Tuổi mãn kinh – Một hành trình mới của người phụ nữ
- Ngày cập nhật: 19/09/2023
Mục lục
- Giai đoạn mãn kinh là gì?
- Giai đoạn tiền mãn kinh là gì?
- Sự suy giảm nội tiết tố nữ giới là nguyên nhân
- Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài bao lâu?
- Triệu chứng phụ nữ thường gặp ở giai đoạn mãn kinh?
- Kinh nguyệt không đều và thỉnh thoảng bốc hỏa là biểu hiện thường gặp nhất
- Hiểu rõ hơn về bốc hỏa – Triệu chứng thường gặp nhất
- Thời gian và tần suất của các cơn bốc hỏa?
- Ai sẽ thường gặp các cơn bốc hỏa?
- Mỗi người phụ nữ trải qua giai đoạn mãn kinh theo nhiều cách khác nhau
- Đi thăm khám sớm thay vì âm thầm chịu đựng để giai đoạnh mãn kinh diễn ra thật nhẹ nhàng
- Lắng nghe thay đổi của cơ thể và đến gặp bác sĩ khi cần thiết
Giai đoạn mãn kinh là gì?
- Mãn kinh là thời điểm phụ nữ ngừng có kinh nguyệt hàng tháng. Điều này đánh dấu sự kết thúc tự nhiên của giai đoạn sinh sản, khi buồng trứng không còn rụng trứng nữa.
- Mãn kinh chỉ được chẩn đoán xác định sau 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt, mà không có nguyên nhân sinh lý, bệnh lý hay can thiệp lâm sàng nào khác.
- Tần suất của kỳ kinh nguyệt và số ngày hành kinh thay đổi tùy theo độ tuổi, còn tuổi mãn kinh tự nhiên thường từ 45 đến 55 tuổi đối với tất cả phụ nữ trên thế giới.
- Tuổi mãn kinh trung bình thay đổi tùy khu vực, ở Châu Á độ tuổi trung bình khoảng 49 tuổi
Giai đoạn tiền mãn kinh là gì?
Giai đoạn tiền mãn kinh là quá trình chuyển đổi giữa thời kỳ sinh sản và thời kỳ mãn kinh, thường là một quá trình kéo dài nhiều năm.
Ở giai đoạn này, chị em có thể gặp tình trạng như số ngày hành kinh ngắn hơn, kinh ít hơn, kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, mất ngủ và các triệu chứng khác. Những triệu chứng này gây khó chịu cho nhiều chị em và có thể cần hỗ trợ y tế.
Sự suy giảm nội tiết tố nữ giới là nguyên nhân
- Triệu chứng tiền mãn kinh xảy ra do có sự suy giảm rõ rệt các nội tiết tố nữ giới, là nội tiết tố estrogen và progesterone do buồng trứng tiết ra. Khi đó, cơ thể bắt đầu sử dụng năng lượng khác đi, các tế bào mỡ thay đổi, và dễ tăng cân hơn. Chị em có thể gặp phải những thay đổi về sức khỏe, hình thể, và khả năng hoạt động thể chất.
- Nồng độ estrogen thấp và những thay đổi do lão hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, suy giảm trí nhớ và loãng xương.
Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài bao lâu?
Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 45 đến 55, và thường trong khoảng 7 năm, nhưng cũng có thể kéo dài tới 14 năm. Thời gian phụ thuộc vào các yếu tố như hút thuốc lá, tuổi bắt đầu hút thuốc lá, chủng tộc, số lần mang thai, tình trạng thể chất, dinh dưỡng và di truyền.
Giai đoạn tiền mãn kinh là một quá trình có thể kéo dài hơn một thập kỷ, gây ra các triệu chứng ở phần lớn phụ nữ. Điều quan trọng là chị em nhận ra các dấu hiệu để sớm khám bác sĩ, và nhận được thêm những thông tin, hỗ trợ hữu ích. Từ đó bảo vệ sức khỏe tốt hơn và vững vàng hơn khi bước vào hành trình mới của tuổi mãn kinh.
Triệu chứng phụ nữ thường gặp ở giai đoạn mãn kinh?
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Bốc hỏa
- Mất tự tin, lo lắng, thay đổi tâm trạng – buồn bực hoặc khó chịu
- Khó ngủ, các vấn đề về trí nhớ, sự tập trung , đau đầu hoặc đau nửa đầu, ù tai
- Đánh trống ngực – nhịp tim đột nhiên trở nên nhanh và mạnh hơn.
- Khó chịu, khô và đau âm đạo, đau khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn tình dục
- Nhiễm trùng đường tiểu tái phát, chẳng hạn như viêm bàng quang
- Thay đổi về da – da khô hoặc tăng tiết dầu, lên mụn trứng cá
- Rụng tóc, rậm lông mặt
- Cứng khớp, đau nhức
Kinh nguyệt không đều và thỉnh thoảng bốc hỏa là biểu hiện thường gặp nhất
Khi kinh nguyệt bắt đầu thay đổi, phụ nữ thường băn khoăn về thời kỳ mãn kinh. Trong thời kỳ này, chị em có thể có:
- Số ngày có kinh dài hoặc ngắn hơn bình thường
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh kéo dài, hoặc ngắn hơn
- Không có 1 hoặc nhiều kỳ kinh
- Triệu chứng bốc hỏa – cơn nóng bừng bắt đầu ở ngực, mặt rồi di chuyển khắp cơ thể. Cơn bốc hỏa thường bắt đầu xảy ra trước khi ngừng có kinh
Hiểu rõ hơn về bốc hỏa – Triệu chứng thường gặp nhất
Bốc hỏa là triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, xảy ra ở 80% phụ nữ. Là cảm giác nóng, đỏ bừng, thoáng qua, đổ mồ hôi, lo lắng và ớn lạnh, kéo dài trong 1–5 phút. Cảm giác nóng thường khởi phát đột ngột, theo từng đợt, ở ngực, cổ và mặt, sau đó là toát mồ hôi.
Mỗi người sẽ có thời gian, mức độ nghiêm trọng, và tần suất bốc hỏa khác nhau. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, mức độ nghiêm trọng và tần suất bốc hỏa thường tăng lên, và cao nhất khoảng một năm sau kỳ kinh cuối cùng.
Một điều đáng lưu ý là nhiều phụ nữ gặp triệu chứng bốc hỏa nghiêm trọng, nhưng chỉ có khoảng 20 đến 30 phần trăm đi khám bác sĩ để điều trị.
Thời gian và tần suất của các cơn bốc hỏa?
Nhiều người nghĩ rằng bốc hỏa giảm dần và hết trong vài tháng kể từ khi khởi phát. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy triệu chứng thường kéo dài lâu hơn.
Bốc hỏa có thể kéo dài từ sáu tháng đến vài năm. Tần suất trung bình thay đổi từ 10 lần mỗi ngày đến vài lần mỗi tuần, thời gian trung bình là 1,2 năm.
Cơn bốc hỏa có thể tác động xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống (tăng nguy cơ tim mạch và loãng xương).
Với những triệu chứng trung bình, nặng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thì cần đi thăm khám kịp thời.
Ai sẽ thường gặp các cơn bốc hỏa?
- Béo phì – Phụ nữ mãn kinh béo phì có nồng độ estrone trong huyết thanh cao hơn so với phụ nữ gầy do có nguồn dự trữ nội tiết tố này trong mô mỡ, nhưng nghịch lý là những phụ nữ béo phì lại dễ bị bốc hỏa hơn. Giảm cân có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa.
- Hút thuốc.
- Nồng độ nội tiết tố – Nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH) trong huyết thanh hàng năm có liên quan đến mức độ và tần suất bốc hỏa.
- Chủng tộc.
- Di truyền.
Mỗi người phụ nữ trải qua giai đoạn mãn kinh theo nhiều cách khác nhau
Các triệu chứng trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ở mỗi người thường khác nhau. Chị em có thể có ít triệu chứng; hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Một số người khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh không gặp rắc rối gì, và thậm chí cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải lo lắng về những cơn đau khi hành kinh hoặc mang thai ngoài ý muốn. Nhưng với đa số phụ nữ, thời kỳ tiền mãn kinh không đơn giản như vậy.
Bốc hỏa, khó ngủ, đau khi quan hệ tình dục, buồn rầu, cáu gắt, trầm cảm là những triệu chứng chị em có thể gặp phải. Trong những trường hợp này, trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc để điều trị các triệu chứng là cần thiết.
Đi thăm khám sớm thay vì âm thầm chịu đựng để giai đoạn mãn kinh diễn ra thật nhẹ nhàng
Một phụ nữ 48 tuổi, đã có 2 con cũng đã lớn, cô đang làm chủ một doanh nghiệp hoạt động tốt. Cô than phiền là thời gian khoảng 6 tháng gần đây cô hay thấy mệt mỏi, tâm trạng thất thường, đôi lúc buồn chán, thỉnh thoảng hay có có cơn nóng toát mồ hôi nhất là ở mặt, có khi xảy ra vào ban đêm nên cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cô cũng thường cảm thấy khó chịu vì khô hạn, rối loạn tiểu tiện và ngại quan hệ vợ chồng. Chất lượng cuộc sống và hiệu suất công việc giảm sút nhiều.
Cô đi khám ở nhiều nơi và được khuyên thay đổi lối sống, tập Yoga, sử dung thuốc ngủ, thuốc kháng sinh đường tiết niệu,… Đồng thời cô cũng được khuyên sử dụng estrogen thảo dược (Isoflavon).
Cô đã nghe theo các lời tư vấn và cũng đã sử dụng estrogen thảo dược được gần 1 năm. Tuy nhiên, các biểu hiện vẫn tiếp tục mặc dù có phần nào cải thiện khi lúc đầu áp dụng các liêụ pháp.
Cô đi khám ở chuyên gia về mãn kinh và được tư vấn sử dụng liêụ pháp nội tiết mãn kinh và chỉ sau 1 tuần dùng thuốc đã thấy hiệu quả không còn bị bốc hỏa, tâm trạng tốt hơn, đời sống tình dục và công việc cũng cải thiện.
Hàng năm cô vẫn đi khám sức khoẻ tổng quát và phụ khoa. Cô tiếp tục sử dụng đến nay đã được 3 năm và cô cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu.
Lắng nghe thay đổi của cơ thể và đến gặp bác sĩ khi cần thiết
Như vậy, các triệu chứng mãn kinh từ trung bình đến nặng có thể tác động xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của phụ nữ.
Nếu triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống và làm phiền chị em, chẳng hạn như không thể ngủ được vì đổ mồ hôi ban đêm, khó làm việc vì những cơn bốc hỏa, hoặc nếu cảm thấy buồn, suy sụp, chị em nên thăm khám sớm. Chị em cân nhắc tìm một bác sĩ chuyên thăm khám tiền mãn kinh hoặc sức khỏe phụ nữ để có thêm thông tin về điều trị các triệu chứng.
Nhiều phụ nữ cảm thấy ngượng khi trao đổi về mãn kinh với bác sĩ. Chị em nên nhớ rằng đây là giai đoạn bình thường và ai cũng sẽ trải qua, đừng bỏ mặc cơ thể hay âm thầm chịu đựng các triệu chứng mà không ứng phó. Các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa sẽ có các phương pháp hữu hiệu hỗ trợ chị em khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Xem thêm:
- Tuổi mãn kinh có thể đến sớm hơn bạn nghĩ, lắng nghe cơ thể để bảo vệ tốt hơn
- Liệu pháp nội tiết mãn kinh, nhẹ nhàng cùng bạn bước vào tuổi mãn kinh
- Những lầm tưởng về mãn kinh và lời đồn từ xa xưa, đâu mới là sự thật?
Tài liệu tham khảo
1. Santoro N, Roeca C, Peters BA, Neal-Perry G. The Menopause Transition: Signs, Symptoms, and Management Options. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 2020;106(1). doi:https://doi.org/10.1210/clinem/dgaa764
2. Takahashi TA, Johnson KM. Menopause. The Medical clinics of North America. 2015;99(3):521-534. doi:https://doi.org/10.1016/j.mcna.2015.01.006
3. Bansal R, Aggarwal N. Menopausal Hot Flashes: A Concise Review. Journal of Mid-Life Health. 2019;10(1):6-13. doi:https://doi.org/10.4103/jmh.JMH_7_19
4. Lugo T, Tetrokalashvili M. Hot Flashes. PubMed. Published 2023. Accessed June 12, 2023. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30969649/
5. Mahajan A, Patni R. Hot Flashes–How long ?? Journal of Mid-life Health. 2018;9(2):53. doi:https://doi.org/10.4103/jmh.jmh_71_18
6. Freeman EW, Sammel MD, Sanders RJ. Risk of long-term hot flashes after natural menopause. Menopause. 2014;21(9):924-932. doi:https://doi.org/10.1097/gme.0000000000000196
7. Huang AJ, Grady D, Jacoby VL, Blackwell TL, Bauer DC, Sawaya GF. Persistent Hot Flushes in Older Postmenopausal Women. Archives of Internal Medicine. 2008;168(8):840. doi:https://doi.org/10.1001/archinte.168.8.840
8. Thurston RC, Sutton-Tyrrell K, Everson-Rose SA, Hess R, Matthews KA. Hot Flashes and Subclinical Cardiovascular Disease. Circulation. 2008;118(12):1234-1240. doi:https://doi.org/10.1161/circulationaha.108.776823
9. Crandall CJ, Tseng CH, Crawford SL, et al. Association of menopausal vasomotor symptoms with increased bone turnover during the menopausal transition. Journal of Bone and Mineral Research. 2011;26(4):840-849. doi:https://doi.org/10.1002/jbmr.259
10. C. Pillay O, Manyonda I. The surgical menopause. Best Practice & Research Clinical Obstetrics & Gynaecology. Published online March 2022. doi:https://doi.org/10.1016/j.bpobgyn.2022.03.001
11. Mair KM, Gaw R, MacLean MR. Obesity, estrogens and adipose tissue dysfunction – implications for pulmonary arterial hypertension. Pulmonary Circulation. 2020;10(3):204589402095201. doi:https://doi.org/10.1177/2045894020952023
12. Gallicchio L, Miller SR, Kiefer J, Greene T, Zacur HA, Flaws JA. Change in Body Mass Index, Weight, and Hot Flashes: A Longitudinal Analysis from the Midlife Women’s Health Study. Journal of Women’s Health. 2014;23(3):231-237. doi:https://doi.org/10.1089/jwh.2013.4526
13. Tang R, Fan Y, Luo M, Zhang D, Xie Z, Huang F, Wang Y, Liu G, Wang Y, Lin S, Chen R. General and Central Obesity Are Associated With Increased Severity of the VMS and Sexual Symptoms of Menopause Among Chinese Women: A Longitudinal Study. Frontiers in Endocrinology. 2022;13.
14. Huang AJ. An Intensive Behavioral Weight Loss Intervention and Hot Flushes in WomenWeight Loss Intervention and Hot Flushes. Archives of Internal Medicine. 2010;170(13):1161. doi:https://doi.org/10.1001/archinternmed.2010.162
15. Jayasena CN, Comninos AN, Evgenia Stefanopoulou, et al. Neurokinin B Administration Induces Hot Flushes in Women. Scientific Reports. 2015;5(1). doi:https://doi.org/10.1038/srep08466
16. Palacios S, Stevenson JC, Schaudig K, Lukasiewicz M, Graziottin A. Hormone therapy for first-line management of menopausal symptoms: Practical recommendations. Women’s Health. 2019;15. doi:https://doi.org/10.1177/1745506519864009