Mẹ bầu tiêm cúm – Thai kỳ vui khỏe
Mục lục
- Tại sao nhiễm cúm lại nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai?
- Làm sao để nhận biết và chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm cúm đúng cách?
- Vậy có thể phòng tránh nhiễm cúm bằng những biện pháp nào? Và đâu là biện pháp an toàn và hiệu quả dành cho phụ nữ mang thai?
- Tiêm vắc xin cúm cho mẹ bầu thì có an toàn không?
Bệnh cúm là bệnh có tính lây lan cao, có thể dẫn đến nhiều biến chứng đáng quan tâm. Và đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ bị nhiễm bệnh này, nếu không điều trị kịp thời có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của cả mẹ và thai nhi.
Xem lại tọa đàm tư vấn “Mẹ bầu tiêm cúm – Thai kỳ vui khỏe” ngay
Trong chương trình toạ đàm tư vấn “MẸ BẦU TIÊM CÚM – THAI KỲ VUI KHOẺ” được phát sóng trực tuyến trên VNExpress ngày 17/10, TS.BS. Lê Quang Thanh – Phó Chủ Tịch Hội Phụ Sản Việt Nam (VAGO), Chủ Tịch Hội Y Học Bà Mẹ Và Thai Nhi TPHCM (HSMFM), Nguyên Giám Đốc Bệnh Viện Từ Dũ – TPHCM cùng PGS. TS. BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có những chia sẻ hữu ích, gần gũi trong việc chủ động phòng bệnh cúm, góp phần bảo vệ cho đối tượng phụ nữ có thai với lợi ích bảo vệ kép cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Tại sao nhiễm cúm lại nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai?
TS.BS. Lê Quang Thanh chia sẻ khi người phụ nữ mang thai, cơ thể có nhiều sự biến đổi, trong đó có sự biến đổi của hệ miễn dịch, khi đó sức đề kháng giảm dễ mắc các bệnh có tính lây nhiễm cao trong đó có cúm mùa. Đặc biệt, khi mang thai nhu cầu năng lượng của người phụ nữ tăng cao để duy trì dinh dưỡng cho thai nhi, trong đó có nhu cầu gia tăng sử dụng khí oxi. Bởi vậy, khi mắc các bệnh gây tổn thương đường hô hấp như nhiễm cúm hay Covid-19, phụ nữ mang thai rất dễ gặp các biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, thở máy, nhập ICU, thậm chí tử vong.
Khi phụ nữ mang thai nhiễm cúm mà không được điều trị kịp thời, không chỉ gây nguy hiểm đến chính bản thân, mà còn có thể ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi và trẻ sơ sinh khi chào đời. Đối với thai nhi có thể gặp phải các biến chứng sẩy thai, sinh non, thai chậm phát triển, hay thai chết lưu. Còn đối với em bé sơ sinh chào đời khi không may nhiễm cúm kèm biến chứng nặng có thể có nguy cơ nhập hồi sức, thở máy, thậm chí có tỉ lệ tử vong cao.
Chính vì vậy, phụ nữ mang thai được xếp vào nhóm có nguy cơ cao nhiễm cúm và gặp phải những biến chứng nặng, không chỉ trực tiếp với mẹ bầu mà còn đối với thai nhi và trẻ sơ sinh khi chào đời.
Làm sao để nhận biết và chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm cúm đúng cách?
PGS. TS. BS Phạm Quang Thái điểm lại những triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus cúm như đau đầu, sổ mũi, hắt hơi liên tục, cơ thể mệt mỏi,… Tuy nhiên, mức độ diễn biễn của bệnh đối với từng đối tượng là khác nhau. Do đó, PGS. Thái cũng nhấn mạnh phụ nữ mang thai khi nhiễm cúm nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác chuyên khoa, đặc biệt không nên tự ý dùng thuốc. Đối với việc chăm sóc người bệnh khi nhiễm cúm, vai trò của dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi là rất quan trọng. Cùng quan điểm với PGS. Thái, TS.BS. Lê Quang Thanh nhấn mạnh nguyên tắc sử dụng đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Nếu không đáp ứng được qua đường ăn uống, mẹ bầu cũng có thể sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung từ các nhà sản xuất uy tín và được khuyến cáo sử dụng từ các hiệp hội chuyên môn.
TS. Lê Quang Thanh cũng đưa ra lời khuyên đối với phụ nữ mang thai không may nhiễm cúm thì nên được chăm sóc và điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được theo dõi và đánh giá cụ thể trong từng trường hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Trong trường hợp bắt buộc phải điều trị bằng thuốc, thì cần phải đánh giá yếu tố lợi ích và nguy cơ và thường được cân nhắc từ nhiều góc độ thông qua quá trình hội chẩn của bác sĩ. Một số nhóm thuốc đã được đánh giá dữ liệu an toàn trong thai kì, có thể được sử dụng để điều trị khi nhiễm cúm như thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc chống dị ứng,..
Xem thêm: Những điều cần biết về tiêm phòng cúm cho mẹ và bé
Vậy có thể phòng tránh nhiễm cúm bằng những biện pháp nào? Và đâu là biện pháp an toàn và hiệu quả dành cho phụ nữ mang thai?
Như vậy đối với các mẹ bầu, các biện pháp phòng bệnh cúm được ưu tiên đặt lên hàng đầu theo PGS. Phạm Quang Thái khái quát, bao gồm 5 giải pháp:
- Giữ vệ sinh, rửa tay
- Hạn chế tụ tập đông người
- Tránh gặp người có dấu hiệu giống nhiễm cúm
- Ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng
- Tiêm vắc xin cúm là phương pháp phòng ngừa rất hiệu quả
Trong đó, tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp được đánh giá là hiệu quả và đặc hiệu được cả 2 chuyên gia đồng thuận khuyến cáo. Việc tiêm phòng cúm khi mang thai không chỉ giúp ngăn ngừa cúm và giảm biến chứng cúm cho bà bầu mà còn ngăn ngừa nguy cơ cho thai nhi và bảo vệ em bé ngay sau khi sinh. Đặc biệt việc tiêm phòng cúm có thể thực hiện ở cả thời điểm trước và trong khi mang thai.
Xem thêm: Chủ động phòng cúm cho phụ nữ có thai
Tiêm vắc xin cúm cho mẹ bầu thì có an toàn không?
Vắc xin cúm đã được trải qua rất nhiều thử nghiệm, đánh giá trên nhiều đối tượng, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có nhóm đối tượng phụ nữ mang thai. TS Thanh chia sẻ với vắc xin bất hoạt tiểu đơn vị, nên mẹ bầu có thể yên tâm tiêm trong bất kì thời điểm nào của thai. Như vậy, việc tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ mang thai là giải pháp toàn diện, chủ động, vừa mang tính an toàn vừa đem lại lợi ích phòng cúm trước tình hình dịch bệnh phức tạp.
Ngoài ra, các thành viên trong các gia đình có phụ nữ mang thai cũng nên được tiêm phòng cúm để cùng tạo ra một hàng rào bảo vệ không chỉ cho mẹ bầu hay thai nhi mà cho chính bản thân. Tiêm phòng cúm cũng đã được khuyến cáo trên các nhóm đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế,…
Trong suốt quá trình diễn ra tọa đàm, TS.BS. Lê Quang Thanh và PGS.BS Phạm Quang Thái đã giải đáp trực tiếp rất nhiều các câu hỏi liên quan đến bệnh cúm và tiêm phòng cúm, đem lại nhiều kiến thức và thông tin hữu ích cho quý vị khán giả, đặc biệt là các mẹ bầu. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm chủ động, trong đó tiêm phòng cúm là giải pháp hữu hiệu giúp bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai và thai nhi.