Tiêm phòng cúm hằng năm bảo vệ người mắc bệnh tim mạch như thế nào?
- Ngày cập nhật: 09/10/2023
Mục lục
- Cúm mùa tác động đến hệ tim mạch nhiều hơn bạn nghĩ!
- Cơ chế đằng sau mối quan hệ giữa cúm mùa và biến chứng tim mạch
- Người đã có bệnh tim mạch sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu mắc cúm mùa?
- Phòng tránh cúm cho người bệnh tim mạch như thế nào?
- Tầm quan trọng của tiêm phòng cúm cho người bệnh tim mạch nói chung?
- Lợi ích của tiêm phòng cúm đối với người mắc bệnh mạch vành
- Vai trò của tiêm phòng cúm với bệnh nhồi máu cơ tim?
- Người bị suy tim được lợi gì từ tiêm phòng cúm?
- Độ an toàn của vaccine cúm ở người bệnh tim mạch
- Tiêm vaccine cúm có ảnh hưởng đến việc dùng thuốc tim mạch không?
- Đã phẫu thuật tim trước đó có nên tiêm phòng cúm không?
- Tỷ lệ người bệnh tim tiêm phòng cúm còn thấp
- Khuyến cáo từ các Hiệp hội Y khoa
1. Cúm mùa tác động đến hệ tim mạch nhiều hơn bạn nghĩ!
Hằng năm, virus cúm gây ra 3–5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng và 250.000–500.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Mặc dù viêm phổi là biến chứng phổ biến nhất liên quan đến cúm, nhưng nhiều báo cáo gần đây cho thấy sự tăng nguy cơ nhập viện và tử vong do tim mạch sau khi nhiễm cúm.
Ngoài tăng nguy cơ tử vong do tim mạch, cúm còn liên quan đến các biến chứng như nhồi máu cơ tim, cơn đau tim, đột quỵ, suy tim cấp, tổn thương cơ tim, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim, đau tim và suy tim tăng cao khi nhiễm cúm. Tổn thương cơ tim cũng thường xuyên xảy ra ở bệnh nhân nhiễm cúm cần nhập viện.
Ở những bệnh nhân nhập viện do cúm, bệnh tim mạch cũng là bệnh đồng mắc thường gặp nhất và có liên quan đến diễn biến cúm nặng hơn.
2. Cơ chế đằng sau mối quan hệ giữa cúm mùa và biến chứng tim mạch
Có nhiều cơ chế được cho là làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch do nhiễm cúm, nhưng nhìn chung có thể được chia thành 2 nhóm:
- Tác động trực tiếp của virus cúm lên mạch máu và cơ tim: Virus cúm có thể xâm nhập vào mô cơ tim và sau đó gây ra tình trạng viêm cơ tim. Sự nhân lên của virus cúm trong các động mạch có thể tác động đến các mảng xơ vữa, dẫn đến mất ổn định mảng bám, cuối cùng dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim và rối loạn chức năng tim
- Tác động gián tiếp của virus chủ yếu thông qua phản ứng viêm toàn thân: khi nhiễm virus cúm, hệ miễn dịch tạo ra nhiều chất trung gian gây viêm để thu hút các bạch cầu đến vị trí nhiễm trùng và kiểm soát virus. Những chất trung gian gây viêm do cúm gây ra có thể là tác nhân gây vỡ mảng bám, hình thành cục máu đông, làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch và sau đó có thể gây nhồi máu cơ tim cấp tính.
Như vậy, liệu nhiễm cúm có tác động trực tiếp lên tim mạch thông qua cơ chế đặc hiệu của virus cúm hay không, liệu các biến chứng tim mạch chủ yếu là do phản ứng viêm toàn thân khi nhiễm cúm, hay hai cơ chế này hoạt động song song và cùng làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch? Những nghi vấn này hiện vẫn đang được giới y khoa bàn luận.
3. Người đã có bệnh tim mạch sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu mắc cúm mùa?
– Dễ gặp các biến chứng liên quan đến cúm hơn.
Các biến chứng bao gồm:
- Viêm xoang
- Viêm tai
- Viêm phổi
- Cơn đau tim
- Viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim (trong một số ít trường hợp)
– Dễ làm bệnh tim mạch sẵn có trở nên nặng hơn
So với những người không mắc bệnh tim, những người mắc bệnh tim khi mắc cúm:
- Có nguy cơ đau tim cao gấp 10 lần trong vòng 3 ngày kể từ khi bị cúm
- Có nhiều khả năng bị đau tim đến vài tuần sau khi bị cúm
- Có nguy cơ nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp cao gấp 6 lần trong 7 ngày kể từ khi bị cúm
- Tăng nguy cơ gặp các biến cố tim mạch khác
Xem thêm: Bệnh cúm ở người bệnh tim mạch như thế nào?
4. Phòng tránh cúm cho người bệnh tim mạch như thế nào?
Tiêm vaccine là cách phòng cúm tốt nhất cho mọi người, đặc biệt là những người bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch vành, suy tim
Ngoài ra, những lưu ý về rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, …. là những phương pháp không đặc hiệu góp phần giúp phòng tránh cúm ở người bệnh tim mạch.
5. Tầm quan trọng của tiêm phòng cúm cho người bệnh tim mạch nói chung?
Tiêm phòng cúm là quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tim mạch, giúp bảo vệ người bệnh khỏi cúm, và các biến chứng liên quan đến cúm.
Tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ tử vong hoặc nguy cơ biến chứng tim mạch ở những người có bệnh tim từ trước.
Người bệnh tim mạch tiêm phòng cúm có tỷ lệ biến cố tim mạch thấp hơn, đặc biệt ở những người đã có biến cố trong 1 năm gần nhất. Tiêm vaccine cúm giúp làm giảm 34% nguy cơ biến cố tim mạch chính, và ở những người mới bị hội chứng vành cấp nguy cơ này giảm đến 45%.
6. Lợi ích của tiêm phòng cúm đối với người mắc bệnh mạch vành
Kinh nghiệm từ tiêm phòng cúm ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành cho thấy tiềm năng làm giảm tỷ lệ tử vong của vaccine. Theo các nghiên cứu trên người mắc bệnh mạch vành, vaccine cúm làm giảm
- 37% nguy cơ biến cố tim mạch chính,
- 42% tử vong do mọi nguyên nhân và
- 47% tử vong do tim mạch.
7. Vai trò của tiêm phòng cúm với bệnh nhồi máu cơ tim?
Tiêm phòng cúm sớm sau nhồi máu cơ tim có thể giúp làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, tử vong do tim mạch, và nhồi máu cơ tim trong vòng 12 tháng.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp giảm đi sau khi tiêm chủng và duy trì theo thời gian. Dù là trước khi dịch cúm bắt đầu, trong mùa dịch, hay sau mùa dịch cúm thì nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp cũng giảm đi, lần lượt là 13%, 11%, 17%.
Theo kết quả từ một nghiên cứu, tiêm vaccine cúm giúp giảm 40% tỷ lệ nhồi máu cơ tim không ST chênh lênh (một dạng nhồi máu cơ tim), nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc huyết khối trong stent so với người không tiêm vaccine cúm. Sau 1 năm, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân ở người được tiêm vaccine giảm đến 53%.
8. Người bị suy tim được lợi gì từ tiêm phòng cúm?
Theo các nghiên cứu trên bệnh nhân suy tim, tiêm vaccine cúm giúp:
- giảm 19% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân
- giảm 18% nguy cơ tử vong do tim mạch.
- giảm 16% tỷ lệ nhập viện
- giảm 42% tỷ lệ mắc viêm phổi cộng đồng
Ngoài ra, những người được tiêm ngừa cúm mỗi năm sau khi có chẩn đoán suy tim cũng có kết cục lâm sàng tốt hơn những người được tiêm ngừa ít hơn một lần mỗi năm. Tiêm chủng sớm trước mùa cúm cũng giúp giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do tim mạch nhiều hơn so với tiêm chủng muộn.
9. Độ an toàn của vaccine cúm ở người bệnh tim mạch
Tiêm phòng cúm đã được chứng minh về độ an toàn, giúp giảm các biến cố tim mạch và tiết kiệm chi phí. Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm phòng cúm thường nhẹ và chỉ tồn tại trong thời gian một hoặc hai ngày. Phân tích về độ an toàn của vaccine cúm qua các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị được dung nạp tốt trên cả người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi. Tỷ lệ mắc các biến cố bất lợi tương đương nhau giữa nhóm tiêm vaccine cúm và nhóm tiêm giả dược.
10. Tiêm vaccine cúm có ảnh hưởng đến việc dùng thuốc tim mạch không?
Tiêm vaccine phòng cúm không ảnh hưởng đến việc dùng thuốc tim mạch. Vaccine cúm có hồ sơ an toàn và độ dung nạp tốt cho hầu hết những người mắc bệnh tim.
Một điều cần lưu ý là thuốc tim mạch vẫn cần được dùng đều đặn theo chỉ dẫn từ bác sĩ trước và sau khi tiêm vaccine cúm.
11. Đã phẫu thuật tim trước đó có nên tiêm phòng cúm không?
Phẫu thuật tim không ảnh hưởng đến tiêm phòng cúm.
Nếu đã từng phẫu thuật tim, tiêm phòng cúm là điều quan trọng cần thực hiện, vì người bệnh sẽ có nguy cơ bị bệnh nặng hơn nếu bị cúm. Nếu vừa mới phẫu thuật, hãy trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn về thời điểm thích hợp tiêm vaccine.
Tiêm vaccine cũng áp dụng cho những người sắp phẫu thuật van tim, vì vaccine cúm sẽ không ảnh hưởng đến phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim mà còn giúp cho người bệnh tránh bị cúm và các biến chứng liên quan đến cúm. Nghiên cứu cũng cho thấy những người được chủng ngừa cúm trước khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng có ít dấu hiệu viêm hơn.
Như vậy, người đã phẫu thuật tim, vừa mới phẫu thuật hay chuẩn bị phẫu thuật tim đều có thể tiêm vaccine cúm. Hãy trao đổi với bác sĩ và chuyên gia y tế để được tư vấn thêm về thời điểm tiêm vaccine phù hợp.
12. Tỷ lệ người bệnh tim tiêm phòng cúm còn thấp
Tiêm cúm hàng năm không tốn kém, rất ít khi gặp tác dụng phụ và lợi ích bảo vệ sức khỏe lớn. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi ích tiềm năng, hầu hết các nghiên cứu về tỷ lệ tiêm phòng cúm ở những người bị bệnh tim mạch vẫn thấp một cách đáng thất vọng.
Trong nghiên cứu trên người bệnh suy tim, các nghiên cứu viên nhận thấy tỷ lệ tiêm chủng thấp chỉ 21% ở những bệnh nhân tham gia thử nghiệm trên toàn cầu. Tỷ lệ tiêm phòng cúm ở người bệnh tim mạch tại Việt Nam có lẽ lại càng thấp hơn nữa.
13. Khuyến cáo từ các Hiệp hội Y khoa
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm những người mắc bệnh tim. CDC cũng nhấn mạnh vai trò của tiêm phòng cúm hằng năm cho người bị bệnh tim mạch vì những lợi ích vaccine cúm đem lại. Hội Tim mạch Châu Âu (ESC) và Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo tiêm phòng cúm cho tất cả bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. ESC cũng khuyến nghị tiêm phòng cúm trở thành chăm sóc tiêu chuẩn cho người bệnh sau cơn đau tim.
Xem thêm:
- Những lưu ý khi tiêm phòng cúm cho người bệnh mạch vành
- Khuyến cáo tiêm phòng cúm cho người cao tuổi từ các hiệp hội y khoa
- Người bị đái tháo đường cần được tiêm phòng cúm hằng năm
Tài liệu tham khảo
1. Gopal R, Marinelli MA, Alcorn JF. Immune Mechanisms in Cardiovascular Diseases Associated With Viral Infection. Front Immunol. 2020;11:570681. Published 2020 Oct 22. doi:10.3389/fimmu.2020.570681
2. Behrouzi B, Bhatt DL, Cannon CP, et al. Association of Influenza Vaccination With Cardiovascular Risk: A Meta-analysis. JAMA Netw Open. 2022;5(4):e228873. doi:10.1001/jamanetworkopen.2022.8873
3..Skaarup KG, Modin D, Nielsen L, Jensen JUS, Biering-Sørensen T. Influenza and cardiovascular disease pathophysiology: strings attached. Eur Heart J Suppl. 2023;25(Suppl A):A5-A11. Published 2023 Feb 14. doi:10.1093/eurheartjsupp/suac117
4. Derqui N, Nealon J, Mira-Iglesias A, Díez-Domingo J, Mahé C, Chaves SS. Predictors of influenza severity among hospitalized adults with laboratory confirmed influenza: Analysis of nine influenza seasons from the Valencia region, Spain. Influenza Other Respir Viruses. 2022;16(5):862-872. doi:10.1111/irv.12985
5. Flu Shots and Your Heart | CardioSmart – American College of Cardiology. CardioSmart. Accessed September 22, 2023. https://www.cardiosmart.org/topics/flu-shots-and-your-heart
6. Kwong JC, Schwartz KL, Campitelli MA, et al. Acute Myocardial Infarction after Laboratory-Confirmed Influenza Infection. N Engl J Med. 2018;378(4):345-353. doi:10.1056/NEJMoa1702090
7. CDC. People at High Risk For Flu Complications. Centers for Disease Control and Prevention. Published August 27, 2018. https://www.cdc.gov/flu/highrisk/index.htm
8. Flu shot reduces risk of death for people with heart disease. www.heart.org. https://www.heart.org/en/news/2020/11/18/flu-shot-reduces-risk-of-death-for-people-with-heart-disease
9. Vaccine Effectiveness: How Well Do the Flu Vaccines Work? Centers for Disease Control and Prevention. Published August 25, 2022. https://www.cdc.gov/flu/vaccines-work/vaccineeffect.htm
10. Fröbert O, Götberg M, Erlinge D, et al. Clinical impact of influenza vaccination after ST- and non-ST-segment elevation myocardial infarction – insights from the IAMI trial. Am Heart J. 2023;255:82-89. doi:10.1016/j.ahj.2022.10.005
11. Vardeny O, Claggett B, Udell JA, et al. Influenza Vaccination in Patients With Chronic Heart Failure: The PARADIGM-HF Trial. JACC Heart Fail. 2016;4(2):152-158. doi:10.1016/j.jchf.2015.10.012
12. Modin D, Jørgensen ME, Gislason G, et al. Influenza Vaccine in Heart Failure. Circulation. 2019;139(5):575-586. doi:10.1161/CIRCULATIONAHA.118.036788
13. Loeb M, Roy A, Dokainish H, et al. Influenza vaccine to reduce adverse vascular events in patients with heart failure: a multinational randomised, double-blind, placebo-controlled trial. The Lancet Global Health. 2022;10(12):e1835-e1844. doi:10.1016/s2214-109x(22)00432-6
14. Fröbert O, Götberg M, Erlinge D, et al. Influenza Vaccination After Myocardial Infarction: A Randomized, Double-Blind, Placebo-Controlled, Multicenter Trial. Circulation. 2021;144(18):1476-1484. doi:10.1161/CIRCULATIONAHA.121.057042
15. de Abajo FJ, Rodríguez-Martín S, Barreira D, et al. Influenza vaccine and risk of acute myocardial infarction in a population-based case-control study. Heart. 2022;108(13):1039-1045. Published 2022 Jun 10. doi:10.1136/heartjnl-2021-319754
16. DeVore AD, Bhatt AS. Influenza Vaccination in Patients With Heart Failure. Circulation. 2019;139(5):587-589. doi:https://doi.org/10.1161/circulationaha.118.038348
17. Diaz-Arocutipa C, Saucedo-Chinchay J, Mamas MA, Vicent L. Influenza vaccine improves cardiovascular outcomes in patients with coronary artery disease: A systematic review and meta-analysis. Travel Med Infect Dis. 2022;47:102311. doi:10.1016/j.tmaid.2022.102311
18. Liprandi ÁS, Liprandi MIS, Zaidel EJ, et al. Influenza Vaccination for the Prevention of Cardiovascular Disease in the Americas: Consensus document of the Inter-American Society of Cardiology and the Word Heart Federation. Glob Heart. 2021;16(1):55. Published 2021 Aug 5. doi:10.5334/gh.1069
19. Common Flu Myths Busted | CardioSmart – American College of Cardiology. CardioSmart. Accessed September 22, 2023. https://www.cardiosmart.org/topics/flu-shots-and-your-heart/5-common-flu-myths-busted
20. National Advisory Committee on Immunization (NACI) statement: Seasonal influenza vaccine for 2023-2024. www.canada.ca. Published May 31, 2023. Accessed September 22, 2023. https://www.canada.ca/en/public-health/services/publications/vaccines-immunization/national-advisory-committee-immunization-statement-seasonal-influenza-vaccine-2023-2024.html#a4.6
21. Flu vaccinations reduce risk of heart event – Heart Foundation. www.heartfoundation.org.nz. Accessed September 22, 2023. https://www.heartfoundation.org.nz/your-heart/hearthelp/flu-vaccinations-reduce-risk-of-heart-event#:~:text=doctor%20or%20nurse.-
22. Pick A. Surgeon Q&A: Flu Shots & Vaccines After Heart Surgery. Adam’s Heart Valve Surgery Blog – Former Patient And Author, Adam Pick, Blogs About Heart Valve Replacement And Heart Valve Repair. Published October 21, 2019. Accessed September 22, 2023. https://www.heart-valve-surgery.com/heart-surgery-blog/2019/10/21/flu-shot/#:~:text=Getting%20vaccines%20applies%20to%20those
23. Flu shot may aid heart bypass recovery. www.heart.org. Accessed September 22, 2023. https://www.heart.org/en/news/2019/11/11/flu-shot-may-aid-heart-bypass-recovery
24. Some flu vaccine reactions might be a good sign for people with heart disease. www.heart.org. Accessed September 22, 2023. https://www.heart.org/en/news/2022/11/07/some-flu-vaccine-reactions-might-be-a-good-sign-for-people-with-heart-disease#:~:text=The%20AHA%20and%20the%20Centers
25. Volpe M, Battistoni A. What if flu vaccination is the most responsible thing to do for cardiovascular health in the upcoming season?. Eur Heart J Suppl. 2023;25(Suppl A):A1-A4. Published 2023 Feb 14. doi:10.1093/eurheartjsupp/suac109
26. Flu jab after heart attack should become standard care. www.escardio.org. https://www.escardio.org/The-ESC/Press-Office/Press-releases/Flu-jab-after-heart-attack-should-become-standard-care