Bí quyết kiểm soát mỡ máu hiệu quả (Phần 3)

Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước
Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam. Chủ tịch Hội Tim mạch TP. Hồ Chí Minh. Nguyên Hiệu trưởng ĐH Y Dược TPHCM.
  • Ngày cập nhật: 15/11/2024

Dù chúng ta có “vũ khí” mạnh mẽ đến đâu, nếu không sử dụng đúng cách và đều đặn, hiệu quả sẽ không cao. Tôi luôn nhắc nhở chị Lê tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, dùng thuốc theo chỉ định. Việc này không chỉ đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu mà còn giúp giảm thiểu các tác dụng phụ.

Hơn nữa, tuân thủ điều trị không chỉ dừng lại ở việc uống thuốc mà còn bao gồm cả thực hiện đều đặn các xét nghiệm theo dõi, tái khám đúng hẹn và thông báo kịp thời cho bác sĩ khi có thay đổi trong tình trạng sức khỏe. Đây chính là cách chúng ta “lắng nghe” cơ thể và điều chỉnh “chiến lược” kịp thời.

Khi bắt đầu điều trị, chị Lê đã gặp không ít trở ngại. Việc từ bỏ đồ ăn yêu thích và hạn chế uống rượu khiến chị cảm thấy khó khăn. Việc này cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội của chị. Tuy nhiên, với sự kiên trì, chị dần đạt được những thành công nhỏ. Chị dần ăn uống lành mạnh hơn, tìm ra cách hòa đồng mà không cần uống rượu, tạo thói quen tập thể dục đều đặn, và tuân thủ điều trị tốt.

Những khó khăn ban đầu của chị Lê

Qua thời gian 3 tháng từ khi dùng toa thuốc mới, không chỉ sức khỏe được cải thiện, tâm lý của chị cũng thay đổi tích cực. Chị chia sẻ với tôi là cảm thấy tự hào về nỗ lực của mình và xem việc điều trị là cách chăm sóc bản thân. Lần tái khám vừa rồi các chỉ số mỡ máu của chị tốt lên nhiều so với thời điểm 3 tháng trước. Chỉ số non-HDL-C giảm dần, triglyceride giảm dần, trong khi HDL-C tăng và LDL-C vẫn duy trì ở mức mong muốn. Kết quả này tạo động lực lớn cho chị tiếp tục duy trì lối sống khỏe mạnh và uống thuốc đều đặn.

Đặc biệt, thái độ của chị đối với việc uống thuốc cũng thay đổi. Chị xem đây là một phần trong quy trình chăm sóc sức khỏe hàng ngày, giống như việc ăn uống hay vệ sinh cá nhân.

Lần tái khám gần đây nhất hồi đầu tháng 8, kết quả xét nghiệm mới của chị Lê đã cho thấy những cải thiện đáng kể. Sau 6 tháng kiên trì điều trị và thay đổi lối sống non-HDL-C giảm từ 180 mg/dL xuống còn 135 mg/dL, Triglyceride giảm từ 400 mg/dL xuống còn 175 mg/dL, HDL-C tăng từ 35 mg/dL lên 45 mg/dL, LDL-C giữ ở mức 100 mg/dL. Dù chưa đạt được mức lý tưởng, nhưng sự cải thiện này thực sự rất phấn khởi.

GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước
GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước

Trải nghiệm của chị Lê cho thấy tầm quan trọng của sự kiên trì trong điều trị rối loạn mỡ máu. Kết quả điều trị thường không đến ngay lập tức mà cần thời gian để thấy được sự cải thiện trong các chỉ số xét nghiệm. Sự kiên trì đã giúp chị vượt qua những khó khăn ban đầu trong việc thay đổi thói quen. Đồng thời cũng tạo ra một chu trình tích cực, động lực trong dài hạn, khi mỗi thành công nhỏ lại tạo động lực cho những nỗ lực tiếp theo.

Câu chuyện của chị Lê không chỉ là một trải nghiệm cá nhân, mà còn là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai đang có rối loạn mỡ máu. Hãy nhớ rằng, bạn không đơn độc trên hành trình này. Mỗi bước tiến, dù nhỏ bé đều đáng tự hào. Hãy kiên nhẫn vì thay đổi cần thời gian. Đặt niềm tin vào bản thân và sự hướng dẫn của bác sĩ. Với mỗi bước đi trên con đường này, bạn đang dần tiến gần hơn đến một phiên bản khỏe mạnh hơn của chính mình.

* Tên của người bệnh trong bài viết được thay đổi để đảm bảo quy định về thông tin dữ liệu

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo

Bosworth HB, Ngouyombo B, Liska J, Zullig LL, Atlani C, Beal AC. The importance of cholesterol medication adherence: the need for behavioral change intervention programs. Patient Preference and Adherence. 2018;Volume 12:341-348. doi:https://doi.org/10.2147/ppa.s153766

VTM1335999 (v1.0)