Tác động của cúm mùa đến trẻ và lợi ích của tiêm vaccine

Cúm lây qua đường hô hấp, gây sốt, ho, tấn công phổi của trẻ, nên cần tiêm vaccine để bảo vệ, nhất là khi trẻ thường xuyên đến trường, tiếp xúc nhiều người. Cùng a:care Việt Nam tìm hiểu chi tiết dưới đây!

Thực trạng của cúm mùa đối với trẻ hiện nay

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm cúm mùa tấn công 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em, gây ra các mức độ bệnh tật, nhập viện và tử vong. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em, người già trên 65 tuổi và người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch… Do đó, việc tiêm phòng vaccine có ý nghĩa quan trọng.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Mỹ) ước tính từ mùa 2010-2011 đến mùa 2019-2020 có từ 7.000-26.000 trẻ dưới 5 tuổi nhiễm cúm nhập viện. Năm 2009-2010 xảy ra đại dịch cúm H1N1, số ca tử vong có liên quan đến nhiễm cúm mùa ở trẻ em là 358 ca, trong số đó, khoảng 80% trẻ không tiêm phòng vaccine cúm.

Trong bối cảnh bình thường mới, bên cạnh nguy cơ mắc Covid-19, trẻ có thể bị đồng mắc với các virus khác như virus cúm, virus hợp bào hô hấp và các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp khác. Về bản chất cả virus Covid-19 và virus cúm đều có thể tấn công phổi, có khả năng gây viêm phổi, tình trạng đồng nhiễm có thể làm tăng tỷ lệ suy hô hấp thở máy lên hơn so với chỉ nhiễm một loại, đặc biệt trên nhóm trẻ ở độ tuổi đến trường hoặc trẻ có bệnh nền (bệnh tim bẩm sinh, hen, béo phì…) mà chưa tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

Trẻ nhiễm cúm có thể có các triệu chứng sau: sốt cao (39 -40oC), đau đầu, đau cơ, chảy mũi, nghẹt mũi, ho, đau ngực, đau họng, mệt mỏi…. Các biến chứng bệnh cúm gồm viêm thanh khí phế quản (trẻ dưới 5 tuổi), viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm não, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu do viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn, suy tim.

Tìm hiểu thêm: Triệu chứng và cách phòng cúm hiệu quả cho trẻ em

Bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Để giảm sự lây lan cho trẻ khác, cũng như người lớn tuổi, người có bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trẻ nhiễm cúm nên được nghỉ học và ba mẹ theo dõi chăm sóc tại nhà, phát hiện kịp thời dấu hiệu nặng.

image

Các biện pháp bảo vệ trẻ trước cúm mùa

Để chủ động phòng chống cúm mùa, các biện pháp không dùng thuốc được khuyến cáo như:

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc sản phẩm nước rửa tay nhanh khi trẻ đi dã ngoại hoặc khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
  • Rửa tay trước khi đưa tay lên vùng mắt mũi miệng. Khi ho, hắt hơi nên che miệng, mũi bằng khăn giấy rồi bỏ vào thùng rác. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất để nâng cao thể trạng. Thường xuyên tập luyện thể thao, vận động ngoài trời.
  • Mang khẩu trang khi đến chỗ đông người. Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (trên một mét).
  • Vệ sinh và đảm bảo không gian sinh hoạt, học tập của trẻ luôn thông thoáng, lau chùi bề mặt các vật dụng bằng dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ.
  • Bên cạnh đó, tiêm phòng vaccine cúm mùa định kỳ hàng năm được xem là biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tiêm vaccine có thể hạn chế nguy cơ trẻ nghỉ học do cúm mùa, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người thân, nhất là người có nguy cơ cao mắc cúm mùa.

CDC tiến hành các nghiên cứu mỗi năm để xác định mức độ bảo vệ của vaccine cúm đối với bệnh cúm. Nghiên cứu gần đây cho thấy, tiêm phòng cúm mùa giúp giảm 40-60%% tỷ lệ mắc bệnh. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, tiêm phòng giảm nguy cơ nhập viện và giảm 74% nguy cơ diễn tiến nặng nhập khoa hồi sức nhi trong các mùa cúm 2010-2012; giảm 80% tử vong liên quan đến cúm (theo nghiên cứu năm 2018) và giảm chi phí y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bệnh.

Các loại vaccine cúm ở Việt Nam

Hiện nay, tại Việt Nam đã có vaccine cúm tứ giá có thể phòng ngừa 4 chủng virus cúm nguy hiểm đang lưu hành, có thể gây thành đại dịch và tử vong cao là 2 chủng cúm A (A/H1N1), A (A/H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Hiệu quả phòng bệnh do cúm với các chủng virus có trong vaccine khoảng 2-3 tuần sau tiêm. Thời gian duy trì miễn dịch sau tiêm thường 6-12 tháng. Lịch tiêm phòng cúm mùa ở trẻ em.

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 9 tuổi chưa được tiêm phòng trước đó: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu một tháng. Sau đó tiêm nhắc lại một mũi hàng năm.

Trẻ trên 9 tuổi và người lớn: tiêm một mũi duy nhất và tiêm nhắc lại hàng năm.

Ở Việt Nam, nghiên cứu dịch tễ học cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10 hàng năm, có xu hướng gia tăng trong mùa xuân và mùa đông. Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng cúm vào bất cứ thời điểm nào trong năm, có thể tiêm vaccine cúm mùa cùng thời điểm với các vaccin khác nhưng trên vị trí khác nhau.

Các phản ứng phụ sau khi tiêm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình như sốt, đau tại chỗ tiêm, đau cơ (hội chứng giả cúm)… và sẽ tự khỏi sau 1-2 ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo một nghiên cứu về vaccine đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2011, vaccine tứ giá tiểu đơn vị, bao gồm các kháng nguyên bề mặt của virus cúm, đã được chứng minh hiệu quả và độ an toàn, hạn chế các tác dụng không mong muốn sau khi tiêm. Do vậy, trẻ nên tiêm nhắc vaccin cúm định kỳ hàng năm để giúp bảo vệ bản thân trẻ và cả gia đình.

Bác sĩ Huỳnh Tiểu Niệm
Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Trẻ em từ 6 tháng tuổi, người lớn nên đến các trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm phòng cúm hàng năm nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.

Nguồn tham khảo:

https://www.cdc.gov/flu/highrisk/children.htm
https://vncdc.gov.vn/dich-cum-mua-dang-bung-phat-tai-hoa-ky-nd13501.html
https://www.hoihendumdlstphcm.org.vn/index.php/kien-thuc-y-khoa/453-nhiem-covid-19-cum-va-cac-benh-ho-hap-khac
http://www.pasteurhcm.gov.vn/news/ban-da-biet-gi-ve-benh-va-cac-bien-phap-phong-benh-cum-mua-410.html
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children#:~:text=Key%20points%20about%20the%20flu%20in%20children&text=the%20respiratory%20system.-,It%20causes%20a%20high%20fever%2C%20body%20aches%2C%20a%20cough%2C,infection%20(pneumonia)%20or%20death.
https://trungtamytehalong.vn/benh-cum-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-ngua/
https://www.webmd.com/vaccines/how-effective-is-flu-vaccine
https://www.cdc.gov/flu/vaccines-work/vaccineeffect.htm

VTM1298368