Trẻ bị táo bón lâu ngày, phải làm sao?
Mục lục
Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, xảy ra khi trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần, phân cứng to hay vón cục và phải rặn nhiều khi đi tiêu. Tuy không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng táo bón kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Vậy trẻ bị táo bón lâu ngày phải làm sao? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của a:care Việt Nam!
Trẻ bị táo bón ở độ tuổi nào?
Táo bón lâu ngày có thể gặp ở mọi độ tuổi của bé. Điển hình như:
Trẻ bị táo bón khi bắt đầu ăn dặm
Trẻ nhỏ thường bị táo bón khi chuyển từ sữa công thức hoặc sữa mẹ sang các thức ăn đặc. Triệu chứng chính của táo bón là phân cứng và khô. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như:
- Trẻ có dấu hiệu căng thẳng khi cố gắng đi đại tiện
- Trẻ khó chịu, cáu kỉnh, quấy khóc
- Trẻ ăn/bú kém hơn bình thường
- Xuất hiện vết rách/nứt hoặc chảy máu ở vùng da xung quanh hậu môn
Trẻ bị táo bón ở giai đoạn tập ngồi bô
Quá trình học cách sử dụng bồn cầu có thể gây tình trạng táo bón do trẻ cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Điều này khiến cho trẻ nhịn đi tiêu, trẻ càng nhịn lâu thì phân nằm trong đại tràng sẽ càng bị tái hấp thụ lại nước khiến cho việc đi đại tiện trở nên khó khăn hơn.
Khi phân tiếp tục tích tụ, các cơ trơn của ruột sẽ căng ra và không còn co bóp hiệu quả như trước dẫn đến tình trạng trẻ bị táo bón lâu ngày không đi được. Theo thời gian, cảm nhận của thành trực tràng với sự có mặt của khối phân sẽ giảm, khiến trẻ mất dần cảm giác muốn đi đại tiện.
Giai đoạn bé bắt đầu đến trường
Trẻ bị táo bón vào giai đoạn bắt đầu đến trường nguyên nhân đến từ việc bé phớt lờ cảm giác muốn đi vệ sinh do không muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng, không muốn gián đoạn thời gian chơi hay phải xin phép người lớn đi vệ sinh. Bên cạnh đó, sự căng thẳng cũng có thể gây ra táo bón, và việc phải bắt đầu đi học ở một trường mới cũng có thể gây căng thẳng cho trẻ.
Hậu quả khi trẻ bị táo bón lâu ngày
Táo bón lâu ngày không những gây khó chịu cho trẻ em mà còn dẫn đến nhiều hậu quả như:
Táo bón gây ảnh hưởng tâm lý
Táo bón không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần. Các nghiên cứu đã chỉ ra trẻ táo bón lâu ngày dễ gặp phải các vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ hơn so với trẻ bình thường.
Chán ăn, chậm phát triển do táo bón
Trẻ bị táo bón lâu ngày có thể gây ra tình trạng phân cứng, vón cục. Trẻ sẽ cảm thấy chướng bụng, mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn nhanh no hơn. Bị táo bón lâu ngày còn khiến cho trẻ mệt mỏi, tình trạng này thường kéo dài dai dẳng và không có nguyên nhân. Điều này gián tiếp gây nên cảm giác chán ăn, chậm phát triển ở người mắc táo bón.
Táo bón gây nứt hậu môn
Nứt hậu môn là một trong những vấn đề phổ biến ở trẻ em. Táo bón làm cho phân cứng, vón cục là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nứt hậu môn ở trẻ.
Các triệu chứng điển hình của nứt hậu môn có thể thấy như:
- Xuất hiện vết rách ở vùng da xung quanh hậu môn
- Cảm giác đau nhói ở vùng hậu môn khi đi tiêu
- Xuất hiện máu trên phân hoặc trên giấy vệ sinh sau khi đi tiêu.
Táo bón gây phình đại tràng, són phân
Hầu hết các trường hợp, bé bị táo bón lâu ngày có thể gây ra tình trạng phình đại tràng, són phân. Khi trẻ bị táo bón, trẻ sẽ đi đại tiện ít hơn bình thường, phân bị ứ lại ở trực tràng và ruột già (đại tràng) dẫn tới tình trạng phình đại tràng. Trực tràng và ruột bị to ra do phân cứng.
Khi khối lượng phân ứ đọng quá lớn và bị mắc kẹt trong ruột, những khối phân mềm và lỏng hơn có thể rỉ ra từ hậu môn dẫn đến tình trạng són phân.
Phương pháp không dùng thuốc giúp trẻ khỏi táo bón lâu ngày
Để ngăn ngừa trẻ nhỏ táo bón bị lâu ngày, ba mẹ có thể áp dụng một số phương pháp không dùng thuốc dưới đây:
Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ
Một chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp làm mềm phân. Các thực phẩm giàu chất xơ cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ như trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì nguyên cám. Nếu bé không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, hãy bắt đầu bằng cách chỉ bổ sung một số lượng nhỏ chất xơ mỗi ngày để ngăn ngừa đầy hơi và chướng bụng.
Lượng chất xơ được khuyên dùng trong chế độ ăn cho trẻ là 14 gam cho mỗi 1.000 calo.
Uống đủ nước hàng ngày theo từng độ tuổi
Thiếu nước là nguyên nhân góp phần gây táo bón ở trẻ. Nếu bé không uống đủ nước, phân sẽ trở nên cứng, vón cục trước khi tới đại tràng và có thể gây ra cảm giác đau lúc đại tiện.
Lưu ý: Uống nước lọc sẽ tốt hơn nước trái cây, soda, sữa hoặc các đồ uống khác.
Tập thói quen đi vệ sinh hàng ngày cho trẻ
Thay đổi thói quen đi vệ sinh hàng ngày cho trẻ là biện pháp hữu ích giúp cải thiện tình trạng bé bị táo bón lâu ngày. Ba mẹ nên khuyến khích trẻ đi vệ sinh từ 5 đến 10 phút sau bữa ăn và động viên khi trẻ tiến bộ trong việc tập đi vệ sinh.
Đi vệ sinh vào một thời điểm nhất định sẽ giúp bé rèn luyện phản xạ có điều kiện. Việc làm này giúp rèn luyện lại đường tiêu hóa, thiết lập thói quen đi vệ sinh và khuyến khích các bé đi vệ sinh đều đặn hơn.
Thay đổi sữa cho trẻ
Dùng sữa ngoài quá sớm cũng là một nguyên nhân bị táo bón ở trẻ. Sữa công thức có rất nhiều thành phần protein nên sẽ dễ gây táo bón ở trẻ. Trong khi sữa mẹ có thành phần cân bằng chất béo, protein, chất xơ giúp phân của trẻ luôn mềm nên trẻ bú sữa mẹ ít có nguy cơ mắc táo bón hơn. Mẹ có thể tiến hành đổi sữa cho con sang những sản phẩm chứa hàm lượng lớn các loại đạm dễ tiêu hóa, chất xơ,… Những chất này giúp làm mềm phân cho bé và làm trơn đường ruột để con dễ đi ngoài hơn.
Khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn và xoa bụng cho trẻ
Cũng như người lớn, tập thể dục và vận động có xu hướng kích thích ruột của trẻ. Tuy nhiên, vì trẻ có thể chưa biết đi hoặc bò nên cha mẹ có thể giúp trẻ tập thể dục để giúp ruột hoạt động tốt hơn và giảm táo bón. Đặt bé ở tư thế nằm ngửa, nhẹ nhàng di chuyển chân của bé lên và xuống nhịp nhàng.
Đối với trẻ đã biết đi, cha mẹ nên cho bé ra ngoài hoạt động ít nhất 30 – 60 phút mỗi ngày. Vận động cơ thể sẽ giúp ruột hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, bạn có thể giảm táo bón ở trẻ bằng cách massage bụng:
- Dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng xoa theo hình vòng tròn trên bụng theo chiều kim đồng hồ.
- Di chuyển nhẹ nhàng các ngón tay quanh rốn theo chiều kim đồng hồ
- Vuốt từ khung xương sườn xuống qua rốn bằng mép ngón tay.
Trẻ bị táo bón lâu ngày là vấn đề khiến nhiều cha mẹ lo lắng, do đó, việc trang bị kiến thức đầy đủ về cách xử lý và phòng bệnh là việc làm hết sức cần thiết của các bậc phụ huynh để giúp bé mình khỏe mạnh và phát triển một cách toàn diện nhất. Hy vọng bài viết a:care Việt Nam chia sẻ trên đây đã giúp cha mẹ có thêm kiến thức và các phương pháp điều trị khi trẻ bị táo bón lâu ngày hiệu quả.
Xem thêm:
- Táo bón chức năng ở trẻ em: Những điều ba mẹ cần biết
- Những nguyên tắc cần lưu ý khi điều trị táo bón cho trẻ
Tài liệu tham khảo:
1. What to do if your child is constipated Available at: https://www.health.harvard.edu/blog/what-to-do-if-your-child-is-constipated-2019030516136.
2. Constipation in children Available at: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/constipation-in-children/symptoms-causes/syc-20354242
3. How to Tell If Your Child Is Constipated and How to Treat It Available at: https://www.healthline.com/health/constipation-in-kids
4. Toddler Constipationb Available at:
https://www.webmd.com/children/toddler-constipation-causes-treatments
5. The best home remedies for baby constipation Available at:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/324543
6. Constipation in Children Available at:
https://www.msdmanuals.com/home/children-s-health-issues/symptoms-in-infants-and-children/constipation-in-children.
7. Encopresis Available at:
https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=encopresis-90-P01992
8. Anal Fissure Available at:
https://www.healthline.com/health/anal-fissure
9. What Causes Constipation and Fatigue? Available at:
https://www.healthline.com/health/digestive-health/constipation-and-fatigue
10. What causes chronic constipation in children?
Available at:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/chronic-constipation-in-children
11. What to know about potty training and constipation Available at:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/potty-training-constipation