Vaccine cúm bảo vệ mẹ bầu, thai nhi khỏi biến chứng do cúm (Phần 1)

BS.CKII Phan Văn Già Chuồn
Chuyên gia viết bài: BS.CKII Phan Văn Già Chuồn
Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Từ Dũ
  • Ngày cập nhật: 29/04/2025
  • Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ hoạt động ra sao?

Trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi – cơ thể người mẹ sẽ có nhiều thay đổi để “chấp nhận” sự hiện diện của em bé. Hệ miễn dịch của mẹ bầu phải điều chỉnh, trở nên “yếu đi một chút” để không nhận nhầm thai nhi là tác nhân lạ.

Chính vì vậy, phụ nữ mang thai có đề kháng yếu hơn đối với sự xâm nhập của các virus như cúm, dẫn đến tăng khả năng mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chuyện này cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như tiêm phòng, để bảo vệ cả mẹ và thai nhi trong thời kỳ mang thai.

Thai kỳ và virus cúm
  • Cúm không chỉ là bệnh nhẹ! có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu.

Những thay đổi trong hệ miễn dịch và cơ thể khi mang thai khiến mẹ bầu dễ gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp cấp, thậm chí có thể phải nhập viện hoặc vào phòng hồi sức tích cực

Không chỉ mẹ bị ảnh hưởng, mà thai nhi cũng có thể chịu hậu quả. Khi mẹ nhiễm cúm, nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân, chậm phát triển trong bụng mẹ, thậm chí thai chết lưu có thể xảy ra. Nguyên nhân là do cúm có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nhau thai – cơ quan trao đổi oxy và dinh dưỡng giữa mẹ và bé – khiến bé không được cung cấp đủ dưỡng chất và oxy cần thiết. Trong một số trường hợp nặng, cúm còn làm rối loạn hệ tuần hoàn của mẹ, gây thiếu oxy nghiêm trọng cho bé.

  • Hiệu quả bảo vệ của vaccine cúm

Vaccine cúm đã được chứng minh là hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm cúm trong thai kỳ và giúp bé sơ sinh giảm nguy cơ mắc cúm trong những tháng đầu đời.

Cụ thể, vaccine cúm có thể giúp giảm 72% nguy cơ nhiễm cúm ở phụ nữ mang thai, và ở trẻ dưới 6 tháng tuổi – độ tuổi chưa thể tiêm phòng – việc mẹ tiêm vaccine khi mang thai giúp bé giảm 64% nguy cơ nhiễm cúm sau sinh.

BSCKII. Phan Văn Già Chuồn
BSCKII. Phan Văn Già Chuồn
  • Loại vaccine được khuyên dùng

Vaccine được khuyên dùng cho mẹ bầu là vaccine cúm bất hoạt, tức là loại vaccine chứa virus chết không còn khả năng gây bệnh. Vaccine bất hoạt có độ an toàn cao và có thể tiêm ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Ngoài việc bảo vệ mẹ khỏi những biến chứng nặng của cúm, kháng thể được cơ thể mẹ bầu tạo thành sau khi tiêm vaccine cúm còn có thể truyền sang thai nhi, tạo nên hang rào bảo vệ đầu đời cho bé.

Ngược lại, vaccine cúm sống giảm độc lực – thường được dùng dạng xịt mũi – không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Dù virus trong loại vaccine này đã được làm yếu, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến thai nhi.

Còn tiếp

Xem thêm:

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Monocytes and Macrophages in Pregnancy: The Good, the Bad, and the Ugly. True H, Blanton M, Sureshchandra S, Messaoudi I. Immunological Reviews. 2022;308(1):77-92. doi:10.1111/imr.13080.

2. Innate Immune Cells and Toll-Like Receptor-Dependent Responses at the Maternal-Fetal Interface. Olmos-Ortiz A, Flores-Espinosa P, Mancilla-Herrera I, et al. International Journal of Molecular Sciences. 2019;20(15):E3654. doi:10.3390/ijms20153654.

3. Pregnant Women Have Attenuated Innate Interferon Responses to 2009 Pandemic Influenza a Virus Subtype H1N1. Forbes RL, Wark PA, Murphy VE, Gibson PG. The Journal of Infectious Diseases. 2012;206(5):646-53. doi:10.1093/infdis/jis377.

4. H1N1 Influenza Virus Infection Results in Adverse Pregnancy Outcomes by Disrupting Tissue-Specific Hormonal Regulation. Littauer EQ, Esser ES, Antao OQ, et al. PLoS Pathogens. 2017;13(11):e1006757. doi:10.1371/journal.ppat.1006757.

5. Hormonal Regulation of Physiology, Innate Immunity and Antibody Response to H1N1 Influenza Virus Infection During Pregnancy. Littauer EQ, Skountzou I. Frontiers in Immunology. 2018;9:2455. doi:10.3389/fimmu.2018.02455.

6. Influenza in Pregnancy: Maternal, Obstetric, and Fetal Implications, Diagnosis, and Management. Dotters-Katz SK. Clinical Obstetrics and Gynecology. 2024;67(3):557-564. doi:10.1097/GRF.0000000000000880.

7. Influenza Virus Infection in Pregnancy: A Review. Meijer WJ, van Noortwijk AG, Bruinse HW, Wensing AM. Acta Obstetricia Et Gynecologica Scandinavica. 2015;94(8):797-819. doi:10.1111/aogs.12680.

8. Effects of Vertical Transmission of Respiratory Viruses to the Offspring. Manti S, Leonardi S, Rezaee F, et al. Frontiers in Immunology. 2022;13:853009. doi:10.3389/fimmu.2022.853009.

9. Influenza a Virus Infection Disrupts the Function of Syncytiotrophoblast Cells and Contributes to Adverse Pregnancy Outcomes. Wang J, Liu W, Zhuang Y, et al. Journal of Medical Virology. 2024;96(6):e29687. doi:10.1002/jmv.29687.

10. Severe Influenza A(H1N1)pdm09 in Pregnant Women and Neonatal Outcomes, State of Sao Paulo, Brazil, 2009. Ribeiro AF, Pellini ACG, Kitagawa BY, et al. PloS One. 2018;13(3):e0194392. doi:10.1371/journal.pone.0194392.

11. Influenza a Virus Causes Maternal and Fetal Pathology via Innate and Adaptive Vascular Inflammation in Mice. Liong S, Oseghale O, To EE, et al. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America. 2020;117(40):24964-24973. doi:10.1073/pnas.2006905117.

12. Influenza Virus Infection During Pregnancy as a Trigger of Acute and Chronic Complications. Oseghale O, Vlahos R, O’Leary JJ, et al. Viruses. 2022;14(12):2729. doi:10.3390/v14122729.

13. Effectiveness of Influenza Vaccination During Pregnancy Against Laboratory-Confirmed Seasonal Influenza Among Infants Under 6 Months of Age in Ontario, Canada. Fell DB, Russell M, Fung SG, et al. The Journal of Infectious Diseases. 2024;230(1):e80-e92. doi:10.1093/infdis/jiad539.

14. Effectiveness of Quadrivalent Influenza Vaccine in Pregnant Women and Infants, 2018-2019. Maltezou HC, Asimakopoulos G, Stavrou S, et al. Vaccine. 2020;38(29):4625-4631. doi:10.1016/j.vaccine.2020.04.060.

15. Prevention and Control of Seasonal Influenza With Vaccines: Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices – United States, 2022-23 Influenza Season. Grohskopf LA, Blanton LH, Ferdinands JM, et al. MMWR. Recommendations and Reports : Morbidity and Mortality Weekly Report. Recommendations and Reports. 2022;71(1):1-28. doi:10.15585/mmwr.rr7101a1. 

16. Vaccination Guidelines for Female Infertility Patients: A Committee Opinion. Fertility and Sterility. 2013;99(2):337-9. doi:10.1016/j.fertnstert.2012.08.027.

17. https://www.cdc.gov/flu/vaccine-types/nasalspray.html (CDC. Vaccine type. 2022)

VTM1353545 (v1.0)