Trẻ bị táo bón mạn: thắc mắc của phụ huynh và giải đáp từ chuyên gia (Phần 2)
- Ngày cập nhật: 29/11/2024
Mục lục
- Nên cho trẻ uống thuốc trị táo bón loại nào và như thế nào?
- Táo bón có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên không?
- Táo bón có liên quan đến stress hoặc các vấn đề tâm lý không?
- Con tôi bị nứt hậu môn do táo bón. Có cách nào giúp bé nhanh lành không?
- Có phải trẻ bị táo bón thường hay bị đái dầm không?
- Có những dấu hiệu nào cần đặc biệt chú ý khi trẻ bị táo bón?
- Liệu táo bón có phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng hơn?
1. Nên cho trẻ uống thuốc trị táo bón loại nào và như thế nào?
Điều trị táo bón ở trẻ em qua hai giai đoạn chính: tháo xổ phân và điều trị duy trì.
Giai đoạn đầu, tháo phân, tập trung vào việc xử lý tình trạng ứ đọng phân bằng cách sử dụng thuốc trị táo bón hoặc bơm thụt hậu môn để loại bỏ khối phân cứng. Sau khi đã tháo xổ phân, giai đoạn điều trị duy trì nhằm tạo thói quen đi tiêu bình thường với phân loại 3-4 theo thang phân Bristol (hình minh họa).
Điều trị duy trì bao gồm việc thay đổi chế độ ăn tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, đảm bảo trẻ uống đủ nước, khuyến khích hoạt động thể chất, và tạo thói quen đi vệ sinh lành mạnh, đồng thời kết hợp sử dụng thuốc trị táo bón.
Hiện nay, có một số loại thuốc điều trị táo bón phổ biến dành cho trẻ em, bao gồm các thuốc có cơ chế hút giữ nước để làm mềm phân như lactulose, sorbitol, và polyethylene glycol 3350, cùng với thuốc nhuận trường kích thích như bisacodyl. Những loại thuốc này giúp làm mềm phân và kích thích nhu động ruột, tạo điều kiện cho phân di chuyển dễ dàng hơn. Đặc biệt, lactulose không chỉ giúp làm mềm phân mà còn có thể thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc trị táo bón cho trẻ và cách sử dụng như thế nào cần phải được tư vấn bởi bác sĩ, dược sĩ. Mỗi loại thuốc có thành phần, liều lượng, độ tuổi sử dụng và cách dùng khác nhau, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc.
2. Táo bón có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên không?
Táo bón ở trẻ em thường có thể cải thiện khi trẻ lớn lên, đặc biệt khi hệ tiêu hóa phát triển hoàn thiện và thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày ổn định hơn. Khi trẻ dần nhận thức được nhu cầu cơ thể và duy trì thói quen đi vệ sinh đều đặn, kết hợp với chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng, tình trạng táo bón sẽ được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý không được chủ quan và “chờ cho trẻ tự khỏi” vì táo bón kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng như nứt hậu môn, trĩ, và giãn đại tràng và có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Nếu tình trạng táo bón kéo dài, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời.
3. Táo bón có liên quan đến stress hoặc các vấn đề tâm lý không?
Câu trả lời là có, táo bón có thể liên quan đến stress hoặc các vấn đề tâm lý ở trẻ. Khi trẻ căng thẳng, lo lắng hoặc chịu áp lực, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone căng thẳng, khiến não gửi tín hiệu đến ruột thông qua trục não-ruột, làm giảm nhu động ruột và gây ra táo bón.
Stress cũng có thể làm thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, như ăn ít hơn, thiếu vận động, khiến táo bón trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài. Một số trẻ có tâm lý nhịn đi tiêu vì sợ đau do nứt hậu môn, hoặc do môi trường nhà vệ sinh dơ, dẫn đến ứ đọng phân cứng, lâu dần hình thành táo bón.
4. Con tôi bị nứt hậu môn do táo bón. Có cách nào giúp bé nhanh lành không?
Nứt hậu môn rất thường gặp ở trẻ bị táo bón nhưng có thể giải quyết được. Nứt hậu môn làm trẻ đi tiêu đau và khiến tình trạng táo bón khó kiểm soát hơn.
Để giúp bé nhanh lành, phụ huynh có thể bôi kem dưỡng ẩm hoặc vaseline theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau và thúc đẩy quá trình hồi phục vùng da bị nứt. Khuyến khích bé đi vệ sinh đúng giờ, không nhịn tiêu, và ngồi đúng tư thế thoải mái. Giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách lau nhẹ nhàng hậu môn bằng nước ấm sau mỗi lần đi tiêu.
Quan trọng hơn, táo bón cần được điều trị bằng cách cho trẻ uống đủ nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây và ngũ cốc để làm mềm phân và ngăn ngừa tái phát. Nếu tình trạng kéo dài, phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn chi tiết.
5. Có phải trẻ bị táo bón thường hay bị đái dầm không?
Về mối liên hệ giữa táo bón và đái dầm, trẻ bị táo bón có thể gặp phải tình trạng đái dầm. Khi khối phân to và cứng ứ đọng trong ruột, nó có thể chèn ép lên bàng quang, dẫn đến tăng áp lực và kích thích trẻ đi tiểu thường xuyên hơn, gây ra hiện tượng đái dầm vào ban đêm. Việc điều trị táo bón hiệu quả có thể cải thiện tình trạng này. Nếu tình trạng đái dầm kéo dài, trong khi táo bón đã được kiểm soát tốt, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được đánh giá tổng thể và điều trị phù hợp.
6. Có những dấu hiệu nào cần đặc biệt chú ý khi trẻ bị táo bón?
Thông thường, khi bị táo bón, trẻ sẽ có những cơn đau bụng từng cơn, quấy khóc và khó chịu. Các cơn đau này thường giảm bớt sau khi trẻ đi tiêu được. Đôi khi, phụ huynh có thể thấy máu lẫn trong phân của trẻ – điều này thường do nứt kẽ hậu môn gây ra. Trẻ có xu hướng nhịn đi tiêu vì sợ đau, điều này càng làm tình trạng táo bón trầm trọng hơn. Một số trẻ có thể biểu hiện biếng ăn, kém hấp thu dinh dưỡng, thậm chí, trong trường hợp nặng trẻ có thể són ít phân lỏng nhưng vẫn không thể đẩy khối phân cứng ra ngoài.
7. Liệu táo bón có phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng hơn?
Táo bón có thể là dấu hiệu của các bệnh lý thực thể, chẳng hạn như bất thường ở ruột (hậu môn lạc chỗ, tắc ruột), bệnh lý thần kinh cơ (bệnh Hirschsprung, thoát vị tủy-màng tủy, u sợi thần kinh), hoặc rối loạn chuyển hóa và nội tiết (ngộ độc vitamin D, suy giáp, đái tháo đường, u tủy thượng thận).
Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý nghiêm trọng liên quan táo bón, phụ huynh hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay khi trẻ có những dấu hiệu như: đau bụng dữ dội, bụng chướng căng nhiều, đi tiêu ra máu không do nứt hậu môn, hoặc són phân không kiểm soát được.
Nếu táo bón xảy ra đột ngột kèm theo sốt và nôn ói, hoặc táo bón xảy ra ở trẻ dưới 1 tháng tuổi, chậm tiêu phân su sau 48 giờ sau sinh, táo bón ảnh hưởng đến sự tăng trưởng thể chất của trẻ (sụt cân, suy dinh dưỡng) cũng là những dấu hiệu trẻ cần được thăm khám ngay.
Xem thêm:
- Trẻ bị táo bón mạn: thắc mắc của phụ huynh và giải đáp từ chuyên gia (Phần 1)
- Trẻ bị táo bón lâu ngày, phải làm sao?
- Cải thiện táo bón ở trẻ bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Koppen IJ, Lammers LA, Benninga MA, Tabbers MM. Management of Functional Constipation in Children: Therapy in Practice. Paediatr Drugs. 2015 Oct;17(5):349-60. doi: 10.1007/s40272-015-0142-4. PMID: 26259965; PMCID: PMC4768242.
2.Mulhem, E., Khondoker, F., & Kandiah, S. (2022). Constipation in Children and Adolescents: Evaluation and Treatment. American Family Physician, 105(5), 469-478
3.Tabbers MM, DiLorenzo C, Berger MY, Faure C, Langendam MW, Nurko S, et al. Evaluation and Treatment of Functional Constipation in Infants and Children: Evidence-Based Recommendations From ESPGHAN and NASPGHAN. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2014;58(2):258-74