Tìm hiểu thêm về thuốc trợ vận động dạ dày trong điều trị khó tiêu 

Bác Sĩ Võ Duy Thông
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Võ Duy Thông
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM / Giảng viên cao cấp – Bộ môn Nội Tổng quát, Khoa Y, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  • Ngày cập nhật: 17/6/2024

Hiện nay, có nhiều loại thuốc có thể giúp giảm đầy bụng và khó tiêu, với các cơ chế hoạt động khác nhau, ví dụ như thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng H2, thuốc trợ vận động, thuốc chứa enzyme tiêu hóa, thuốc chống đầy hơi… Trong số đó, a:care Việt Nam muốn chia sẻ thêm với các bạn đọc những thông tin, kiến thức về nhóm thuốc trợ vận động dạ dày

1. Thuốc trợ vận động dạ dày là gì và hoạt động như thế nào?

Thuốc trợ vận động dạ dày, còn được gọi là thuốc tăng cường nhu động đường tiêu hóa, là các loại thuốc giúp cải thiện hoạt động co bóp và di chuyển của dạ dày và ruột, thường được sử dụng để điều trị các tình trạng liên quan đến chậm tiêu hóa hoặc nhu động ruột kém, chẳng hạn như đầy bụng, khó tiêu, và trào ngược dạ dày-thực quản. Các thuốc trợ vận động dạ dày đang được sử dụng hiện nay như: itopride, mosapride, domperidone.

thuốc trợ vận động dạ dày là gì và hoạt động như thế nào

Thuốc trợ vận động dạ dày giúp thức ăn và khí di chuyển qua hệ tiêu hóa nhanh hơn, giảm tình trạng ứ đọng thức ăn trong dạ dày và ruột, từ đó giảm cảm giác đầy bụng và khó tiêu. Một số thuốc giúp tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, giảm nguy cơ trào ngược dạ dày-thực quản và đầy bụng. Nhờ tăng cường nhu động dạ dày và ruột, các thuốc này cũng giúp giảm buồn nôn và nôn do thức ăn ứ đọng.

2. Uống thuốc trợ vận động dạ dày bao lâu thì thấy hiệu quả?

Thời gian để thấy hiệu quả khi uống thuốc trợ vận động dạ dày, có thể khác nhau tùy vào từng cá nhân và tình trạng bệnh. Thông thường, bạn có thể bắt đầu thấy cải thiện sau vài ngày đến một tuần sử dụng thuốc. Để đạt hiệu quả tối ưu, cần kiên trì dùng thuốc liên tục trong vài tuần, thường là 4-8 tuần sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt. Điều quan trọng là bạn cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

PGS.TS.BS Võ Duy Thông
PGS.TS.BS Võ Duy Thông

3. Trẻ em và người lớn tuổi có thể dùng thuốc trợ vận động dạ dày không?

Trẻ em và người lớn tuổi có thể dùng thuốc trợ vận động dạ dày, nhưng cần lưu ý liều lượng, chỉ định và theo dõi y tế.

Với trẻ em, phải có chỉ định từ bác sĩ, vì một số thuốc không phù hợp cho trẻ nhỏ. Người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh lý nền và dùng nhiều loại thuốc, nên cần đánh giá cẩn thận trước khi dùng thuốc trợ vận động để tránh tương tác thuốc và tác dụng phụ.

4. Thuốc trợ vận động dạ dày có tương tác với thuốc nào không?

Bạn cũng cần lưu ý rằng các thuốc trợ vận động dạ dày có thể tương tác với một số thuốc khác, làm thay đổi hiệu quả hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ. Do đó, hãy cho bác sĩ điều trị biết bạn đang dùng thuốc gì để cùng tìm ra lựa chọn phù hợp.

Ví dụ, thuốc trợ vận động dạ dày có thể tương tác với thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng acid, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc tim mạch, thuốc điều trị Parkinson…  

Đối với thuốc trợ vận động dạ dày itopride, vì được chuyển hóa qua một hệ men riêng biệt tại gan nên nhìn chung sẽ có ít tương tác thuốc hơn so với các thuốc khác cùng nhóm. 

thuốc trợ vận động dạ dày có tương tác với thuốc nào không

5. Tác dụng phụ có thể gặp của một số loại thuốc trợ vận động dạ dày?

Một số thuốc trợ vận động dạ dày có thể gây ra tác dụng phụ chẳng hạn đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt…

Tác dụng phụ ít phổ biến nhưng nghiêm trọng có thể kể đến như:

Ảnh hưởng đến tim mạch: Domperidone và một số thuốc khác có thể gây ra các vấn đề về tim mạch như loạn nhịp tim, đặc biệt ở liều cao hoặc ở những người có nguy cơ cao.

Rối loạn nội tiết: Domperidone có thể gây ra tăng mức prolactin, dẫn đến các vấn đề như tiết sữa bất thường ở cả nam và nữ, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, và giảm ham muốn tình dục.

Tác dụng phụ có thể gặp của một số loại thuốc trợ vận động dạ dày

Do vậy, hãy thông báo cho bác sĩ về các điều kiện sức khỏe hiện tại của bạn và các loại thuốc, cũng như thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng để bác sĩ có thể chọn được loại thuốc phù hợp nhất. Lưu ý rằng việc sử dụng thuốc luôn cần theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

[1] Mushiroda T, Douya R, Takahara E, Nagata O. The involvement of flavin-containing monooxygenase but not CYP3A4 in metabolism of itopride hydrochloride, a gastroprokinetic agent: comparison with cisapride and mosapride citrate. Drug Metab Dispos. 2000;28(10):1231-1237.

[2] Theo thông tin kê toa sản phẩm Itopride 

[3] Domperidone: Uses, Dosage, Side Effects, Warnings. Drugs.com. https://www.drugs.com/domperidone.html

[4] Domperidone. PubMed. Published 2006. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK501371/

VTM1318638 (v1.2)