Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Mục lục
- Giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh là gì?
- Triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh có thể kéo dài bao lâu?
- Những triệu chứng cho thấy bạn đang bắt đầu vào thời kỳ tiền mãn kinh
- Làm gì để hạn chế các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh?
- Liệu pháp nội tiết mãn kinh điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Những triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo… phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của chị em phụ nữ. Vì vậy các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu là câu hỏi thường gặp phải. Các thông tin được a:care Việt Nam cung cấp trong bài viết sau sẽ hỗ trợ bạn trả lời cho câu hỏi trên.
Giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh là giai đoạn bạn có các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh nhưng kinh nguyệt vẫn chưa hết hoàn toàn. Thời kỳ tiền mãn kinh kết thúc và thời kỳ mãn kinh bắt đầu sau khi người phụ nữ trải qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt.
Mãn kinh là khi kinh nguyệt của bạn chấm dứt hoàn toàn do nồng độ hormone thấp hơn. Mãn kinh thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 55, nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn.
Mãn kinh có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc vì những lý do như phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng hoặc tử cung, điều trị ung thư như hóa trị hoặc lý do di truyền.
Mãn kinh và tiền mãn kinh có thể gây ra các triệu chứng như lo lắng, thay đổi tâm trạng, bốc hỏa và kinh nguyệt không đều. Những triệu chứng này có thể bắt đầu nhiều năm trước khi bạn hết kinh và tiếp tục kéo dài sau đó. Các triệu chứng mãn kinh và tiền mãn kinh có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn.
Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 45 đến 55, và thường trong khoảng 7 năm, nhưng cũng có thể kéo dài tới 14 năm. Tuổi mãn kinh trung bình thay đổi tùy khu vực, ở Châu Á độ tuổi trung bình khoảng 49 tuổi.
Triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh có thể kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh thường kéo dài trong khoảng 7 năm. Các triệu chứng liên quan đến giai đoạn này sẽ giảm dần trong thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh. Thời kỳ tiền mãn kinh kết thúc khi bạn trải qua 12 tháng không có kinh nguyệt, đây cũng chính là thời điểm bạn bước vào thời kỳ mãn kinh.
Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ ở Hoa Kỳ là khoảng 51 tuổi. Tuy nhiên, quá trình chuyển sang thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu vào độ tuổi 45.
Những triệu chứng cho thấy bạn đang bắt đầu vào thời kỳ tiền mãn kinh
Rối loạn kinh nguyệt
Khoảng thời gian giữa các kỳ kinh của bạn có thể dài hoặc ngắn hơn, lượng kinh nguyệt có thể ít hoặc nhiều so với bình thường.
Nếu thời gian hành kinh có sự thay đổi từ 7 ngày trở lên, và liên tục trong nhiều chu kỳ, bạn có thể đang ở giai đoạn tiền mãn kinh sớm. Nếu khoảng cách giữa các kỳ kinh từ 60 ngày trở lên, có thể bạn đang trải qua thời kỳ tiền mãn kinh muộn.
Bốc hỏa
Bốc hỏa là triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh. Khoảng 80% phụ nữ tiền mãn kinh phải có những cơn bốc hoả đột ngột, kèm theo đổ mồ hôi và cảm giác nóng bừng kéo dài 1-5 phút bất kể ban đêm hay ban ngày. Cơn bốc hỏa thường bắt đầu ở mặt, cổ hoặc ngực rồi lan ra toàn thân. Tình trạng này khác nhau ở mỗi người, có phụ nữ cảm thấy chỉ hơi nóng, có trường hợp lại nóng đổ mồ hôi ướt cả người. Những cơn bốc hỏa sẽ kéo dài một hoặc hai năm sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, có khoảng 10% phụ nữ vẫn đối mặt với tình trạng này trong nhiều năm về sau.
Khô hạn, giảm ham muốn
Trong thời kỳ tiền mãn kinh muộn, nồng độ estrogen giảm có thể khiến mô âm đạo trở nên mỏng hơn và khô hơn dẫn đến tình trạng ngứa và viêm nhiễm âm đạo. Khô âm đạo còn là nguyên nhân gây đau rát khi quan hệ, góp phần làm giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Khó ngủ; vấn đề về trí nhớ, sự tập trung
Khoảng 40% phụ nữ tiền mãn kinh gặp vấn đề về giấc ngủ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa việc đổ mồ hôi ban đêm và vấn đề về giấc ngủ như: ngủ không sâu, mất ngủ, ngủ chập chờn. Nhiều phụ nữ phàn nàn về các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn và khó tập trung trong thời kỳ tiền mãn kinh.
Vấn đề về da; rụng tóc
Khi nồng độ estrogen suy giảm, làn da phụ nữ trở nên kém đàn hồi, mỏng hơn, khô hơn dẫn đến lộ rõ các nếp nhăn. Đồng thời, mái tóc cũng trở nên mỏng và dễ gãy hơn ở độ tuổi tiền mãn kinh.
Thay đổi tâm trạng
Ở thời kỳ tiền mãn kinh, tâm trạng của phụ nữ trở nên thất thường, cáu gắt, khó chịu hoặc nặng hơn là gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Nguyên nhân của những triệu chứng này có thể là do giấc ngủ bị gián đoạn kèm theo các cơn bốc hỏa. Tuy nhiên, sự thay đổi tâm trạng cũng có thể do những yếu tố không liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh.
Làm gì để hạn chế các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh?
Cải thiện cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm
Liệu pháp thay thế hormone hay liệu pháp hormone, là phương pháp sử dụng estrogen để điều chỉnh mức độ hormone, giúp giảm các triệu chứng mãn kinh, bao gồm bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm.
Những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung có thể cân nhắc dùng estrogen đơn độc. Đối với những phụ nữ vẫn còn tử cung, nên dùng thuốc chứa cả estrogen và progestogen.
Biện pháp giảm khô âm đạo
Điều trị bằng nội tiết tố cũng có thể giúp giảm khô âm đạo. Bên cạnh đó, các loại kem dưỡng ẩm âm đạo giúp tăng độ ẩm, độ đàn hồi và độ axit của âm đạo. Sinh hoạt tình dục đều đặn, có kế hoạch cũng là phương pháp giúp duy trì môi trường axit, bảo vệ âm đạo khỏi nhiễm trùng.
Cải thiện tình trạng khó ngủ
Tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện giấc ngủ và tâm trạng vui vẻ hơn. Cố gắng tập thể dục từ 30 phút trở lên vào hầu hết các ngày trong tuần. Ngủ đủ giấc, tránh caffeine, các chất kích thích có thể làm bạn khó ngủ và hạn chế uống nhiều rượu.
Cải thiện tâm trạng
Thực hành thường xuyên các biện pháp giảm căng thẳng như thiền hoặc yoga, làm bạn cảm thấy thư giãn và sức khỏe tốt hơn.
Liệu pháp nội tiết mãn kinh điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh
Liệu pháp nội tiết tố mãn kinh (MHT) là việc sử dụng hormone (viên uống, miếng dán, kem hoặc vòng tránh thai) để thay thế estrogen, progesterone. MHT có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng của thời kỳ mãn kinh và mang lại một số lợi ích sức khỏe khác
MHT thường bao gồm estrogen đơn độc hoặc estrogen kết hợp với progestogen. MHT có thể được sử dụng theo nhiều dạng khác nhau.
- Khi điều trị các cơn bốc hỏa, các triệu chứng toàn thân khác, hoặc để ngăn ngừa loãng xương, thuốc thường được dùng dưới dạng viên uống, hoặc thoa qua da (như qua miếng dán, gel, thuốc xịt).
- Khi điều trị các triệu chứng tiết niệu sinh dục như khô âm đạo, MHT (chỉ chứa estrogen liều thấp) được bôi trực tiếp vào âm đạo (dưới dạng kem hoặc thuốc đặt).
Sử dụng MHT dạng nào tùy thuộc vào yếu tố phụ nữ còn tử cung hay không. Estrogen đơn độc chỉ được sử dụng ở những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung. Những phụ nữ còn tử cung thường được kê đơn MHT estrogen cộng với progestogen.
Ngoài tác dụng giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, một số liệu pháp nội tiết mãn kinh còn có các tác dụng như:
- Giảm nguy cơ loãng xương vì estrogen làm chậm quá trình loãng xương và giúp tăng mật độ của xương.
- Cải thiện tình trạng da
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp sử dụng liệu pháp MHT. Chị em cần đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.
Bên cạnh đó, MHT cũng có một số tác dụng không mong muốn, tuỳ loại MHT sẽ có những tác dụng phụ khác nhau. Việc tái khám thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi quá trình sử dụng thuốc là điều quan trọng cần thực hiện để đảm bảo hiệu quả, lợi ích của quá trình điều trị.
Bài viết trên của a:care Việt Nam đã giúp bạn giải đáp thắc mắc triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu và cung cấp tới bạn đọc những biện pháp điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ. Trang bị cho mình những kiến thức về giai đoạn mãn kinh sẽ giúp bạn có tâm lý chủ động và các biện pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Xem thêm:
- Những lầm tưởng về mãn kinh và lời đồn từ xa xưa, đâu mới là sự thật?
- Tuổi mãn kinh có thể đến sớm hơn bạn nghĩ, lắng nghe cơ thể để bảo vệ tốt hơn
- Liệu pháp nội tiết mãn kinh, nhẹ nhàng cùng bạn bước vào tuổi mãn kinh
Tài liệu tham khảo
1.my.clevelandclinic.org. Menopause. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21841-menopause
2. nhs.uk. Menopause. https://www.nhs.uk/conditions/menopause/
3.health.harvard.edu. Perimenopause: Rocky road to menopause. https://www.health.harvard.edu/womens-health/perimenopause-rocky-road-to-menopause
4.Sở y tế Hà Nam. Ứng phó với các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. https://syt.hanam.gov.vn/Pages/ung-pho-voi-cac-con-boc-hoa-va-do-mo-hoi-dem.aspx.
5.mayoclinic.org. Perimenopause. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/perimenopause/diagnosis-treatment/drc-20354671
6.cancer.gov. Menopausal Hormone Therapy and Cancer. https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-6.prevention/risk/hormones/mht-fact-sheet
7.Betterhealth.vic.gov. Menopausal hormone therapy. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/hormone-replacement-therapy-hrt-and-menopause