Sự cần thiết tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Mục lục
- Tình hình dịch cúm mùa thu đông 2022 đang diễn biến phức tạp gây ra nhiều nguy cơ cho trẻ
- Tiêm vắc xin cúm là biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả
- Lựa chọn vắc xin cúm tứ giá vừa dễ tiếp cận vừa ít gây tác dụng phụ với trẻ
- Việc tiêm phòng cúm nhắc lại hằng năm đóng một vai trò quan trọng trong hàng rào bảo vệ trẻ nhỏ
- Vắc xin cúm tứ giá tiểu đơn vị nên được tiêm phòng cho trẻ kể cả sau khi trẻ đã nhiễm cúm trước đó
Cúm mùa là một trong những bệnh lý mà chúng ta dễ gặp phải nhất, đặc biệt là trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu. Với sự phát triển của y học hiện đại, có một phương pháp để chúng ta có thể phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả, đó chính là tiêm vắc xin.
Xem lại tọa đàm tư vấn “Tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi – Một mũi nhẹ nhàng, bé yêu vui khỏe” ngay
Trong chương trình tư vấn với chủ đề “Tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi – Một mũi nhẹ nhàng, bé yêu vui khỏe” phát sóng ngày 10.11 trên VNExpress, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, Chủ nghiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pauster TP. HCM cùng với BS. Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về cách phòng ngừa chủ động bảo vệ sức khỏe cho các bé.
Tình hình dịch cúm mùa thu đông 2022 đang diễn biến phức tạp gây ra nhiều nguy cơ cho trẻ
Theo BS Khanh, nhiều người còn hiểu sai cúm là bệnh nhẹ, trong khi thực tế có những đối tượng mắc cúm nặng, phải nằm viện. “Bội nhiễm vi khuẩn sau khi nhiễm cúm phải nằm viện, viêm não, nặng thêm các bệnh nền hô hấp mạn như hen, COPD đặc biệt là viêm phổi” – BS Khanh cảnh báo những biến chứng nguy hiểm của cúm cùng với hậu quả nặng nề.
Trong bối cảnh dịch chồng dịch, trẻ có thể bị đồng nhiễm đồng thời 2, 3 hay nhiều tác nhân gây bệnh như virut cúm, COVID-19, sởi, adenovi rút hay sốt xuất huyết, làm kéo dài thời gian trẻ nhiễm bệnh và trầm trọng các triệu chứng, biến chứng.
PGS. Nghĩa chia sẻ thêm về diễn biến phức tạp của dịch cúm theo từng năm với hàng triệu ca mắc. Tình trạng quá tải số lượng bệnh nhân hô hấp tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện Nhi, cho thấy việc dự phòng cúm cần được chú trọng hơn nữa, nhất là trên đối tượng trẻ nhỏ.
Tiêm vắc xin cúm là biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả
PGS. Nghĩa chia sẻ, tiêm phòng cúm cho trẻ không chỉ là “mặc chiếc áo giáp” giúp phòng ngừa nhiễm cúm mà còn giảm tần suất biến chứng cúm, phòng ngừa đến 74% bệnh tật đe dọa tính mạng do cúm. Ngoài ra, việc tiêm phòng cho trẻ còn là cách bảo vệ gia đình, cộng đồng xung quanh trước nguy cơ nhiễm cúm.
Lựa chọn vắc xin cúm tứ giá vừa dễ tiếp cận vừa ít gây tác dụng phụ với trẻ
Hiện nay, không ít các bậc phụ huynh quan tâm về các loại các vắc xin cúm, đặc biệt là một năm trở lại đây khi tại Việt Nam đã có vắc xin cúm tứ giá. PGS. Nghĩa chia sẻ đây là loại vắc xin có khả năng bảo vệ trước 4 chủng vi rút cúm gồm 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B giúp hàng rào bảo vệ đầy đủ và vững chắc hơn. Đặc biệt, với sự tiến bộ của công nghệ bào chế, sự ra đời của vắc xin cúm tiểu đơn vị, chỉ chứa thành phần kháng nguyên của vi rút cúm, ít gây ra phản ứng phụ hơn, có thể giúp trẻ ít quấy khóc và bố mẹ an tâm hơn khi đưa trẻ đi chích ngừa.
BS Khanh chia sẻ việc cần thiết nên chích ngừa cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, khi ở giai đoạn đó lượng kháng thể truyền từ mẹ sang con đã giảm sút, việc chủ động tạo kháng thể cho trẻ từ 6 tháng tuổi bằng vắc xin cúm đã được chứng minh hiệu quả qua rất nhiều nghiên cứu.
Ngoài ra, việc dễ dàng tiếp cận vắc xin cúm với liều dùng thống nhất cho trẻ từ 6 tháng tuổi tương tự với trẻ lớn giúp các bậc phụ huynh an tâm hơn.
Việc tiêm phòng cúm nhắc lại hằng năm đóng một vai trò quan trọng trong hàng rào bảo vệ trẻ nhỏ
BS. Trương Hữu Khanh chia sẻ vắc xin cúm tiểu đơn vị được tạo ra với mục tiêu vừa đem lại hiệu quả vừa hạn chế được tác dụng phụ, và do tốc độ thay đổi của vi rút cúm quá nhanh do vậy việc tiêm phòng hàng năm dựa trên chủng vi rút được khuyến cáo là cần thiết.
Ngoài ra, BS. Khanh nhấn mạnh các trẻ có bệnh mạn tính càng nên tiêm phòng vắc xin cúm để hạn chế những nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng.
Về khoảng cách giữa các lần tiêm vắc xin cúm, PGS. Nghĩa cho biết, đối với trẻ từ 6 tháng tuổi nên được tiêm phòng cúm hàng năm. Riêng đối với trẻ dưới 9 tuổi và được tiêm phòng cúm lần đầu thì sau ít nhất 4 tuần nên tiêm mũi nhắc lại mũi thứ 2 để tạo hàng rào miễn dịch bảo vệ tốt nhất cho trẻ.
Vắc xin cúm tứ giá tiểu đơn vị nên được tiêm phòng cho trẻ kể cả sau khi trẻ đã nhiễm cúm trước đó
Vào tháng 7 vừa qua bé nhà em đã bị cúm A rồi, nhưng hiện nay ở các tỉnh khác đang có dịch cúm B, em có thể cho bé tiêm vắc xin cúm vào lúc này để phòng ngừa được không ạ? Và việc tiêm vắc xin cúm tứ giá thì có phòng được cúm A và cúm B luôn không ạ? Tiêm cho trẻ xong thì khi về nhà có cần lưu ý theo dõi gì ở trẻ không thưa BS?
PGS Nghĩa chia sẻ, việc trẻ vừa mắc cúm và khỏi bệnh trước đó thường liên quan đến một chủng cúm A hoặc một cúm B, do đó việc tiêm phòng vắc xin cúm tứ giá cập nhật mới nhất gồm 4 chủng cúm sẽ bảo vệ trẻ toàn diện hơn trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp tiếp theo.
Cùng với đó, PGS. Nghĩa cũng nhắc lại một số lưu ý sau khi trẻ được tiêm vắc xin như theo dõi đủ 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng và 24h tại nhà. Việc trẻ có thể gặp 1 số phản ứng phụ sau tiêm trong đó có sốt có thể là phản ứng miễn dịch của cơ thể, chỉ đặc biệt theo dõi khi trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C. Và vắc xin cúm tứ giá tiểu đơn vị có tại Việt Nam đã được nghiên cứu và đánh giá là hạn chế tối đa được các phản ứng phụ sau tiêm, trong đó có đối tượng trẻ nhỏ.
BS. Trương Hữu Khanh cũng một lần nữa nhấn mạnh trên các đối tượng trẻ em thường gặp các tình trạng “ốm vặt” liên quan đến đường hô hấp, thì vắc xin cúm chính là giải pháp phòng ngừa hiệu quả nhất giúp trẻ cải thiện các tình trạng trên. Do đó, không nên trì hoãn việc tiêm phòng cúm cho trẻ, trừ các trường hợp trẻ đang có sốt cao hoặc nhiễm trùng cấp tính.
Xem thêm: