Tuổi mãn kinh có thể đến sớm hơn bạn nghĩ, lắng nghe cơ thể để bảo vệ tốt hơn
- Ngày cập nhật: 19/09/2023
Mục lục
- Tác động đa chiều của mãn kinh đối với phụ nữ
- Mãn kinh và cuộc sống công sở
- Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?
- Mãn kinh ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
- Mãn kinh và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe.
- Tầm quan trọng của việc thăm khám bác sĩ
- Bác sĩ chẩn đoán mãn kinh như thế nào
- Thay đổi lối sống có thể hữu ích
- Cách để giảm bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm
- Cách giảm khô âm đạo và bảo vệ xương
- Cách để giảm bớt sự thay đổi tâm trạng
- Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ thay vì âm thầm chịu đựng
Tác động đa chiều của mãn kinh đối với phụ nữ
Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh có thể ảnh hưởng xấu đến thể chất, cảm xúc, tinh thần và đời sống xã hội của người phụ nữ.
Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ bị khô âm đạo dẫn đến khó khăn khi quan hệ tình dục, và có thể gây nhiễm trùng âm đạo hoặc đường tiểu.
Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh sẽ khó ngủ hơn. Việc thiếu ngủ trong thời gian dài dẫn đến mệt mỏi, thiếu năng lượng, và các vấn đề về trí nhớ. Thay đổi tâm trạng, cáu gắt có thể xảy ra, những triệu chứng này là do sự thay đổi về nội tiết tố hoặc các yếu tố khác.
Mãn kinh và cuộc sống công sở
Giai đoạn mãn kinh có thể ảnh hưởng đến công việc của chị em. Đôi khi các triệu chứng làm giảm khả năng tập trung hoặc chất lượng làm việc.
Trong một cuộc khảo sát với 1.000 người trưởng thành ở Anh, Hiệp hội Mãn kinh Anh quốc phát hiện ra rằng 45% phụ nữ có triệu chứng mãn kinh bị ảnh hưởng đến công việc, và có đến một nửa số người xin nghỉ phép do các triệu chứng mãn kinh cho biết rằng sẽ không báo với sếp lý do xin nghỉ thực sự. Nhiều phụ nữ cho biết rất khó kiểm soát các triệu chứng mãn kinh tại nơi làm việc. Việc này thường khó khăn, đặc biệt khi nhiều phụ nữ cảm thấy khó chia sẻ cho các đồng nghiệp hay sếp.
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?
Sự thay đổi về nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần ở người phụ nữ. Hơn nữa phụ nữ độ tuổi 40-50 cũng phải chịu nhiều áp lực khác từ công việc, gia đình.
Cứ 10 phụ nữ thì có đến 4 người bị thay đổi tâm trạng trong thời kỳ mãn kinh, chị em có thể trải qua cảm giác lo lắng, căng thẳng, khó chịu hoặc thậm chí trầm cảm. Các triệu chứng của trầm cảm gồm khóc nhiều, cảm thấy vô dụng, mất hy vọng, không còn hứng thú với hoạt động thường ngày.
Các triệu chứng khác bao gồm tức giận, cáu gắt, hay quên, mất tự tin, buồn bã, kém tập trung.
Mãn kinh ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
Sự thiếu hụt hormone nữ ảnh hưởng nhiều đến làn da:
- Da mỏng
- Khô da, tăng nếp nhăn,
- Da nổi mụn
- Lâu lành vết thương hơn
- Giảm độ đàn hồi
- Giảm hàng rào bảo vệ da
Mãn kinh và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe.
Bệnh tim. Trước 55 tuổi, phụ nữ ít có nguy cơ mắc bệnh tim hơn nam giới. Estrogen có tác động tốt lên hệ mạch, đồng thời giúp cơ thể duy trì sự cân bằng giữa cholesterol tốt và xấu. Không có estrogen, cholesterol bắt đầu tích tụ trên thành mạch cung cấp máu cho tim. Ở tuổi 70, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim tương tự như nam giới ở cùng độ tuổi.
Đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ của chị em tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm từ tuổi 55 trở đi. Nồng độ estrogen thấp hơn dẫn đến tích tụ cholesterol trên thành mạch cung cấp máu cho não nhiều hơn.
Loãng xương. Có ít estrogen hơn làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Loãng xương là tình trạng xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Phụ nữ bị bốc hỏa nặng và đổ mồ hôi ban đêm trong giai đoạn tiền mãn kinh thường có nguy cơ gãy xương hông cao hơn so với những phụ nữ không có các triệu chứng nặng.
Ngộ độc chì. Chì được tích lũy dần dần ở xương trong suốt cuộc đời. Sau khi mãn kinh, lượng chì tích lũy trong xương được giải phóng vào máu nhiều hơn, làm tăng nguy cơ cao huyết áp, xơ vữa động mạch, ảnh hưởng đến chức năng thận. Lượng chì trong máu tăng cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như chứng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến trí nhớ, và khả năng suy nghĩ.
Tiểu không tự chủ. Nồng độ estrogen thấp hơn có thể làm suy yếu niệu đạo, làm cho cơ bàng quang yếu đi, dẫn đến rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi, ho, cười, hoặc chạy. Tình trạng này được gọi là tiểu không tự chủ. Khoảng một nửa phụ nữ sau mãn kinh gặp khó khăn trong việc kiểm soát nước tiểu.
Các vấn đề về răng miệng. Khô miệng và tăng nguy cơ sâu răng thường gặp hơn sau khi mãn kinh.
Tầm quan trọng của việc thăm khám bác sĩ
Khi bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh, chị em nên đến bác sĩ để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe dự phòng.
Mặc dù mãn kinh là quá trình tự nhiên bình thường của phụ nữ, nhưng với các triệu chứng vừa và nặng, chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để giúp kiểm soát và tìm phương pháp giúp giảm bớt sự khó chịu.
Một số người thấy rằng thay đổi thói quen ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp giúp ích ít nhiều. Những người khác cần dùng thuốc để giảm các triệu chứng.
Trong quá trình điều trị, chủ động thảo luận với bác sĩ về triệu chứng, tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, cũng như mong muốn về điều trị là điều nên làm. Chị em cũng nên gặp bác sĩ hàng năm để trao đổi về kế hoạch điều trị, hay thảo luận về những thay đổi điều trị mà chị em muốn thực hiện.
Bác sĩ chẩn đoán mãn kinh như thế nào
Chẩn đoán mãn kinh dựa trên việc không có kinh nguyệt trong 12 tháng và không cần xét nghiệm thêm đối với chị em có triệu chứng phù hợp.
Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone FSH chỉ được cân nhắc để chẩn đoán thời kỳ mãn kinh ở:
- phụ nữ từ 40 đến 45 tuổi có triệu chứng mãn kinh, bao gồm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- phụ nữ dưới 40 tuổi nghi ngờ mãn kinh
Thay đổi lối sống có thể hữu ích
Thay đổi lối sống không chắc chắn giúp cải thiện triệu chứng, nhưng sẽ giúp nâng cao sức khỏe để chị em có thể trải qua các triệu chứng nhẹ nhàng hơn.
Thay đổi lối sống gồm những việc căn bản dưới đây:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Tránh những yếu tố kích thích
- Kiểm soát môi trường phù hợp
- Tập thể dục thường xuyên
Cách để giảm bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm
Chị em có thể áp dụng một số cách dưới đây:
- mặc quần áo nhẹ
- giữ cho phòng ngủ mát mẻ vào ban đêm
- tắm mát, sử dụng quạt hoặc uống nước lạnh
- cố gắng giảm mức độ căng thẳng
- tránh hoặc giảm các tác nhân kích thích như thức ăn cay, caffein, đồ uống nóng, hút thuốc, rượu
- tập thể dục đều đặn
- giảm cân nếu thừa cân
Cách giảm khô âm đạo và bảo vệ xương
Giảm khô âm đạo
Chị em có thể nói chuyện với bác sĩ/dược sĩ để được tư vấn loại kem dưỡng ẩm phù hợp.
Có những phương pháp điều trị khô âm đạo khác mà bác sĩ có thể chỉ định, chẳng hạn như liệu pháp hormone mãn kinh hoặc điều trị bằng hormone dạng kem, vòng đặt, gel hoặc vòng âm đạo.
Bảo vệ xương
Một số cách dưới đây có thể hữu ích:
- tập thể dục thường xuyên, các bài tập mà chân chịu trọng lượng cơ thể (như đi bộ, chạy hoặc nhảy) và các bài tập kháng lực (ví dụ: tập tạ)
- ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, rau, các thực phẩm là nguồn canxi như sữa, sữa chua, cải xoăn
- tắm nắng đúng cách để kích hoạt sản xuất vitamin D
- uống bổ sung vitamin D theo hướng dẫn
- ngừng hút thuốc, giảm uống rượu
Cách để giảm bớt sự thay đổi tâm trạng
Sự thay đổi tâm trạng, buồn bã và lo lắng ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh là điều khá thường gặp. Dưới đây là một số cách chị em có thể thử áp dụng:
- nghỉ ngơi nhiều
- tập thể dục đều đặn
- thư giãn
- liệu pháp nhận thức hành vi – một liệu pháp nói chuyện có thể giúp giảm tâm trạng buồn bực và lo lắng, cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề về giấc ngủ.
Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ thay vì âm thầm chịu đựng
Có nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau dành cho những chị em trải qua giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
Cố gắng cởi mở, chia sẻ các triệu chứng với bạn đời, gia đình và bạn bè – điều đó giúp mọi người hiểu hơn và cũng giúp chị em cảm thấy không đơn độc và luôn có sự hỗ trợ khi cần.
Cũng có nhiều nhóm hỗ trợ, trang web, và video trực tuyến nơi mọi người chia sẻ những trải nghiệm về thời kỳ mãn kinh chị em có thể tham gia.
Hỗ trợ từ bác sĩ Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về việc điều trị, hoặc nếu đang gặp khó khăn về tinh thần hoặc thể chất, trao đổi với bác sĩ là điều rất quan trọng. Một số khu vực có Phòng khám chuyên về mãn kinh sẽ đưa ra lời khuyên để kiểm soát các triệu chứng.
Xem thêm:
- Những vấn đề sức khỏe phụ nữ có thể gặp sau mãn kinh
- Thời kỳ mãn kinh: Tại sao tuân thủ điều trị quan trọng?
Tài liệu tham khảo
1. World Health Organisation. Menopause. www.who.int. Published October 17, 2022. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/menopause
2. What are the symptoms of menopause? https://www.nichd.nih.gov/. https://www.nichd.nih.gov/health/topics/menopause/conditioninfo/symptoms
3. Ledford H. How menopause reshapes the brain. Nature. 2023;617(7959):25-27. doi:https://doi.org/10.1038/d41586-023-01474-3
4. Gracia CR, Freeman EW. Onset of the Menopause Transition: The Earliest Signs and Symptoms. Obstetrics and Gynecology Clinics of North America. 2018;45(4):585-597. doi:https://doi.org/10.1016/j.ogc.2018.07.002
5. Menopause and your health. womenshealth.gov. Published July 12, 2017. https://www.womenshealth.gov/menopause/menopause-and-your-health
6. Gava G, Orsili I, Alvisi S, Mancini I, Seracchioli R, Meriggiola MC. Cognition, Mood and Sleep in Menopausal Transition: The Role of Menopause Hormone Therapy. Medicina. 2019;55(10). doi:https://doi.org/10.3390/medicina55100668
7. Menopause and the workplace. www.nhsinform.scot. https://www.nhsinform.scot/healthy-living/womens-health/later-years-around-50-years-and-over/menopause-and-post-menopause-health/menopause-and-the-workplace#:~:text=In%20a%20survey%20of%201%2C000
8. Menopause and your mental wellbeing. www.nhsinform.scot. https://www.nhsinform.scot/healthy-living/womens-health/later-years-around-50-years-and-over/menopause-and-post-menopause-health/menopause-and-your-mental-wellbeing#:~:text=Changes%20in%20your%20hormones%20during
9. https://www.acog.org/womens-health/experts-and-stories/the-latest/mood-changes-during-perimenopause-are-real-heres-what-to-know
10. Lephart ED, Naftolin F. Menopause and the Skin: Old Favorites and New Innovations in Cosmeceuticals for Estrogen-Deficient Skin. Dermatol Ther (Heidelb). 2021 Feb;11(1):53-69. doi: 10.1007/s13555-020-00468-7. Epub 2020 Nov 26. PMID: 33242128; PMCID: PMC7859014.
11. Gava G, Orsili I, Alvisi S, Mancini I, Seracchioli R, Meriggiola MC. Cognition, Mood and Sleep in Menopausal Transition: The Role of Menopause Hormone Therapy. Medicina. 2019;55(10). doi:https://doi.org/10.3390/medicina55100668
12. World Health Organisation. Menopause. www.who.int. Published October 17, 2022. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/menopause
13. Bleeding After Menopause Could Be A Problem. Here’s What To Know. www.acog.org. https://www.acog.org/womens-health/experts-and-stories/the-latest/bleeding-after-menopause-could-be-a-problem-heres-what-to-know
14. Menopause – Symptoms, diagnosis and treatment | BMJ Best Practice US. bestpractice.bmj.com. https://bestpractice.bmj.com/topics/en-us/194#:~:text=The%20diagnosis%20of%20menopause%20is 15. Menopause: Diagnosis and Management. National Institute for Health and Care Excellence (UK); 2019. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK552590/