Bí quyết kiểm soát mỡ máu hiệu quả (Phần 2)
- Ngày cập nhật: 15/11/2024
Mục lục
III. Kế hoạch điều trị: Xây dựng lộ trình cho chị Lê
A. Chia sẻ các phương pháp thư giãn phù hợp với chị Lê
Sau khi phân tích nguyên nhân, tôi bắt đầu lên kế hoạch điều trị.
Đầu tiên là tầm quan trọng của việc thư giãn tinh thần. Trong cuộc sống bộn bề, ta dễ rơi vào cạm bẫy của việc ăn uống vô độ và lười vận động để tìm kiếm cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, điều này chẳng khác nào đang tự đẩy mình vào “vòng xoáy” bệnh tật. Đối với chị Lê, tôi đề xuất những phương pháp thư giãn tích cực hơn, chẳng hạn như chăm sóc một khu vườn nhỏ trên ban công, nơi chị có thể trồng cây hoa mình yêu thích, hoặc nuôi thú cưng, cá cảnh cũng có thể giúp tâm hồn thư thái hơn. Bên cạnh đó, việc tham gia các câu lạc bộ phụ nữ hay câu lạc bộ hưu trí là cách tốt để chị mở rộng mối quan hệ xã hội, trao đổi kinh nghiệm sống và chăm sóc sức khỏe.
B. Gợi ý chế độ ăn lành mạnh
Về chế độ ăn uống, tôi khuyên chị giảm cân bằng cách áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc chế độ ăn DASH. Nên giảm 10% cân nặng trong 6 tháng đầu và tiếp tục giảm cân sau đó cho đến khi BMI < 23.
Chế độ ăn Địa Trung Hải dựa trên các thói quen ăn uống truyền thống của các quốc gia ven biển Địa Trung Hải, được đánh giá cao vì lợi ích sức khỏe, đặc biệt là đối với tim mạch. Nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn này là tập trung vào thực phẩm thực vật, sử dụng dầu ô liu làm nguồn chất béo chính, dùng thực phẩm từ cá và thủy hải sản thường xuyên, dùng sữa và các sản phẩm từ sữa vừa phải, hạn chế thịt đỏ, tránh các thực phẩm đã được chế biến hoặc đóng gói sẵn.
Chế độ ăn thứ hai là chế độ ăn DASH được thiết kế để giúp kiểm soát huyết áp cao và cải thiện sức khỏe tim mạch. Nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn này là thực đơn giàu trái cây, rau củ, các sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, và các loại hạt. Hạn chế thức ăn nhiều muối, đường và chất béo bão hòa.
C. Đề xuất các hoạt động phù hợp với cuộc sống đô thị
Về hoạt động thể chất, với nhịp sống đô thị tôi khuyến khích chị Lê tập thể dục vào khoảng 6-7 giờ sáng. Đây là thời điểm lý tưởng, khi không khí trong lành và nhiệt độ dễ chịu. Việc tập luyện cần diễn ra thường xuyên và vừa sức. Bên cạnh đó, chị cần tránh tập với cường độ mạnh gần giờ đi ngủ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tôi khuyên chị nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, tập yoga, đi bộ hoặc tập bơi, không nên tập những bài tập với tạ hoặc đánh cầu lông, tennis. Điều quan trọng của luyện tập không phải là tập nhiều, tập hết sức mà là phải tập có hệ thống, phù hợp với bản thân, kiên trì, và liên tục.
IV. Điều trị bằng thuốc: Những vũ khí trong tay bác sĩ
A. Giải thích về các loại thuốc có thể sử dụng
Sau khi trao đổi về việc thay đổi lối sống, tôi bắt đầu kê toa thuốc mới. Đây chính là những “vũ khí” trong tay chúng tôi để kiểm soát hiệu quả tình trạng bệnh của chị.
Lần khám này chị có tăng non-HDL-C, giảm HDL-C, có chẩn đoán hội chứng chuyển hóa và nguy cơ tim mạch tồn dư. Chị đang sử dụng statin liều cao để kiểm soát mỡ máu, như vậy để giảm hiệu quả non-HDL-C tôi sẽ phối hợp thêm một thuốc điều trị mỡ máu nữa. Những loại thuốc khác thì vẫn giữ nguyên như toa cũ.
Những vũ khí để kiểm soát mỡ máu mà chúng tôi có thể lựa chọn chẳng hạn như fibrate, ezetimibe, PCSK9, niacine, omega 3,….
B. Điều trị kết hợp: Chữa bệnh như đánh giặc
Trong các nhóm thuốc kể trên, fibrate tập trung vào việc giảm triglyceride và tăng HDL-C từ 10 đến 30%, làm giảm hiệu quả non-HDL-C và nguy cơ tim mạch đặc biệt ở người có hội chứng chuyển hóa. Ezetimibe có khả năng ngăn chặn sự hấp thu cholesterol từ ruột vào máu nên làm giảm hiệu quả non-HDL-C, và giúp tăng nhẹ HDL-C từ 1 đến 5%. Nhóm thuốc ức chế PCSK9 là một “vũ khí” hiện đại, có khả năng giảm mạnh LDL-C bằng cách tăng cường loại bỏ LDL-C ra khỏi máu, đồng thời chi phí cũng khá đắt đỏ…
Sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố thì tôi quyết định phối hợp statin và fibrate để điều trị giảm non-HDL-C và tăng HDL-C cho chị. Sự phối hợp này là một “đòn công” mạnh mẽ, nhắm vào nhiều mục tiêu cùng một lúc.
* Tên của người bệnh trong bài viết được thay đổi để đảm bảo quy định về thông tin dữ liệu
Xem thêm:
- Cách điều trị rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu) hiệu quả – a:care Việt Nam
- Chế độ ăn giảm nồng độ cholesterol và triglyceride
- Cách kiểm soát rối loạn mỡ máu tại nơi làm việc
Tài liệu tham khảo
1.Kim NH, Han KH, Choi J, Lee J, Kim SG. Use of fenofibrate on cardiovascular outcomes in statin users with metabolic syndrome: propensity matched cohort study. BMJ. 2019;366:l5125. Published 2019 Sep 27. doi:10.1136/bmj.l5125
2.Lee J, Lee SH. Expanding the therapeutic landscape: ezetimibe as non-statin therapy for dyslipidemia. Korean J Intern Med. 2023;38(6):797-809. doi:10.3904/kjim.2023.243
3.Miura S, Saku K. Beneficial effects of ezetimibe-based therapy in patients with dyslipidemia. J Cardiol. 2008;52(1):1-6. doi:10.1016/j.jjcc.2008.05.001
4.Roth EM, Davidson MH. PCSK9 Inhibitors: Mechanism of Action, Efficacy, and Safety. Rev Cardiovasc Med. 2018;19(S1):S31-S46. doi:10.3909/ricm19S1S0002
5.Tài liệu thông tin thuốc Lipanthyl
6.Australia H. Mediterranean diet. www.healthdirect.gov.au. Published November 3, 2023. https://www.healthdirect.gov.au/mediterranean-diet
7.National Heart, Lung, and Blood Institute. DASH eating plan. National Heart, Lung, and Blood Institute. Published 2021. https://www.nhlbi.nih.gov/education/dash-eating-plan
8.Chế độ luyện tập, vận động phù hợp cho người cao tuổi – Chương trình mục tiêu quốc gia – Cổng thông tin Bộ Y tế. Moh.gov.vn. Published 2019. https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/che-o-luyen-tap-van-ong-phu-hop-cho-nguoi-cao-tuoi?inheritRedirect=false
9.Visseren FLJ, Mach F, Smulders YM, et al. 2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. Eur Heart J. 2021 Sep 7;42(34):3227-3337. doi: 10.1093/eurheartj/ehab484. Erratum in: Eur Heart J. 2022 Nov 7;43(42):4468.