TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ NHỎ DƯỚI 2 TUỔI: KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH (PHẦN 1)
- Ngày cập nhật: 03/01/2025
Mục lục
1.Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, thường gặp nhưng cần cảnh giác
Tại sao tiêu chảy cấp lại nguy hiểm với trẻ dưới 2 tuổi?
Tiêu chảy là một căn bệnh phổ biến và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Ước tính có 4 triệu ca tử vong liên quan đến tiêu chảy xảy ra hàng năm ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới. Tiêu chảy có khả năng gây tử vong cao nhất ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là những trẻ bị suy dinh dưỡng.
Những dấu hiệu cảnh báo mà cha mẹ không nên bỏ qua?
Tiêu chảy có biểu hiện đi cầu phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày. Đối với trẻ đang bú mẹ, bạn sẽ thấy con tiêu nhiều lần hơn bình thường và tăng lượng nước trong phân.
Cùng với tiêu chảy, trẻ thường hay nôn ói, rất hay xảy ra trong 1-2 ngày đầu của bệnh, trẻ có thể nôn từ 1-2 lần đến nôn dữ dội không ăn bú được. Trẻ cũng có thể sốt, đau bụng, phân thay đổi màu sắc, mùi…
Tiêu chảy cấp thường giới hạn trong vòng 14 ngày.
2.Giải mã thông điệp từ tã của bé
Màu, mùi và dạng phân của trẻ nói lên điều gì?
Phân của trẻ có thể có một số thay đổi về màu sắc và mùi. Ví dụ như phân có nhầy, máu thường gặp do nhiễm trùng; phân trắng đục như nước vo gạo gặp trong bệnh tả, hay phân có mùi chua do bất dung nạp lactose…
Khi nào cần đưa bé đến bác sĩ ngay?
Cần đưa trẻ khám ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau:
- Đi tiêu rất nhiều lần phân lỏng > 2 lần/giờ.
- Ói tất cả mọi thứ sau ăn.
- Trở nên rất khát.
- Ăn uống kém hoặc bỏ bú.
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.
- Sốt cao hơn.
- Có máu trong phân.
- Co giật, hoặc li bì, vật vã, kích thích.
- Tiểu ít.
- Sụt cân
3.“Kẻ tấn công vô hình” gây tiêu chảy
Những nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ?
Tiêu chảy cấp ở trẻ thường do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là nhiễm trùng đường ruột do siêu vi, cụ thể như:
Nhóm do virus, đây là nguyên nhân thường gặp nhất, đặc biệt là Rotavirus – loại virus mà các ba mẹ hay nghe nhắc đến. Ngoài ra còn có một số virus khác cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ.
Nhóm do vi trùng, có thể do bé ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc uống phải nước bị ô nhiễm.
Nhóm do ký sinh trùng thì thường liên quan đến vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, con có thể bị tiêu chảy khi đang mắc các bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm não màng não, bệnh tay chân miệng, sởi… Đôi khi cũng có thể do dị ứng với thức ăn mới, hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Làm thế nào để bảo vệ bé khỏi vi khuẩn, virus gây bệnh?
Để bảo vệ đường tiêu hóa cho trẻ, tôi khuyên các phụ huynh nên:
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi
- Cho trẻ chủng ngừa đủ, đặc biệt là vaccin ngừa Rota virus, sởi, lao
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp tuổi, cân bằng
- Rửa tay thường xuyên trước khi chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn; sau khi vệ sinh trẻ.
- Lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng; không sử dụng thức ăn đã thay đồi màu sắc, mùi vị
- Sử dụng hố xí và xử lý phân an toàn
Xem thêm: