Trào ngược họng thanh quản và khó tiêu chức năng có mối liên hệ như thế nào?
- Ngày cập nhật: 29/3/2024
Mục lục
1. Trào ngược họng thanh quản là gì?
Trào ngược họng thanh quản là tình trạng trào ngược dịch từ dạ dày lên vùng họng – thanh quản, và gây ra các triệu chứng bệnh lý. Triệu chứng trào ngược họng thanh quản rất đa dạng, đôi khi có thể nhầm với triệu chứng của các chuyên khoa khác như hô hấp, tim mạch.
Tại Việt Nam, trào ngược họng thanh quản cũng là bệnh lý phổ biến
2. Trào ngược họng thanh quản và mối liên quan với khó tiêu chức năng
Trong cơ thể chúng ta, các cơ thắt thực quản trên và dưới giúp ngăn cản thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, và thanh quản. Nếu các cơ thắt này hoạt động không hiệu quả thì tình trạng trào ngược có thể xuất hiện.
Ngoài nguyên nhân cơ thắt thực quản thì chậm làm trống dạ dày cũng là một nguyên nhân gây ra trào ngược họng thanh quản. Chậm làm trống dạ dày còn gây ra chứng khó tiêu chức năng.
Như vậy trào ngược họng thanh quản và khó tiêu chức năng có thể có cùng nguyên nhân do chậm làm trống dạ dày, điều này lý giải tại sao những người bị trào ngược họng thanh quản thường có triệu chứng khó tiêu đi kèm.
3. Triệu chứng trào ngược họng thanh quản?
Triệu chứng thường gặp nhất của trào ngược họng thanh quản là đằng hắng nhiều, ho, khàn tiếng và cảm giác vướng họng kéo dài. Các triệu chứng thường xuất hiện vào buổi sáng, có thể cải thiện trong ngày và tăng nhiều về đêm.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Ợ nóng, khó tiêu,
- Nóng rát, đau ngực, ợ hơi, ợ chua
- Nhiều dịch nhầy họng hoặc chảy mũi sau
- Nuốt khó thức ăn, dịch
- Cảm giác khó thở
Như vậy, bệnh trào ngược họng thanh quản cũng thường có triệu chứng khó tiêu đi kèm như đã giải thích ở trên.
4. Ai dễ mắc bệnh trào ngược họng thanh quản?
Một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ bị trào ngược họng thanh quản như:
- Hút thuốc
- Uống caffeine hàng ngày
- Uống nhiều thức uống có ga
- Uống nhiều rượu
- Ăn nhiều gia vị
- Nằm xuống chưa đầy hai giờ sau bữa ăn
- Tuổi cao
- GERD
- Sử dụng giọng nói nhiều
5. Lời khuyên cho người có trào ngược họng thanh quản
Điều chúng tôi muốn mọi người lưu ý là lối sống và chế độ ăn uống ảnh hưởng nhiều tới trào ngược họng thanh quản. Một lối sống và chế độ ăn phù hợp có thể giúp cải thiện và phòng ngừa trào ngược họng thanh quản, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn: cố gắng giảm lượng đường, dầu mỡ, chất kích thích, đồ có ga, có cồn trong khẩu phần ăn; nhớ ăn uống đúng giờ, tránh ăn quá muộn
- Chế độ sinh hoạt: giảm bớt căng thẳng, tránh thức quá khuya
- Chế độ nghỉ ngơi: nằm đầu cao, tránh nằm ngay sau khi ăn
- Hạn chế nói to, nói nhanh và nói nhiều trong thời gian dài
- Vệ sinh họng miệng hàng ngày.
Xem thêm:
- Lợi ích của phối hợp thuốc trong điều trị trào ngược họng thanh quản
- Khó tiêu chức năng được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
- Phương pháp điều trị đồng mắc trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu chức năng
Tài liệu tham khảo:
[1] Joel H. Blumin, N.J., Bailey’ Head and Neck Surgery – Otolaryngology 5th. Chapter 66 Laryngopharyngeal Reflux. Vol. Volume I. 2013: Lippincott Williams & Wilkins
[2] Anagha A Joshi1, et al., Laryngopharyngeal Reflux. International Journal of Head and Neck Surgery (2022): 10.5005/jp-journals-10001-1519
[3] Lechien, J.R., et al. , Prevalence and Features of Laryngopharyngeal Reflux in Patients with Primary Burning Mouth Syndrome. 2021. 131(10): p.E2627-E2633.
[4] Alotaibi FZ, Alanazi MM, Alshaibani SK, et al. Prevalence and Risk Factors of Laryngopharyngeal Reflux in Patients Attending an Outpatient Otolaryngology Clinic: A Cross-sectional Study. Journal of Nature and Science of Medicine. 2023;6(4):210. doi:10.4103/jnsm.jnsm_143_22
[5] Massawe WA, Nkya A, Abraham ZS, et al. Laryngopharyngeal reflux disease, prevalence and clinical characteristics in ENT department of a tertiary hospital Tanzania. World Journal of Otorhinolaryngology – Head and Neck Surgery. 2021;7(1):28-33. doi:10.1016/j.wjorl.2020.04.009
[6] Spantideas N, Drosou E, Bougea A, Assimakopoulos D. Laryngopharyngeal reflux disease in the Greek general population, prevalence and risk factors. BMC Ear, Nose and Throat Disorders. 2015;15(1). doi:10.1186/s12901-015-0020-2