TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ NHỎ DƯỚI 2 TUỔI: KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH (PHẦN 4) 

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Thủy
Chuyên gia viết bài: BSCKII. Nguyễn Thị Thu Thủy
P.Trưởng khoa Tiêu hóa bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh
  • Ngày cập nhật: 03/01/2025

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế về trường hợp tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 2 tuổi:

Một bé trai 18 tháng tuổi được mẹ đưa đến phòng khám vì tiêu chảy hơn 10 lần/ ngày. Vào đêm hôm trước, mẹ cho bé ăn cháo mua sẵn, đến giữa đêm thì bé bắt đầu quấy, sốt nhẹ, ói nhiều. Sau 5-6 lần nôn bé bắt đầu tiêu phân lỏng toàn nước, tanh. Mẹ cho bé ngưng uống sữa, ăn cháo trắng loãng nhưng tình trạng không cải thiện. Bé nhập viện trong tình trạng lừ đừ, bụng chướng, mắt trũng. Các xét nghiệm cho thấy bé hạ đường trong máu, chức năng thận ảnh hưởng, các chỉ số nhiễm trùng tăng, xét nghiệm phân cho thấy có tình trạng nhiễm trùng đường ruột. Sau 4 giờ truyền dịch, bé trở nên tỉnh táo hơn, uống được nước điện giải, có thể uống sữa và tiếp nhận một vài loại thuốc hỗ trợ như kẽm, racecadotril, men vi sinh.

kinh nghiệm thực tế về trường hợp tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 2 tuổi

Bà mẹ rất lo lắng và không hiểu tại sao con đã uống vắc xin phòng tiêu chảy mà vẫn mắc bệnh, và không biết có nên cho con tiếp tục uống sữa, ăn cháo hay không?

Bài học quý giá cho các bậc phụ huynh:

Vắc xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus, là nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, tiêu chảy còn những nguyên nhân khác, đặc biệt là nhiễm khuẩn từ thức ăn. Do đó, dù đã cho con uống vắc xin ngừa tiêu chảy, vẫn phải tuân thủ việc giữ vệ sinh, an toàn thực phẩm cho trẻ.

Nên chế biến thức ăn cho trẻ tại nhà, lựa chọn nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạng sử dụng. Nên cho trẻ ăn đồ nấu chín, ăn ngay sau khi chế biến.

Khi trẻ tiêu chảy vẫn tiếp tục cho trẻ uống sữa, thức ăn mềm, giảm dầu mỡ và chất xơ, chia nhỏ bữa ăn, cho bé ăn chậm nhằm bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, giúp đường ruột nhanh chóng phục hồi và tránh nguy cơ suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.

Bài học quý giá cho các bậc phụ huynh

Tiêu chảy là nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng do lượng thức ăn nạp vào thấp trong thời gian bị bệnh, giảm hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột và tăng nhu cầu dinh dưỡng do nhiễm trùng. Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng thức ăn nạp vào trong thời gian bị tiêu chảy bao gồm chán ăn, nôn mửa và sai lầm trong nuôi dưỡng khi trẻ tiêu chảy là cho trẻ nhịn ăn hoặc pha loãng thức ăn. 

Mỗi đợt tiêu chảy đều có thể gây sụt cân. Nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng tăng lên khi các đợt tái phát kéo dài, đặc biệt là ở trẻ nhỏ vốn đã nhẹ cân. Tiêu chảy ở trẻ suy dinh dưỡng thường nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn và có thể xảy ra thường xuyên hơn so với trẻ được nuôi dưỡng tốt. Do đó, sự tương tác giữa tiêu chảy và suy dinh dưỡng tạo ra một vòng luẩn quẩn, nếu không được ngăn chặn, có thể dẫn đến tử vong ở trẻ do suy dinh dưỡng, tiêu chảy hoặc một bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như viêm phổi.

Sữa mẹ là nguồn thực phẩm sạch sẵn có, chứa nhiều kháng thể. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó duy trì đến 2 tuổi. Bé cần được cho ăn cân bằng, đầy đủ các nhóm bột đường, đạm, chất béo, chất xơ. Nguồn thực phẩm cần được lựa chọn an toàn và đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến và bảo quản. Các bà mẹ nên ăn nhiều thức ăn hơn bình thường trong thời gian mang thai và cho con bú.

Chủng ngừa đầy đủ cho trẻ không chỉ vắc xin ngừa tiêu chảy. Trẻ em nên được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi ở độ tuổi khuyến cáo. Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và lao cũng rất quan trọng.

Xem thêm:

VTM1341013 (v1.0)