Tiếp cận nguyên nhân chóng mặt qua các xét nghiệm cần thực hiện
- Ngày cập nhật: 31/8/2024
Chóng mặt là một biểu hiện bất thường, rất thường gặp trong thực tế đời sống con người, đôi khi nó làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Thực tế đây không phải là một bệnh lý riêng biệt mà là triệu chứng báo hiệu nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Đa số trường hợp các nguyên nhân gây chóng mặt không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời ít nhiều có ảnh hưởng tới chất lượng sống hàng ngày. Mặt khác, có những nguyên nhân chóng mặt rất nguy hiểm, mặc dù tỷ lệ gặp thấp hơn như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, hạ đường huyết, hạ huyết áp. Chính vì thế, dù bị chóng mặt kiểu gì thì cũng cần phải được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Như vậy sẽ mang đến hiệu quả điều trị cao và tránh được những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Khi được chẩn đoán chính xác, chóng mặt thường được điều trị hiệu quả.
1. Nguyên nhân gây chóng mặt và cách thức phân biệt
Việc tiếp cận nguyên nhân chóng mặt là rất quan trọng để đem đến hiệu quả điều trị tối ưu. Chính vì vậy, trong thực tế dù chóng mặt như thế nào cũng cần phải xác định được nguyên nhân. Nguyên nhân của chóng mặt bao gồm 2 nhóm chính.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ tổn thương não (còn gọi là chóng mặt do tổn thương trung ương) bao gồm các bệnh lý thường gặp như đột quỵ não, nhiễm trùng não, chấn thương sọ não và các bệnh lý tổn thương não khác. Đây là nguyên nhân nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, cũng như để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Cho nên việc thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán sớm các bệnh này là vô cùng quan trọng.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là do tổn thương hệ thống ốc tai và tiền đình (còn gọi là chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên). Nguyên nhân này thường lành tính hơn, ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn thăng bằng, té ngã dẫn đến các chấn thương ngoài ý muốn. Các nguyên nhân này thường gặp ở các bệnh lý như: chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chiếm hơn 50%, bệnh lý dây thần kinh tiền đình, bệnh lý tai trong và hệ thống ốc tai. Ngoài ra một số thuốc cũng có khả năng gây ra chóng mặt kiểu ngoại biên như thế này, ví dụ như các thuốc chống động kinh, các thuốc điều trị tăng huyết áp, các thuốc điều trị đái tháo đường…
Trong 2 nhóm chóng mặt này thì chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên chiếm hơn 70%. Trên cơ sở đó, cần có những xét nghiệm để tìm và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra chóng mặt.
2. Các xét nghiệm chẩn đoán chóng mặt
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây chóng mặt, chúng tôi sẽ tiến hành thăm khám và làm một số xét nghiệm. Đầu tiên sẽ khám thực thể, kiểm tra tai, mắt, hỏi về tiền sử bệnh, và yêu cầu bạn thực hiện một số động tác đơn giản. Việc này giúp chúng tôi phát hiện bất thường ở tai trong hoặc tiền đình. Đôi khi, chỉ cần khám thực thể cũng có thể hướng đến một nguyên nhân nào đó của chóng mặt, trong đó có đột quỵ não.
Tiếp theo, chúng tôi có thể tiến hành một số nghiệm pháp đơn giản. Ví dụ như nghiệm pháp Romberg, yêu cầu bạn đứng chụm chân với hai tay để hai bên hoặc bắt chéo trước ngực. Bạn sẽ thực hiện động tác này khi mở mắt và nhắm mắt. Nếu bạn mất thăng bằng khi nhắm mắt, có thể chức năng tiền đình của bạn đang có vấn đề.
Một nghiệm pháp khác là Dix-Hallpike. Chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển bạn từ tư thế ngồi sang nằm ngửa, đầu quay 45 độ sang phải. Sau khoảng nửa phút, bạn sẽ trở lại tư thế ngồi và lặp lại động tác tương tự ở bên trái. Nếu cảm thấy chóng mặt xoay tròn trong quá trình này, có khả năng cao bạn đang bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.
Chúng tôi cũng có thể thực hiện nghiệm pháp xoay, di chuyển đầu của bạn nhẹ nhàng từ bên này sang bên kia và quan sát chuyển động của mắt. Có nhiều cách thực hiện, như ngồi trên ghế di chuyển ngang hoặc nhìn vào một vật đứng yên và di chuyển đầu theo các hướng khác nhau.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ kiểm tra thính giác để đánh giá chức năng của dây thần kinh tiền đình – dây thần kinh truyền thông tin âm thanh từ tai trong đến não. Việc này giúp phát hiện các vấn đề về thính giác hoặc tai trong có thể gây ra chóng mặt.
Trong trường hợp các xét nghiệm trên không đủ để xác định nguyên nhân, chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) là cần thiết. MRI thường được sử dụng khi có triệu chứng thần kinh hoặc mất thính lực, trong khi CT giúp phát hiện các vấn đề như gãy xương hoặc mỏng xương quanh tai trong.
Đôi khi, chúng tôi cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm máu, xét nghiệm dị ứng và kiểm tra thị lực. Những xét nghiệm này giúp loại trừ các nguyên nhân gây mất thăng bằng không liên quan đến hệ thống tiền đình. Bạn đừng lo lắng, tất cả các xét nghiệm đều không xâm lấn hay quá phức tạp.
Như vậy, tôi muốn nhắn nhủ rằng để điều trị chóng mặt hiệu quả, việc quan trọng là hiểu rõ nguyên nhân và có chẩn đoán chính xác. Vì vậy, rất mong các bạn hợp tác và cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng của mình. Điều này sẽ giúp chúng tôi có chẩn đoán chính xác hơn và từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp đem đến hiệu quả cao nhất.
Xem thêm:
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: Khi những tinh thể nhỏ gây ra rắc rối lớn
- Tại sao cần tuân thủ điều trị khi bị chóng mặt?
- Các bài tập ngăn ngừa chóng mặt
Tài liệu tham khảo:
1. NHS Inform. Vertigo.October 23, 2023. Accessed February 26, 2024. https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/ears-nose-and-throat/vertigo/
2. Stanton M, Freeman AM. Vertigo. [Updated 2023 Mar 13]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482356/
3. Bösner S, Schwarm S, Grevenrath P, et al. Prevalence, aetiologies and prognosis of the symptom dizziness in primary care – a systematic review. BMC Fam Pract. 2018;19(1):33. Published 2018 Feb 20. doi:10.1186/s12875-017-0695-0
4. NHS. Labyrinthitis and vestibular neuritis. Updated February 17, 2023. Accessed February 26, 2024. https://www.nhs.uk/conditions/labyrinthitis
5. Abbott acare. What factors can trigger vertigo? Accessed February 26, 2024. https://acare.abbott.com/en/what-factors-can-trigger-vertigo/
6. Altissimi G, Colizza A, Cianfrone G, et al. Drugs inducing hearing loss, tinnitus, dizziness and vertigo: an updated guide. Eur Rev Med Pharmacol Sci. 2020;24(15):7946-7952. doi:10.26355/eurrev_202008_22477
7. Turner H, Lavender C, Rea P. Sudden-onset dizziness and vertigo symptoms: assessment and management of vestibular causes. Br J Gen Pract. 2020;70(695):310-311. Published 2020 May 28. doi:10.3399/bjgp20X710369
8. Penn Medicine (University of Pennsylvania). What is Benign Positional Vertigo? Last reviewed July 26, 2021. Accessed February 26, 2024. https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/benign-positional-vertigo