THÔNG TIN HỮU ÍCH VỀ TIÊM PHÒNG CÚM CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ NGƯỜI CHĂM SÓC (Phần 1)
- Ngày cập nhật: 24/10/2024
Mục lục
Các bạn thân mến, qua nhiều năm làm việc, tôi nhận thấy rằng nhiều bệnh nhân đái tháo đường đã bỏ qua việc tiêm phòng cúm, một cơ hội chủ động phòng bệnh và đem lại nhiều lợi ích. Có thể là mọi người chưa hiểu hết về vai trò quan trọng của việc làm tưởng chừng đơn giản này.
Vì vậy, trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm về lợi ích của tiêm phòng cúm ở người có đái tháo đường, cũng như giải đáp những thắc mắc thường gặp. Tôi tin rằng thông qua những chia sẻ, trò chuyện, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về việc tiêm phòng cúm cũng như có thêm thông tin để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
I. Tầm quan trọng của tiêm phòng cúm đối với người bệnh đái tháo đường
Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng việc tiêm phòng cúm rất quan trọng đối với người mắc đái tháo đường. Tại sao vậy? Vì cơ thể của những người bệnh đái tháo đường thường dễ bị tổn thương hơn khi mắc cúm. Virus cúm có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của họ, đồng thời khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn. Từ đó có thể dẫn đến những biến chứng nặng, làm tăng nguy cơ nhập viện, thậm chí tử vong.
Nhiều người thường hỏi tôi: “Bị đái tháo đường như tôi có dễ mắc cúm hơn người khác không vậy bác sĩ?”. Câu trả lời là có. Hệ miễn dịch của người đái tháo đường thường không mạnh mẽ như người bình thường, nên các bạn có thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Vậy nên, các bạn cần cẩn thận, chủ động phòng ngừa với các bệnh truyền nhiễm nói chung, và cúm nói riêng.
II. Hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin cúm
Một câu hỏi nữa tôi thường xuyên được hỏi đó là: “Bác sĩ ơi, tôi có đái tháo đường thì tiêm vắc-xin cúm có an toàn không?”. Thực sự là vắc-xin cúm có độ an toàn cao cho người đái tháo đường. Qua nhiều nghiên cứu được thực hiện, tiêm vắc-xin không gây ảnh hưởng đến đường huyết của bạn. Ngược lại, còn giúp bạn phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ biến chứng nặng nếu không may mắc phải.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng sau khi tiêm, có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu một chút. Ví dụ như đau hoặc hơi đỏ tại chỗ tiêm, có thể bị nhức đầu nhẹ, sốt nhẹ, buồn nôn, mệt mỏi hoặc đau nhức cơ. Những triệu chứng này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng qua đi.
“Vậy vắc-xin cúm có hiệu quả với người đái tháo đường không?”. Một câu hỏi cũng hay xuất hiện trong quá trình khám chữa bệnh và tư vấn về vắc-xin. Qua các nghiên cứu, chúng tôi thấy rất rõ ràng vắc-xin giúp giảm nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nghiêm trọng do cúm ở những người có đái tháo đường.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng cho thấy vắc-xin giúp giảm khả năng nhiễm cúm từ 40% đến 60%. Đối với những người bệnh đái tháo đường, vắc-xin cúm còn giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề tim mạch nghiêm trọng như đau tim hay đột quỵ, cũng như giảm nhập viện và tử vong do cúm.
III. Thời điểm và tần suất tiêm phòng
Về thời điểm và tần suất tiêm phòng cúm phù hợp, tôi khuyên các bạn nên tiêm phòng cúm hàng năm. Thời điểm tốt nhất là ngay khi vắc-xin có sẵn, vì virus cúm lưu hành quanh năm ở Việt Nam, và nên nhớ cơ thể cần có thời gian khoảng 2 tuần để tạo kháng thể bảo vệ.
Nhiều bạn lo lắng: “Nếu tôi đã bị cúm rồi thì sao ạ?”. Các bạn thân mến, dù đã nhiễm cúm các bạn vẫn cần tiêm phòng cúm sớm khi có thể. Bởi vì ở Việt Nam, chúng ta có tới 4 chủng cúm lưu hành phổ biến theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nên dù bạn đã bị cúm một lần, việc tiêm phòng vẫn giúp bảo vệ bạn khỏi các chủng cúm khác nữa.
Xem thêm: