Từ rối loạn đến cân bằng: Bí quyết kiểm soát mỡ máu hiệu quả (Phần 1)
- Ngày cập nhật: 15/11/2024
I. Mở đầu
A. Nhắc đến chị Lê – một trường hợp điển hình
Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ chia sẻ về một trường hợp điều trị lâu năm tại phòng khám. Đó là chị Lê, năm nay 66 tuổi, làm chủ một quán ăn. Chị có tiền sử tăng huyết áp 10 năm, và cách đây 4 năm chị có thực hiện can thiệp đặt stent mạch vành. Vào đầu tháng hai, chị đến tái khám sớm hơn lịch hẹn. Chị chia sẻ rằng chỉ cần bước lên hai tầng lầu là có cảm giác tức ngực, khó thở nên rất lo lắng.
B. Xác định mục tiêu điều trị dựa trên kết quả
Sau khi khám và đọc kết quả xét nghiệm, tôi nhận thấy chỉ số non-HDL-C và triglyceride của chị đã tăng cao, LDL-C vẫn giữ mức ổn định, trong khi HDL – C lại thấp đáng lo ngại. Chị còn có thừa cân, béo bụng, huyết áp thì vẫn được kiểm soát nhờ điều trị.
Tôi đã giải thích cho chị về hội chứng chuyển hóa – tình trạng mà chị đang gặp phải. Đồng thời nhấn mạnh về nguy cơ tiềm ẩn với tim mạch khi chỉ số non-HDL-C đang vượt mức cho phép. Với tình trạng của chị Lê, mục tiêu điều trị của tôi lúc này là phải làm sao đưa chỉ số non-HDL-C về mức an toàn. Như vậy thì có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch cho chị.
II. Giải thích nguyên nhân tăng non-HDL-C
A. Thảo luận về lối sống và chế độ ăn của chị Lê
Trước khi lên kế hoạch điều trị, tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân khiến cho non-HDL-C của chị tăng cao như vậy. Qua trao đổi, tôi nhận thấy thực đơn của chị đang quá ưu ái cho các món giàu cholesterol và chất béo bão hòa. Chị chia sẻ do có một số phiền muộn, và căng thẳng nên đã thường xuyên ăn những món yêu thích như gà rán, móng giò, bánh chưng… để giải tỏa tâm trạng. Gần đây chị cũng có thói quen uống rượu mỗi chiều tối cùng bạn bè. Cân nặng của chị tăng nhanh trong chưa đầy 1 tháng. Việc tăng cân nhiều cùng thời tiết nắng nóng ở thành phố cũng khiến chị lười vận động. Chị không còn đi bộ mỗi sáng trong công viên như trước nữa.
Hệ quả của lối sống trên là tình trạng thừa cân, béo bụng và tăng mỡ máu của chị Lê. Đây chính là những “mảnh ghép” quan trọng trong bức tranh về hội chứng chuyển hóa và tăng non-HDL-C mà chị đang gặp phải.
B. Xem xét yếu tố di truyền và tiền sử gia đình
Còn một điều nữa không thể bỏ qua đó là yếu tố di truyền. Từ những ngày đầu khám bệnh cho chị, tôi được biết ba mẹ chị trước kia cũng có rối loạn mỡ máu. Theo các tài liệu y văn, gen di truyền có thể là yếu tố khiến cho quá trình tăng non-HDL-C diễn ra nhanh hơn.
Như vậy, sự gia tăng chỉ số non-HDL-C ở chị Lê không phải là một hiện tượng đơn lẻ, mà là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố: từ thói quen ăn uống, lối sống, tình trạng bệnh lý, cho đến những đặc điểm di truyền. Điều này đòi hỏi phải có một cách tiếp cận toàn diện và cá thể hóa trong quá trình điều trị cho chị Lê.
* Tên của người bệnh trong bài viết được thay đổi để đảm bảo quy định về thông tin dữ liệu
Xem thêm:
- Rối loạn lipid máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
- Rối loạn lipid máu: Dấu hiệu, hậu quả và cách phòng ngừa
- Rối loạn mỡ máu: Nguyên nhân, triệu chứng và phân loại
Tài liệu tham khảo
1.Metabolic Syndrome – Diagnosis | NHLBI, NIH. www.nhlbi.nih.gov. Published May 18, 2022. https://www.nhlbi.nih.gov/health/metabolic-syndrome/diagnosis
2.Grundy SM, Cleeman JI, Daniels SR, et al. Diagnosis and Management of the Metabolic Syndrome. Circulation. 2005;112(17). doi:https://doi.org/10.1161/circulationaha.105.169405 Grundy SM, et al. 2018
3.AHA/ACC/AACVPR/AAPA/ABC/ACPM/ADA/AGS/APhA/ASPC/NLA/PCNA Guideline on the Management of Blood Cholesterol: Executive Summary: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol. 2019 Jun 25;73(24):3168-3209.
4.Puri R, et al. Non-HDL Cholesterol and Triglycerides: Implications for Coronary Atheroma Progression and Clinical Events. Arterioscler Thromb Vasc Biol. 2016 Nov;36(11):2220-2228.