Triệu chứng cảm cúm và cách chăm sóc trẻ nhỏ mắc cúm (phần 1)
Mục lục
Cúm mùa xuất hiện quanh năm và biến đổi liên tục. Khi nhiễm cúm, bệnh nhân có thể tự khỏi nhưng cũng có thể diễn tiến nặng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.Triệu chứng cảm cúm ở trẻ nhỏ có thể gây ra sự lo lắng cho cha mẹ. Trong bài viết này, a:care Việt Nam sẽ giúp cha mẹ nhận biết được triệu chứng cảm cúm ở trẻ nhỏ và cách chăm sóc cho trẻ khi mắc cúm.
1. Ảnh hưởng của cúm đến trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
Theo BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi là 2 trong rất nhiều đối tượng có nguy cơ dễ mắc cúm và có nguy cơ cao bị biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng cảm cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi là: sốt, ớn lạnh, cơ thể run rẩy, ho khan, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy…
Bệnh cúm cũng giống như những căn bệnh viêm đường hô hấp khác. Chúng là một dạng bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh phát triển khi vi rút cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp qua đường mũi, họng, đến các ống phế quản và có thể vào phổi.
Bệnh cúm có thể nguy hiểm dẫn đến tử vong đối với những trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi nếu có những biến chứng nghiêm trọng nhưng không được phát hiện và điều trị phù hợp kịp thời.
Theo WHO, mỗi năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm. Cúm cũng là thủ phạm khiến hơn 500.000 người tử vong mỗi năm. Theo các thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 20.000 người mắc cúm, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi, phải nhập viện vì các biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi. Đặc biệt, Việt Nam là nước nhiệt đới nên tình trạng mắc cúm thường xảy ra vào mùa mưa rất nhiều. Tuy nhiên, bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong năm.
2. Cách phân biệt cảm cúm và cảm lạnh ở trẻ
Theo bác sĩ Khanh cách phân biệt cảm cúm và cảm lạnh ở trẻ là lưu ý: cả bệnh cúm và cảm lạnh hầu hết đều có triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp như sốt, ho, ớn lạnh, sổ mũi, nghẹt mũi, kèm đau nhức cơ hoặc đau nhức toàn thân, đau đầu, đau hốc mắt, chảy nước mắt… Thông thường diễn tiến của bệnh cảm lạnh tương đối nhẹ nhàng, bệnh thường tự khỏi sau vài ngày. Để xác định trẻ mắc cúm thì chúng ta cần phải xét nghiệm.
Ngoài ra, bệnh cúm do vi rút cúm gây ra, có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan như phổi, tim, gan… Cúm đặc biệt nguy hiểm và dễ gây tử vong cao ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Dù thế, cả cảm lạnh hoặc cúm nặng đều có thể dẫn đến: viêm phổi; viêm phế quản; nhiễm trùng xoang; nhiễm trùng tai; làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có như hen suyễn.
Nói về vấn đề “trẻ sơ sinh bị cảm cúm có nguy hiểm không?”, BS Khanh nhấn mạnh: “Dù trẻ con mắc bệnh nào, phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý khi tình trạng bệnh trở nặng, đặc biệt là trẻ sơ sinh khi mắc cúm rất nguy hiểm”.
Trường hợp trẻ bị sốt cao, phụ huynh không thể kiểm soát được cơn sốt bằng thuốc hạ sốt hay lau mát thì cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được bác sĩ can thiệp kịp thời. Hãy nhớ, trẻ sốt cao lâu có thể dẫn tới co giật.
3. Trẻ có bị lây cúm bởi cha mẹ không?
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, vi rút cúm có thể lây từ người này qua người kia thông qua giọt bắn, qua đường hô hấp, nên khi bố mẹ mắc cúm, con trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, cũng sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm nếu bố mẹ không chú ý phòng ngừa.
Theo phân tích, khi một người nào đó bị cúm có ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, vi rút sẽ di chuyển qua các giọt bắn. Trẻ em có thể bị nhiễm nếu hít phải nó. Trẻ em cũng có thể bị bệnh nếu chạm vào các bề mặt, vật dụng có vi rút trú ngụ như bình sữa, núm vú giả hoặc đồ chơi rồi chạm vào mắt, miệng hoặc mũi.
4. Trẻ bị cảm cúm nên ăn gì?
BS. Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) cho biết, trẻ bị cúm thường rất mệt, sốt, mất nước, phụ huynh nên cho con uống các loại sữa, nước ấm, nước hoa quả để bù dịch. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và không chứa nhiều dầu mỡ như súp, cháo …
Đối với trẻ sơ sinh thì chỉ cần bổ sung thêm sữa để tránh trường hợp trẻ mất nước. Theo các nghiên cứu, sữa là nguồn dinh dưỡng chính với trẻ dưới 1 tuổi. Do đó, khi bé bị cảm lạnh, các bậc phụ huynh không nhất thiết phải cho bé ăn trái cây hay bổ sung bất kì thực phẩm nào khác mà nên cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt. Trong sữa mẹ có chứa nhiều thành phần dưỡng chất giúp hệ miễn dịch của trẻ được hoàn thiện như: đạm, chất béo, lactose, các loại vitamin, HMOs, nucleotides và lợi khuẩn. Các dưỡng chất này hỗ trợ nâng cao sức khỏe đường ruột của trẻ, từ đó sức đề kháng của trẻ được củng cố.
5. Cách điều trị cảm cúm tại nhà cho trẻ
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý: khi điều trị cảm cúm tại nhà cho trẻ, cần cho trẻ uống nước thường xuyên để bù nước cho cơ thể; nấu cháo giải cảm cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn đủ chất; nghỉ ngơi đầy đủ; theo dõi các triệu chứng nặng ở trẻ để nhập viện và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Cách ly trẻ khỏi các nguồn bệnh vì có rất nhiều chủng vi rút gây cúm, trẻ có thể bị nhiễm cúm nhiều lần. Ngoài ra, không nên cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm vì cơ thể của trẻ còn non yếu, hệ miễn dịch yếu dễ bị vi rút tấn công gây bệnh.
- Nếu sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, với cảm cúm thông thường, bệnh sẽ thuyên giảm sau khoảng 3 ngày và khỏi bệnh sau 5 – 7 ngày. Nếu trẻ lâu không khỏi, kèm theo các biểu hiện như sốt cao, dịch mũi đặc vàng, ra nhiều rỉ mắt… thì cha mẹ nên đưa con đi khám ngay.
- Không tự ý dùng thuốc, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cơ thể trẻ rất nhạy cảm nên nếu dùng thuốc không đúng cách có thể gây hại cho bé.
- Không sử dụng mật ong cho trẻ sơ sinh dù nó có công dụng trị cảm cúm vì mật ong có thể khiến bé bị ngộ độc, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.
- Tránh xa khỏi khói thuốc vì hít phải khói thuốc sẽ khiến bệnh tình của trẻ nghiêm trọng hơn.
- Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với bé để hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi rút.
- Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để theo dõi sự phát triển của trẻ cũng như phát hiện sớm các bệnh lý nếu có, đồng thời cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm khuyến cáo, đặc biệt là tiêm phòng cúm.
- Chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân của trẻ và vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, đồ dùng, đồ chơi của con để tránh nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút gây hại.
- Cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên để tăng cường đề kháng cũng như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé phát triển tốt nhất.
Trên đây là một số triệu chứng cảm cúm và cách chăm sóc trẻ nhỏ mắc cảm cúm. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy luôn lưu ý rằng việc duy trì một môi trường lành mạnh, chế độ ăn uống đúng cách và chăm sóc cẩn thận sẽ giúp trẻ nhỏ vượt qua giai đoạn bệnh một cách nhanh chóng và an toàn.
a:care Việt Nam hy vọng rằng với những thông tin của các chuyên gia y tế nêu trên, sẽ giúp các bậc phụ huynh có được kinh nghiệm trị cảm cúm và phòng ngừa các triệu chứng cảm cúm ở trẻ nhỏ.
Xem thêm: