Viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Mục lục
Viêm phổi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất đối với trẻ em trên toàn thế giới. Hãy tìm hiểu thêm thông tin để hiểu rõ về bệnh viêm phổi ở trẻ em, nhận biết các dấu hiệu và cách phòng ngừa để giữ cho con trẻ luôn khỏe mạnh trong bài viết dưới đây của a:care Việt Nam.
1. Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ảnh hưởng đến phổi. Phổi được tạo thành từ các phế nang, chứa đầy không khí khi một người khỏe mạnh hít thở. Khi bị viêm phổi các phế nang sẽ chứa đầy mủ và chất lỏng, khiến cho việc thở trở nên khó khăn và lượng oxy được đưa vào phổi bị hạn chế.
2. Viêm phổi có lây không?
Viêm phổi có thể lây lan theo nhiều cách. Các loại vi rút và vi khuẩn tồn tại ở mũi hoặc họng có thể lây nhiễm vào phổi khi trẻ hít vào. Chúng cũng có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, bệnh viêm phổi có thể lây lan qua đường máu, đặc biệt là trong và ngay sau khi sinh.
3. Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Cúm là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Trẻ em nhiễm cúm thường nhập viện vì biến chứng viêm phổi và có xu hướng bị viêm phổi nặng, có thể đe doạ đến tính mạng.
Viêm phổi còn do một số tác nhân truyền nhiễm khác gây ra. Chẳng hạn như :
- Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân gây viêm phổi do vi khuẩn phổ biến nhất ở trẻ em.
- Haemophilusenzae loại b (Hib) là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm phổi do vi khuẩn.
- Vi rút hợp bào hô hấp là nguyên nhân vi rút phổ biến nhất gây viêm phổi.
- Ở trẻ sơ sinh nhiễm HIV, Pneumocystis jiroveci là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi, gây ra ít nhất 1/4 tổng số ca tử vong do viêm phổi ở trẻ nhiễm HIV.
4. Thực trạng viêm phổi ở trẻ em
4.1 Tỷ lệ mắc viêm phổi ở trẻ em theo độ tuổi
Viêm phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh có mức độ phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Viêm phổi chiếm tới 13% trong tổng số các bệnh truyền nhiễm ở trẻ dưới 2 tuổi. Tỷ lệ mắc viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi cũng cao hơn trẻ dưới 16 tuổi theo hai nghiên cứu thực hiện ở Bắc Âu, ước tính rằng tỷ lệ mắc viêm phổi là 32,8–33,8 trường hợp trên 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi hoặc 14,4–14,7 trường hợp trên 10.000 trẻ em dưới 16 tuổi ở Bắc Âu.
4.2 Tỷ lệ biến chứng
Viêm phổi ở trẻ em có nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tỷ lệ biến chứng theo khảo sát gần đây của Hiệp hội Lồng ngực Anh trên 2200 bệnh nhân ở 77 bệnh viện là 7,1% trong đó viêm mủ màng phổi chiếm 4,4% và áp xe phổi chiếm 0,9%.
4.3 Tỷ lệ tử vong
Viêm phổi gây tử vong ở trẻ em nhiều hơn các bệnh truyền nhiễm khác, hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm. Trong đó bao gồm khoảng 190.000 trẻ sơ sinh.
5. Dấu hiệu ba mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay
Ba mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay nếu bé có biểu hiện dưới đây:
- Khó thở hoặc thở nhanh hơn nhiều so với bình thường
- Móng tay hoặc môi có màu hơi xanh hoặc xám
- Bé lớn hơn 6 tháng và bị sốt trên 39°C
- Bé nhỏ hơn 6 tháng và có nhiệt độ trên 38°C
- Bị sốt cao hơn vài ngày sau khi dùng thuốc kháng sinh
6. Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em
– Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng đầy đủ là chìa khóa để cải thiện khả năng phòng vệ tự nhiên của trẻ, bắt đầu bằng việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng tuổi. Ngoài tác dụng ngăn ngừa viêm phổi hiệu quả, nó còn giúp rút ngắn thời gian điều trị nếu trẻ bị bệnh.
– Cách chăm sóc: Viêm phổi ở trẻ em có thể được ngăn ngừa ngay từ đầu bằng cách tăng cường các biện pháp bảo vệ, ví dụ như cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, giảm các yếu tố nguy cơ như ô nhiễm không khí (khiến phổi dễ bị nhiễm trùng hơn), rửa tay thường xuyên đúng cách, và giữ gìn vệ sinh cá nhân.
– Tiêm vắc xin: Tiêm chủng ngừa cúm, Hib, phế cầu khuẩn, sởi và ho gà theo khuyến cáo là cách phòng ngừa viêm phổi hiệu quả.
Chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh viêm phổi là việc làm quan trọng để cải thiện khả năng sống sót của trẻ. a:care Việt Nam hy vọng những thông tin tổng quan về viêm phổi ở trẻ em và các biện pháp điều trị, phòng ngừa nêu trong bài viết có thể giúp cha mẹ chăm sóc con trẻ một cách phù hợp.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về viêm phổi trẻ em? Khi nào mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay?
- Phòng ngừa cúm cho bé: Hiểu để bảo vệ con tốt hơn
- Phục hồi chức năng sớm sau chấn thương sọ não
Tài liệu tham khảo
1.WHO. Pneumonia in children. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/pneumonia
2.Unicef. Childhood pneumonia: Everything you need to know. https://www.unicef.org/stories/childhood-pneumonia-explained
3.Emedicine.medscape.com. Pediatric Pneumonia. https://emedicine.medscape.com/article/967822
4.Breathe.ersjournals.com. Complicated pneumonia in children. https://breathe.ersjournals.com/content/9/3/210
5.Unicef. A child dies of pneumonia every 43 seconds. https://data.unicef.org/topic/child-health/pneumonia/
6.Nationwidechildrens.org. Pneumonia. https://www.nationwidechildrens.org/conditions/pneumonia