Trẻ bị tiêu chảy cấp: mẹ phải làm gì để bé nhanh khỏi?
- Ngày cập nhật: 12/10/2023
Mục lục
- Dịch tễ tiêu chảy cấp và tỷ lệ tử vong liên quan đến tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 5 tuổi
- Dấu hiệu nhận biết một trẻ bị tiêu chảy cấp
- Căn nguyên gây bệnh
- Tại sao cha mẹ không được chủ quan khi trẻ bị tiêu chảy cấp
- Biện pháp điều trị tiêu chảy cấp
- Các thuốc điều trị tiêu chảy
- Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp
- Phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ
1. Dịch tễ tiêu chảy cấp và tỷ lệ tử vong liên quan đến tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 5 tuổi
Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần/ngày. Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy khởi đầu cấp tính và kéo dài dưới 2 tuần.
Tiêu chảy cấp có tỷ lệ mắc và tử vong cao đứng hàng thứ hai sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ lượt trẻ dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy và 1,5 triệu trẻ chết vì bệnh này, trong đó 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
2. Dấu hiệu nhận biết một trẻ bị tiêu chảy cấp
Các triệu chứng tiêu hóa thường là những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khi khởi phát tiêu chảy. Trẻ đi ngoài phân lỏng, nhiều nước, có thể có nhầy, mùi chua, nhiều lần trong ngày, có thể lên tới 10-15 lần/ngày. Trường hợp tiêu chảy do căn nguyên vi khuẩn, trẻ có thể đi ngoài phân lỏng lẫn nhầy, máu. Trẻ thường kèm theo triệu chứng nôn, nhất là tiêu chảy do căn nguyên virus hay ngộ độc thức ăn do tụ cầu. Khi đó, nôn thường xuất hiện trước hoặc cùng với tiêu chảy, và kéo dài trong khoảng 1-3 ngày. Trẻ thường có biểu hiện biếng ăn trước khi bị tiêu chảy hoặc khi trẻ đã bị tiêu chảy vài ngày.
Trẻ có các biểu hiện mất nước khi tiêu chảy nhiều lần trong ngày: khát nước, quấy khóc nhiều hơn bình thường, đi tiểu ít hơn, khóc ít nước mắt, mắt hoặc thóp trũng. Cân nặng của trẻ thường giảm khi bị tiêu chảy do tình trạng mất nước và biếng ăn, nôn trớ.
Trường hợp tiêu chảy do căn nguyên nhiễm khuẩn, hoặc tiêu chảy là triệu chứng đi kèm của các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ thường có biểu hiện sốt, mệt mỏi, kém ăn và kém chơi hơn bình thường.
Nếu không được bù nước và điện giải trẻ có thể có các biến chứng của tiêu chảy như thở mạnh, sâu, môi đỏ khi rối loạn thăng bằng toan kiềm hay li bì, co giật hôn mê, chướng bụng, giảm trương lực cơ toàn thân khi rối loạn điện giải.
3. Căn nguyên gây bệnh
Virus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em trong đó Rotavirus là virus thường gặp nhất gây tiêu chảy, chiếm 50% các căn nguyên tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài ra còn có thể gặp các căn nguyên virus khác như Norovirus, Coronavirus, Enterovirus hay các type Adenovirus đường ruột.
Vi khuẩn là nhóm nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp thứ 2 sau tác nhân virus. Phổ biến nhất là tiêu chảy do các chủng E. coli, Campylobacter jejuni, Shigella và Salmonella không gây thương hàn.
Một số trẻ có thể bị tiêu chảy do ký sinh trùng như amip, nấm.
Một chế độ ăn không thích hợp như ăn quá nhiều, ăn các thức ăn khó tiêu hóa hay đột ngột thay đổi chế độ ăn, thay đổi chế độ ăn cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm có thể là căn nguyên gây tiêu chảy.
4. Tại sao cha mẹ không được chủ quan khi trẻ bị tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là căn nguyên hàng đầu gây mất nước, rối loạn các chất điện giải của cơ thể và suy dinh dưỡng, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, làm nặng thêm tình trạng bệnh nền của trẻ nếu có, dẫn đến tử vong.
5. Biện pháp điều trị tiêu chảy cấp
Các biện pháp điều trị rất cần thiết, không thể thiếu được khi xử trí trẻ bị tiêu chảy là bù nước và điện giải, chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung kẽm và dùng thuốc đúng chỉ định.
5.1. Lựa chọn dung dịch bù nước nào?
Bù bằng đường uống hay đường truyền tĩnh mạch tuỳ thuộc vào tình trạng mất nước của trẻ. Nếu trẻ không nôn, có thể uống được thì dung dịch bù nước tốt nhất cho trẻ là oresol. Trẻ bị tiêu chảy không chỉ mất nước mà còn mất các chất điện giải, vì vậy bù bằng dung dịch nước lọc đơn thuần là không phù hợp.
Lưu ý khi pha dung dịch oresol là mỗi gói oresol pha với 200 ml hoặc 1000ml nước đun sôi để nguội (theo đúng hướng dẫn sử dụng). Nếu trẻ tỉnh táo, không khát nước, mắt không trũng trẻ cần được bù dịch bằng oresol tại nhà với liều lượng như sau:
- Trẻ < 2 tuổi: uống 50 – 100ml sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ ≥ 2 tuổi: uống 100 – 200ml sau mỗi lần đi ngoài, cho trẻ uống từng thìa (với trẻ bé) hoặc từng ngụm nhỏ (với trẻ lớn).
Thời gian bảo quản dung dịch oresol đã pha chỉ trong 24h. Nếu không có dung dịch oresol thì có thể sử dụng các các dung dịch thay thế tương đương như nước cháo, nước canh, nước quả.
Trường hợp trẻ không thể uống được, nôn nhiều hoặc nhân viên y tế đánh giá là mất nước nặng, trẻ cần được bù dịch bằng đường tĩnh mạch bằng dung dịch Ringer Lactat hoặc NaCl 0,9%. Đối với bệnh nhân có tình trạng mất nước vừa hoặc nặng theo đánh giá của nhân viên y tế, cần được bù nước tích cực đường uống hoặc đường truyền dưới sự theo dõi của nhân viên y tế tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế. Khi trẻ được bù dịch, đánh giá tình trạng mất nước thường xuyên để quyết định thay đổi phác đồ bù nước cho phù hợp.
5.2. Dinh dưỡng trong tiêu chảy cấp
Dinh dưỡng trong tiêu chảy cấp đóng vai trò quan trọng thứ 2 sau bù nước và điện giải. Không nên cho trẻ tiêu chảy ăn giảm đi, không kiêng ăn, nhịn bú. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu đang bú mẹ cần được khuyến khích nên tiếp tục cho bú nhiều lần hơn và lâu hơn nếu trẻ muốn.
Trẻ đã ăn bổ sung: nhanh chóng tập cho trẻ làm quen dần lại với thức ăn đa dạng và chế độ ăn như bình thường. Thức ăn nên mềm, dễ tiêu và chia nhỏ nhiều bữa (tránh ăn khối lượng lớn vì gây tăng kích thích ruột). Khi khỏi bệnh cần tăng thêm 1 bữa cho trẻ so với bình thường trong 2 tuần để đảm bảo phục hồi cân nặng. Loại thực phẩm tốt nhất cho trẻ khi bị tiêu chảy là gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn nạc, thịt bò, sữa công thức không đường lactose (nếu bác sĩ có chỉ định khi trẻ có tình trạng bất dung nạp lactose), sữa chua, dầu thực vật, rau xanh, cà rốt, bí đỏ, chuối, táo. Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi tiêu chảy để xây dựng chế độ ăn phù hợp với sở thích và thói quen của trẻ.
Lưu ý các thực phẩm không nên dùng khi bị tiêu chảy là thức ăn có hàm lượng đường cao, nhiều chất béo có thể gây ra kém hấp thu do làm giảm thời gian làm trống dạ dày, đầy và chướng bụng. Không cho trẻ sử dụng các loại nước giải khát công nghiệp và các thực phẩm có nhiều xơ không tan và ít dinh dưỡng như măng, rau cần hay tinh bột nguyên hạt như ngô, đỗ vì các thực phẩm này rất khó tiêu hoá.
Trẻ bị tiêu chảy thường dẫn đến tình trạng mất kẽm làm chậm hồi phục niêm mạc đường ruột, dẫn đến tiêu chảy có xu hướng kéo dài hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF khuyến nghị bổ sung 20 mg kẽm hàng ngày trong 10 – 14 ngày cho trẻ bị tiêu chảy cấp trên 6 tháng tuổi và 10 mg mỗi ngày cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, để giảm mức độ trầm trọng của đợt bệnh và ngăn ngừa các đợt tái phát tiếp theo.
Không phải tất cả các trường hợp tiêu chảy cấp đều là nhiễm khuẩn vì vậy cha mẹ không tự ý sử dụng kháng sinh khi trẻ bị tiêu chảy. Cần sử dụng kháng sinh theo đơn kê của bác sỹ cho các trường hợp tiêu chảy phân có máu hoặc các trường hợp được xác định trẻ có nhiễm khuẩn.
6. Các thuốc điều trị tiêu chảy
Bên cạnh các biện pháp điều trị cần thiết khi xử trí một trẻ bị tiêu chảy, việc rút ngắn thời gian trẻ đi ngoài phân lỏng, thời gian bị bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Sử dụng các thuốc với mục đích rút ngắn thời gian bị tiêu chảy cũng được các hiệu hội chuyên ngành như Hội Tiêu hoá, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu và Hội Nhi khoa Việt Nam khuyến cáo bao gồm probiotic (men vi sinh), thuốc kháng tiết đường ruột (Racecadotril) và thuốc hấp phụ (Diosmectite).
6.1 Probiotics (men vi sinh) trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em:
Cơ chế tác dụng: Probiotics là những vi sinh vật sống mà khi được cho với liều vừa đủ sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ. Khi trẻ bị tiêu chảy thường có tình trạng rối loạn hệ vi sinh đường ruột, là sự mất cân bằng về loài, chủng, số lượng các vi sinh vật có lợi và có hại trong hệ vi sinh đường ruột dẫn đến các thay đổi về chuyển hoá, miễn dịch và tổng hợp các chất tại đường ruột.
Ưu điểm/Hiệu quả điều trị: Bổ sung các probiotics giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, cạnh tranh chất dinh dưỡng với các vi khuẩn gây bệnh, sản xuất các yếu tố kháng khuẩn, hoạt hóa đáp ứng miễn dịch tại chỗ và tăng cường hàng rào bảo vệ ở ruột. Bổ sung các probiotics như Lactobacillus rhamnosus GG và Saccharomyces boulardii có tác dụng rút ngắn thời gian mắc tiêu chảy khoảng 1 ngày so với nhóm không được bổ sung.
6.2 Vai trò của thuốc kháng tiết đường ruột Racecadotril trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em:
Cơ chế tác dụng: Khi trẻ bị tiêu chảy do bất kỳ căn nguyên gì đều có tình trạng tăng xuất tiết nước và điện giải ở trong lòng ruột. Racecadotril có tác dụng kháng tiết ở ruột làm giảm mất nước và chất điện giải ở trẻ bị tiêu chảy cấp.
Ưu điểm/hiệu quả điều trị:
Thuốc không ảnh hưởng đến nhu động ruột nên không gây táo bón, đầy chướng bụng khi điều trị.
Dùng kết hợp với dung dịch bù nước và chất điện giải có tác dụng giảm nhanh triệu chứng tiêu chảy và rút ngắn thời gian điều trị khoảng 2 ngày so với nhóm chứng.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy thuốc kháng tiết khởi phát tác dụng sau 30 phút và giúp trẻ mắc tiêu chảy cấp phục hồi trong khoảng 1 ngày.
Cách sử dụng: Racecadotril được khuyến cáo sử dụng ngay từ khi mắc tiêu chảy và dùng không quá 7 ngày cho tất cả các trường hợp tiêu chảy phân nước.
6.3 Vai trò của thuốc hấp phụ trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em:
Cơ chế tác dụng: Chất nhày & lớp niêm mạc ruột đóng vai trò rất quan trọng trong sinh lý ruột. Khi trẻ bị tiêu chảy thường có hiện tượng tổn thương lớp chất nhày & niêm mạc có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, bài tiết, tiêu hoá và đề kháng của ruột. Bằng cách tương tác với chất nhày, Diosmectite làm gia tăng tuổi thọ của chất nhày và làm chậm lại sự tổn thương chất nhày.
Ưu điểm/Hiệu quả điều trị: Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian mắc tiêu chảy gần 1 ngày so với nhóm chứng và giảm số lần đi ngoài phân lỏng ở trẻ bị tiêu chảy.
Lưu ý: Do quan ngại về vấn đề có thể nhiễm một số kim loại nặng nếu sử dụng cho trẻ em nhỏ dưới 2 tuổi nên thuốc được khuyến cáo sử dụng trong điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên và bổ sung ngay từ khi mới mắc tiêu chảy, sử dụng không quá 7 ngày.
7. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp
Sử dụng thuốc đúng theo đơn kê của bác sỹ, không tự ý sử dụng kháng sinh. Bù nước và điện giải đường uống ngay từ khi mới mắc tiêu chảy là rất cần thiết nhưng cần lưu ý pha đúng dung dịch bù nước để đảm bảo việc bù nước hiệu quả và không gây các biến chứng khi pha dung dịch oresol sai. Chế độ dinh dưỡng phù hợp có vai trò rút ngắn thời gian mắc tiêu chảy, tăng độ đặc của phân và giảm nguy cơ suy dinh dưỡng. Trường hợp trẻ được điều trị tại nhà cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế khi tình trạng tiêu chảy của trẻ tăng hơn, bệnh nặng hơn, sốt hoặc sốt cao, phân nhày máu, khát nước hoặc trẻ nôn nhiều không ăn uống được.
8. Phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ
Tiêu chảy là bệnh lây bằng đường hân miệng. Nguy cơ mắc tiêu chảy gia tăng ở các trẻ suy dinh dưỡng, có các bệnh phối hợp hoặc tiền sử sử dụng các thuốc kháng sinh, thuốc giảm tiết a xít dạ dày.
Để phòng ngừa tiêu chảy cấp cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
- Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ được 18-24 tháng tuổi.
- Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi trẻ cần được ăn bổ sung đúng cách bằng các thực phẩm và nguồn nước đảm bảo vệ sinh.
- Cha mẹ cần vệ sinh tay trẻ, đồ chơi và tay mình khi chăm sóc trẻ.
- Xử lý phân của trẻ đúng cách đặc biệt khi trẻ có biểu hiện tiêu chảy để hạn chế lây nhiễm các thành viên khác trong gia đình.
Tiêm phòng đủ cho trẻ các vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và cho trẻ uống vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus khi trẻ được 6 tuần tuổi và kết thúc trước 6 tháng tuổi.
Xem thêm:
- Cách kiểm soát tiêu chảy cấp ở trẻ em tại nhà
- Cúm mùa từ A-Z: Những điều cần biết về bệnh cúm mùa
- Viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Tài liệu tham khảo
1. Hội Nhi khoa Việt Nam. Đồng thuận chẩn đoán và điều trị tiêu chảy cấp 2019
2.Guarino A, Ashkenazi S, Gendrel D, et al. European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition/European Society for Pediatric Infectious Diseases evidence-based guidelines for the management of acute gastroenteritis in children in Europe: update 2014. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2014;59(1):132-152. doi:10.1097/MPG.0000000000000375
3.Guarino A, Lo Vecchio A, Dias JA, et al. Universal Recommendations for the Management of Acute Diarrhea in Nonmalnourished Children. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2018;67(5):586-593. doi:10.1097/MPG.0000000000002053
4.Aghsaeifard Z, Heidari G, Alizadeh R. Understanding the use of oral rehydration therapy: A narrative review from clinical practice to main recommendations. Health Sci Rep. 2022;5(5):e827. Published 2022 Sep 11. doi:10.1002/hsr2.827
5.Salazar-Lindo E, Santisteban-Ponce J, Chea-Woo E, Gutierrez M. Racecadotril in the treatment of acute watery diarrhea in children. N Engl J Med. 2000;343(7):463-467. doi:10.1056/NEJM200008173430703
6.Faure C. Role of antidiarrhoeal drugs as adjunctive therapies for acute diarrhoea in children. Int J Pediatr. 2013;2013:612403. doi:10.1155/2013/612403
7.Eberlin M, Chen M, Mueck T, Däbritz J. Racecadotril in the treatment of acute diarrhea in children: a systematic, comprehensive review and meta-analysis of randomized controlled trials. BMC Pediatr. 2018;18(1):124. Published 2018 Apr 3. doi:10.1186/s12887-018-1095-x
8.Rautenberg TA, Downes M, Kiet PHT, Ashoush N, Dennis AR, Kim K. Evaluating the cost utility of racecadotril in addition to oral rehydration solution versus oral rehydration solution alone for children with acute watery diarrhea in four low middle-income countries: Egypt, Morocco, Philippines and Vietnam. J Med Econ. 2022;25(1):274-281. doi:10.1080/13696998.2022.2037918
9.Lecomte JM. An overview of clinical studies with racecadotril in adults. Int J Antimicrob Agents. 2000;14(1):81-87. doi:10.1016/s0924-8579(99)00152-1.
10.Salazar-Lindo E, Santisteban-Ponce J, Chea-Woo E, Gutierrez M. Racecadotril in the treatment of acute watery diarrhea in children. N Engl J Med. 2000;343(7):463-467. doi:10.1056/NEJM200008173430703