Vai trò của kiểm soát non-HDL-C trong phòng bệnh tim mạch do xơ vữa

bác sĩ Trương Thanh Hương
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Trương Thanh Hương
Phó Chủ tịch Phân Hội Xơ vữa Động mạch Việt Nam / Trưởng Bộ môn Nội, Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa / Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Phenikaa
  • Ngày cập nhật: 30/6/2024

Trong bài viết trước, chúng tôi đã giải thích cho người đọc về ý nghĩa của chỉ số non-HDL-C trong rối loạn lipid máu. Bài viết này sẽ nói đến tầm quan trọng của việc kiểm soát chỉ số non-HDL-C và lưu ý khi thực hiện xét nghiệm non-HDL-C máu.

1. Tại sao kiểm soát tình trạng tăng non-HDL-C máu lại quan trọng?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng non-HDL-C là một yếu tố dự báo nguy cơ tim mạch. Trong thực tế, có những người có mức LDL-C chỉ tăng nhẹ hoặc thậm chí đã đạt mức mục tiêu điều trị nhưng vẫn xuất hiện bệnh tim mạch do xơ vữa. Các nghiên cứu ghi nhận nguy cơ xuất hiện và tiến triển bệnh tim mạch do xơ vữa vẫn còn đáng kể ở người chỉ tăng LDL-C tăng nhẹ, thậm chí là đạt mức mục tiêu điều trị nhưng còn tăng non-HDL-C. Đó là vì tăng non-HDL-C phản ánh chính xác gánh nặng tổng thể của cholesterol trong các hạt lipoprotein sinh xơ vữa, tương quan tốt hơn với tình trạng tăng hạt lipoprotein sinh xơ vữa giàu triglyceride (hạt dưỡng chất tồn dư, VLDL, IDL) so với cholesterol toàn phần và triglyceride. Đặc biệt lưu ý, nhóm người thừa cân, béo phì, mắc hội chứng chuyển hóa hoặc đái tháo đường có một tỉ lệ lớn có tăng non-HDL-C và tăng triglycerid mà mức LDL-C tăng nhẹ, thậm chí không tăng. Do đó, khi phân tích kết quả xét nghiệm lipid máu cần chú ý đến chỉ số non-HDL-C, nhất là ở nhóm bệnh nhân kể trên để phân tầng nguy cơ tim mạch và hướng dẫn dự phòng tim mạch.

Tại sao kiểm soát tình trạng tăng non-HDL-C máu lại quan trọng?

Thực tế, các khuyến cáo mới nhất của các tổ chức y khoa uy tín quốc tế và trong nước như Hội Tim mạch Châu Âu, Hội Xơ vữa động mạch Châu Âu và Hội Tim mạch học Việt Nam nhấn mạnh chỉ số non-HDL-C là thành tố chính sử dụng cho các thang điểm dự báo nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch do xơ vữa trong tương lai (thang điểm SCORE-2, SCORE-2OP) dùng để phân tầng nguy cơ tim mạch từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp. Các bệnh nhân tăng non-HDL-C có thể cân nhắc điều trị hạ non-HDL-C đạt mục tiêu tương ứng mức phân tầng nguy cơ tim mạch bằng điểu chỉnh lối sống và thuốc hạ lipid máu đặc hiệu như statin, fibrate và icosapent ethyl

2. Lưu ý khi xét nghiệm non-HDL-C máu?

Như đề cập ở trên, mức non-HDL-C được tính bằng tổng cholesterol toàn phần trừ HDL-C, tức bao gồm lượng cholesterol trong hạt dưỡng chấp, hạt dưỡng chấp tồn dư, VLDL-C, IDL-C và LDL-C. Tuy nhiên, tổng cholesterol toàn phần thì cần chú ý đến ảnh hưởng của bữa ăn. Lượng cholesterol toàn phần bao gồm cholesterol trong hạt duỡng chấp, cholesterol trong hạt dưỡng chấp tồn lưu, VLDL-C, IDL-C, LDL-C và HDL-C. Nồng độ HDL-C ít ảnh hưởng bởi bữa ăn. Nồng độ LDL-C nếu đo trực tiếp (không sử dụng công thức gián tiếp thông qua triglyceride) cũng thấy không phụ thuộc bữa ăn. Còn hạt dưỡng chất không gây xơ vữa nhưng chứa lượng đáng kể cholesterol nên ảnh hưởng đến tổng cholesterol toàn phần và cần loại bỏ khi đánh giá gánh nặng cholesterol gây xơ vữa. Ngay sau bữa ăn thông thường, nồng độ hạt dưỡng chấp tăng cao, thường đạt đỉnh sau 1-2 giờ nhưng sẽ nhanh chóng giáng hóa thành hạt dưỡng chất tồn dư sau ăn khoảng 2-4 giờ. Do đó, thay vì phải nhịn ăn 6-8 tiếng, xét nghiệm máu thời điểm sau ăn 2-4 giờ có thể đánh giá đúng hơn về mức non-HDL-C chứa cholesterol “xấu” gây xơ vữa trong hạt dưỡng chấp tồn dư, VLDL-C, IDL-C và LDL-C. Do đó, các khuyến cáo tim mạch và sinh hóa gần đây không  còn bắt buộc xét nghiệm lipid máu thường quy thời điểm nhịn ăn 6-8 tiếng mà chấp nhận xét nghiệm lipid máu sau ăn để đánh giá nguy cơ tim mạch, cũng như theo dõi đáp ứng điều trị. Ngoài ra việc xét nghiệm không đòi hỏi nhịn ăn 6-8 tiếng cũng thuận tiện cho trẻ em, người cao tuổi, người mắc đái tháo đường nhờ tránh nguy cơ hạ đường máu. Ngoài ra, với các trường hợp nhập viện vì biến cố tim mạch cấp như  nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xét nghiệm lipid máu không nhịn ăn 6-8 tiếng cũng sẽ cung cấp thông tin kịp thời về gánh nặng cholesterol gây xơ vữa, từ đó có hướng điều trị kịp thời

 Lưu ý khi xét nghiệm non-HDL-C máu?

Tóm lại, từ các hiểu biết mới về cơ chế và bằng chứng xơ vữa động mạch liên quan đến tăng non-HDL-C, chỉ số non-HDL-C cần được chú ý phân tích khi làm xét nghiệm lipid máu cơ bản. Mức non-HDL-C nên được sử dụng trong phân tầng nguy cơ tim mạch. Đồng thời, cùng với mức LDL-C mục tiêu, mức non-HDL-C mục tiêu cũng nên đạt được nhằm tối ưu hiệu quả dự phòng xơ vữa động mạch, thông qua các biện pháp thay đổi lối sống và các thuốc hạ lipid máu đặc hiệu như là statin, fibrate, icosapent ethyl.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1.Grundy SM, et al. 2018 AHA/ACC/AACVPR/AAPA/ABC/ACPM/ADA/AGS/APhA/ASPC/NLA/PCNA Guideline on the Management of Blood Cholesterol: Executive Summary: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol. 2019 Jun 25;73(24):3168-3209.
2.Jacobson TA, et al. National lipid association recommendations for patient-centered management of dyslipidemia: part 1–full report. J Clin Lipidol. 2015 Mar-Apr;9(2):129-69.
3.Virani SS. Non-HDL cholesterol as a metric of good quality of care: opportunities and challenges. Tex Heart Inst J. 2011;38(2):160-2.
4.Liu J, et al. Joint distribution of non-HDL and LDL cholesterol and coronary heart disease risk prediction among individuals with and without diabetes. Diabetes Care. 2005 Aug;28(8):1916-21.
5.Hoenig MR. Implications of the obesity epidemic for lipid-lowering therapy: non-HDL cholesterol should replace LDL cholesterol as the primary therapeutic target. Vasc Health Risk Manag. 2008;4(1):143-56.
6.Mach F, et al. 2019 ESC/EAS Guidelines for the management of dyslipidaemias: lipid modification to reduce cardiovascular risk. Eur Heart J. 2020 Jan 1;41(1):111-188.
7.Jellinger PS, et al. American Association of Clinical Endocrinologists and American College of Endocrinology Guidelines for Management of Dyslipidemia and Prevention of Cardiovascular Disease. Endocr Pract. 2017;23(Suppl 2):1-87.
8.Børge G. Nordestgaard, et al. Fasting is not routinely required for determination of a lipid profile: clinical and laboratory implications including flagging at desirable concentration cut-points—a joint consensus statement from the 9.European Atherosclerosis Society and European Federation of Clinical Chemistry and Laboratory Medicine, European Heart Journal, Volume 37, Issue 25, 1 July 2016, Pages 1944–1958

VTM1322098 (v1.0)