdc.gov/flu/highrisk/qa_vacpregnant.htm . Accessed 28 August 2023.
Can you get a flu shot during pregnancy? Available at: https://health.clevelandclinic.org/can-you-get-flu-shot-during-pregnancy/. Published 2022. Accessed August 20, 2023.
4. “Flu shot in pregnancy: Is it safe?” Mayo Clinic, https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/influenza/faq-20058522. Accessed 8 September 2023.
5. Bộ y tế. Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin cúm. https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/nhung-ieu-can-biet-khi-tiem-vac-xin-cum . Published 24/12/2019
6. The Flu Vaccine and Pregnancy. https://www.acog.org/womens-health/faqs/the-flu-vaccine-and-pregnancy
7. “ACIP Releases 2023-2024 Influenza Vaccine Recommendations.” AAFP, https://www.aafp.org/news/health-of-the-public/2023-acip-flu-recs.html. Accessed 25 September 2023
8. How long does a flu shot last? Available at: https://www.verywellhealth.com/how-long-does-a-flu-shot-last-770538. Published 2023. Accessed August 20, 2023.
9. Flu shot side effects. Available at: https://www.verywellhealth.com/what-are-common-flu-shot-reactions-770528. Published 2022 by Anju Goel, MD, MPH. Accessed August 20, 2023.
10. “Vắc xin ngừa cúm và thai kỳ.” Bệnh viện Từ Dũ, 11 April 2017, https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/thong-tin-thuoc/vac-xin-ngua-cum-va-thai-ky/. Accessed 25 September 2023.