Triệu chứng và cách phòng cúm hiệu quả cho trẻ em
Mục lục
- Các triệu chứng cúm ở trẻ
- Các biến chứng cúm ở trẻ có thể gây nguy hiểm
- Cúm lây truyền như thế nào đến trẻ?
- Bệnh cúm ở trẻ có khác với Covid-19 không?
- Cảm lạnh khác với cúm thông thường như thế nào?
- Cách phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ
- Các loại thuốc trị cúm hiệu quả cho trẻ
- Lưu ý khi chữa trị cúm cho trẻ
Thời tiết giao mùa khiến cho sức đề kháng của nhiều người suy giảm, dẫn tới gia tăng các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em. Triệu chứng, cách phòng và điều trị cúm hiệu quả cho trẻ em là vấn đề được các phụ huynh quan tâm. Bài viết dưới đây a:care Việt Nam sẽ cung cấp những lời khuyên từ chuyên gia y tế.
1. Các triệu chứng cúm ở trẻ
Cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi là điều mà phụ huynh nào cũng lo lắng, theo BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm nhất, vì hệ miễn dịch của trẻ đang còn yếu. Đặc biệt, thời tiết nước ta đang trong giai đoạn giao mùa nên số lượng trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp càng nhiều hơn.
Sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với người mắc cúm trẻ có thể có các triệu chứng như: sốt nhẹ rồi tăng dần, ớn lạnh, ho, đau họng, đau tai, chảy nước mắt mũi, mệt mỏi, kém ăn. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.
Với trẻ lớn hơn có thể đau cơ, nhức mỏi chân tay, đau họng, ho và nhức ở hốc mắt… Diễn tiến bình thường, sau từ 4-7 ngày, bệnh cúm sẽ tự khỏi dần, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Sau 10 – 14 ngày, tất cả các triệu chứng có thể biến mất hoàn toàn.
Xem thêm: Các triệu chứng cúm A ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý
2. Các biến chứng cúm ở trẻ có thể gây nguy hiểm
Với thắc mắc: “Trẻ sơ sinh bị cúm có nguy hiểm không?”, BS. Trương Hữu Khanh cho biết, đối với những biến chứng khi trẻ mắc cúm thì rất hiếm, thường trẻ trở nặng là do miễn dịch kém, có bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não nặng, bệnh phổi mạn tính hay do nhiễm thêm vi trùng, đặc biệt là vi trùng kháng thuốc…
Tuy nhiên, nếu biến chứng khi trẻ mắc cúm xảy ra, sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ, tiêu cơ vân, suy hô hấp, suy thận, nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.
- Cúm có thể gây nguy kịch cho những người mắc bệnh mãn tính có sẵn như bệnh lý về tim mạch và hô hấp.
- Trẻ dễ bị mất nước khi nhiễm cúm, mất quá nhiều nước và muối sẽ dẫn đến suy kiệt và tử vong.
- Gây ra các vấn đề về xoang và nhiễm trùng tai.
3. Cúm lây truyền như thế nào đến trẻ?
“Như những bệnh truyền nhiễm khác, vi rút cúm thường lây nhiễm qua người khác bằng giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Cúm có thể lây lan do các hạt vi rút nhỏ thải ra trong quá trình hô hấp. Ngoài ra, vi rút cúm cũng có thể sống trong một thời gian ngắn trên các đồ vật bị ô nhiễm như tay nắm cửa, bút hoặc bút chì, bàn phím, máy thu điện thoại và dụng cụ ăn uống. Vì vậy, trẻ em có thể bị mắc cúm khi sử dụng đồ vật có chứa vi rút trên bề mặt”, BS Khanh nói.
4. Bệnh cúm ở trẻ có khác với Covid-19 không?
BS. Khanh phân tích, thông thường bệnh cúm và Covid-19 đều lây qua đường hô hấp và có những triệu chứng cơ bản như: sốt, đau họng, sổ mũi,..
Tuy nhiên, giữa 2 bệnh có điểm khác nhau bởi Covid-19 là do nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây ra, còn cúm là do nhiễm vi rút cúm.
Về tốc độ lây lan, Covid-19 dễ lây lan hơn, bằng chứng là năm 2021 nước ta đã phải trải qua đại dịch khủng khiếp.
Hơn nữa, các biến chủng của Covid-19 có thể gây bệnh nặng hơn ở một số người. So với những người bị cúm, những người bị nhiễm Covid-19 có thể mất nhiều thời gian hơn để biểu hiện các triệu chứng và có thể lây nhiễm trong thời gian dài hơn.
Việc phân biệt bệnh cúm và Covid-19 cần thông qua xét nghiệm mới có thể xác định cụ thể.
5. Cảm lạnh khác với cúm thông thường như thế nào?
Bàn về cảm lạnh thông thường và cúm, BS. Khanh cho biết, đây là những bệnh đường hô hấp theo mùa xảy ra do các loại vi rút khác nhau gây ra. Sự khác biệt chính là bệnh cúm có thể có các triệu chứng nặng hơn và có nhiều khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng và phải nhập viện.
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng của cả cảm lạnh và cúm đều tương đối nhẹ nên mọi người thường có thể kiểm soát chúng tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo, đặc biệt là ở những người có nguy cơ biến chứng cao hơn.
Cách phân biệt cúm và cảm lạnh ở trẻ, BS. Khanh cho biết triệu chứng cúm ở trẻ và cảm lạnh khá giống nhau, sau khi nhiễm phải vi rút 24-48 giờ thường biểu hiện các triệu chứng sau:
Sốt: đa số trẻ bị cảm lạnh hoặc cúm mùa đều sốt. Cúm mùa thì thường sốt cao đột ngột, có thể trên 38.5- 39 độ C. Cảm lạnh thông thường thì sốt nhẹ hơn, cũng có trẻ sốt cao hoặc là không sốt.
Hội chứng viêm long đường hô hấp trên: ho, ho khan, sau 1-3 ngày có thể ho có đờm. Nghẹt mũi, ở trẻ lớn thì đã biết kêu ngạt mũi, nói giọng mũi, há miệng thở, ngủ ngáy. Trẻ nhỏ quấy khóc, lăn lộn khó ngủ, đang bú thì buông ra để thở hổn hển đó là dấu hiệu của tắc mũi…
Sổ mũi: dịch xuất tiết lúc đầu trong, loãng, không được vệ sinh dịch có thể trở nên đục, xanh hoặc vàng.
Bên cạnh đó, trẻ bị cúm thường bị đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức khắp mình mẩy. Trẻ nhỏ chưa biết nói chuyện thường chỉ thể hiện ra là quấy khóc, kích thích nhiều.
Trẻ biếng ăn do thay đổi khẩu vị, do nghẹt mũi, trẻ bị cúm thường sợ mùi thức ăn, buồn nôn, nôn.
Trẻ lớn biết kêu đau rát cổ họng, cảm giác khô, nuốt đau, nổi hạch vùng cổ. Trẻ nhỏ thì quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ.
Các dấu hiệu viêm kết mạc, sưng phù mí mắt, đỏ mắt, có gỉ mắt… là dấu hiệu có thể gặp trong cảm lạnh thông thường.
6. Cách phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ
Theo BS. Khanh, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là chủ động phòng ngừa cúm hiệu quả. Đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, bạn có thể cho trẻ tiêm phòng cúm. Trẻ dưới 6 tháng tuổi không thể tiêm vắc xin cúm, do đó mẹ bầu nên tiêm phòng cúm trong 3 tháng cuối thai kì để bảo vệ con trong 6 tháng đầu đời, vì kháng thể của mẹ có thể truyền qua con trước khi sinh. Khi bố mẹ mắc cúm, cần hạn chế tiếp xúc với con để tránh lây nhiễm.
Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng thường trị cúm cho trẻ bằng bài thuốc dân gian, tuy nhiên theo BS. Khanh khi dùng bài thuốc nào cũng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.
7. Các loại thuốc trị cúm hiệu quả cho trẻ
Cách trị ho sổ mũi cho bé, làm gì khi trẻ bị viêm họng, trẻ bị cảm lạnh nên ăn gì, cháo giải cảm cho bé nấu thế nào? Cách làm trẻ em hạ sốt nhanh… cũng là các câu hỏi thường gặp của phụ huynh có con nhỏ bị cúm.
Theo BS. Khanh, triệu chứng cúm ở trẻ sẽ kéo dài từ 3-5 ngày, sau đó sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu sau 3 ngày, các triệu chứng cúm ở trẻ không hết như sốt, ho, thì cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc có chứa thành phần paracetamol, đây là hoạt chất thường được sử dụng trong các thuốc giảm đau nhanh và hạ sốt ở trẻ em. Hoạt chất này giúp làm giảm thân nhiệt ở trẻ bị sốt và giảm các triệu chứng như đau đầu, cảm lạnh…
Liều dùng thông thường cho trẻ là 10-15 mg/kg/liều mỗi 4-6 giờ nếu cần. Đối với trẻ trên 1 tháng – 12 tuổi sử dụng tối đa 5 liều trong 24 giờ.
Trẻ từ 12 tuổi trở lên: cho trẻ dùng 325-650mg mỗi 4-6 giờ hoặc 1000mg trong 6-8 giờ.
“Đồng thời cho trẻ uống nhiều sữa, nước, hoa quả và bổ sung dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng”, BS Khanh nhấn mạnh.
8. Lưu ý khi chữa trị cúm cho trẻ
Khi chữa các triệu chứng cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi BS. Khanh lưu ý, nếu điều trị cho con theo đơn của bác sĩ bệnh sẽ thuyên giảm sau khoảng 3 ngày và khỏi bệnh sau 5 – 7 ngày. Nếu trẻ lâu không khỏi, kèm theo các biểu hiện như sốt cao, dịch mũi đặc vàng, ra nhiều gỉ mắt… và có các biểu hiện bất thường khác thì cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Qua bài viết trên, có thể thấy việc nhận ra các triệu chứng cúm ở trẻ là rất quan trọng, điều này giúp cho việc điều trị kịp thời và bảo đảm sức khỏe của trẻ tốt hơn. a:care Việt Nam hy vọng những thông tin trên hữu ích cho bạn và con trẻ.
THẾ HÀO
Xem thêm: