Viêm tai giữa cấp ở trẻ và những điều bố mẹ cần biết
Mục lục
Viêm tai giữa cấp là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em với khoảng 80% trẻ em mắc bệnh trong suốt cuộc đời. Hãy tìm hiểu thêm thông tin để hiểu rõ về bệnh viêm tai giữa cấp, nhận biết các triệu chứng, và quan trọng nhất là cách phòng ngừa để giữ cho con trẻ luôn khỏe mạnh trong bài viết dưới đây của a:care Việt Nam.
Tổng quan về viêm tai giữa cấp ở trẻ
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu cách nhận biết và điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ, hãy cùng tìm hiểu tổng quan về viêm tai giữa cấp ở trẻ qua 3 nội dung:
Viêm tai giữa cấp là gì?
Viêm tai giữa cấp là bệnh khởi phát đột ngột, do vi khuẩn hoặc vi rút thâm nhập vào tai giữa, thường đi kèm với viêm nhiễm ở mũi họng. Tình trạng viêm nhiễm của niêm mạc tai giữa, khu vực nằm phía sau màng nhĩ, gây ra sưng, đau, sốt, chảy dịch và kéo dài trong khoảng dưới 3 tháng được gọi là viêm tai giữa cấp tính.
Thực trạng viêm tai giữa cấp ở trẻ
Viêm tai giữa là tình trạng thường gặp nhất ở trẻ em ngoài cảm lạnh, thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có thể mắc viêm tai giữa cấp nhưng không phổ biến như ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ
Viêm tai giữa cấp có thể do vi rút, vi khuẩn hoặc đồng nhiễm. Các vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm tai giữa là Streptococcus pneumoniae, tiếp theo là Haemophilusenzae (NTHi) không xác định được loại và Moraxella catarrhalis.
Các nguyên nhân gây ra viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ:
- Ống Eustache (vòi nối tai giữa với phía sau cổ họng ở trẻ nhỏ có cấu trúc và chức năng chưa trưởng thành như người lớn. Điều này làm gia tăng khả năng dịch tích tụ phía sau màng nhĩ.
- Hệ thống miễn dịch và hệ thống chống nhiễm trùng của trẻ nhỏ vẫn đang trong quá trình phát triển.
- Khả năng lây nhiễm bệnh từ những đứa trẻ khác cao.
Các triệu chứng của viêm tai giữa cấp ở trẻ em
Các triệu chứng chung
Các triệu chứng chung khi mắc viêm tai giữa cấp ở trẻ em bao gồm:
- Đau tai, đặc biệt là khi nằm
- Bứt, kéo tai
- Khó ngủ
- Quấy khóc nhiều hơn bình thường
- Khó nghe hoặc khó phản ứng với âm thanh
- Mất thăng bằng
- Sốt từ 38 độ C trở lên
- Tai chảy dịch màu vàng, nâu hoặc trắng
- Đau đầu
- Chán ăn, ăn không ngon
Các triệu chứng viêm tai giữa cấp theo giai đoạn độ tuổi
Ngoài các triệu chứng chung, viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em còn có những triệu chứng theo giai đoạn
- Đối với trẻ sơ sinh: Khi mắc viêm tai giữa cấp sẽ biểu hiện quấy khóc, bỏ bú và chảy mủ tai
- Đối với trẻ nhỏ: Sốt, mất ngủ, bứt tai, chảy mủ tai, quấy khóc, đau tai, rối loạn tiêu hoá
- Đối với trẻ lớn hơn: Đau tai, giảm sức nghe và phản xạ với âm thanh, chảy mủ tai.
Trẻ em khi mắc viêm tai giữa cấp thường có các biểu hiện của viêm mũi họng kèm theo như: Chảy dịch mũi, ho đàm, nôn trớ và nghẹt mũi. Khi có các biểu hiện trên, trẻ cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các biến chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ em
Viêm tai giữa cấp ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng sau:
- Mất thính giác: Mất thính giác tạm thời hoặc thay đổi thính giác (nghẹt tai hoặc biến dạng âm thanh) là biến chứng thường gặp khi bị viêm tai giữa cấp. Nếu bệnh tái đi tái lại hoặc xuất hiện các tổn thương cấu trúc bên trong tai có thể dẫn đến mất thính lực nghiêm trọng.
- Chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói: Ở độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi là thời điểm quan trọng để trẻ phát triển ngôn ngữ liên quan đến thính giác. Mất thính lực do viêm tai giữa cấp sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em.
- Rách màng nhĩ: Khoảng 5-10% trẻ em mắc viêm tai giữa cấp có một vết rách nhỏ ở màng nhĩ. Thông thường vết rách sẽ tự lành, nếu không trẻ cần được phẫu thuật vá màng nhĩ.
- Nhiễm trùng lây lan: Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa cấp) không được điều trị hoặc không tự cải thiện sẽ có thể lây lan. Nhiễm trùng có thể lan đến xương phía sau tai gây viêm xương chũm. Đôi khi, nhiễm trùng có thể lan đến các màng bao quanh não và tủy sống (màng não) và gây viêm màng não
Cách điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ an toàn và hiệu quả
Điều trị viêm tai giữa cấp bằng thuốc
Toàn thân: Dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, chống viêm giảm phù nề.
Tại chỗ: Nhỏ mũi, hút rửa mũi, nhỏ tai và làm thuốc tai khi màng nhĩ thủng để ngăn tình trạng bít tắc ống tai do mủ.
Thời gian dùng thuốc từ 1 đến 2 tuần. Cha mẹ cần lưu ý việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Các phương pháp điều trị viêm tai giữa cấp khác
Trong trường hợp tình trạng viêm tai giữa cấp không thuyên giảm ngay cả khi đã sử dụng kháng sinh, các phương pháp điều trị sau sẽ được ứng dụng:
– Chích nhĩ: Được chỉ định trong các trường hợp:
- Viêm tai giữa cấp ứ mủ ở trẻ em gây sốt cao, quấy khóc nhiều.
- Viêm tai giữa cấp ứ mủ đã điều trị không đáp ứng.
- Viêm tai giữa cấp ứ mủ giai đoạn dọa vỡ mủ.
- Viêm tai giữa cấp ứ mủ đe dọa biến chứng viêm xương chũm cấp.
– Phẫu thuật điều trị ngoại khoa cũng có thể được chỉ định trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả và ảnh hưởng đến khả năng nghe cũng như sức khoẻ của trẻ.
Cách phòng ngừa bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ bố mẹ cần biết
Cha mẹ có thể giảm nguy con trẻ mắc bệnh viêm tai giữa cấp bằng cách thực hiện những cách sau:
- Rửa tay và đồ chơi thường xuyên để giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác
- Tránh khói thuốc lá
- Tiêm phòng cúm và vắc xin phế cầu khuẩn
- Nếu có thể cho trẻ bú sữa mẹ thay vì bú sữa bình
- Tránh cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả
Viêm tai giữa cấp ở trẻ em không phải là một tình trạng thường gặp, việc hiểu rõ về bệnh và biết cách đối phó là quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ em. a:care Việt Nam hy vọng những thông tin tổng quan về viêm tai giữa cấp và các biện pháp phòng ngừa, điều trị nêu trong bài viết có thể giúp cha mẹ chăm sóc con trẻ một cách tốt nhất.
Tìm hiểu thêm: Viêm họng tái phát ở trẻ em, ba mẹ đừng chủ quan
Tài liệu tham khảo:
1. Venekamp RP, Damoiseaux RA, Schilder AG. Acute otitis media in children. BMJ Clin Evid. 2014;2014:0301. Published 2014 Sep 16.
2. Ncbi.nlm.nih.gov. Acute Otitis Media. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470332/
3. Bệnh viện quân y 108. Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ (Acute Otitis Media). https://benhvien108.vn/viem-tai-giua-cap-tinh-o-tre-acute-otitis-media.htm
4. My.clevelandclinic.org. Ear Infection (Otitis Media). https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media
5. My.clevelandclinic.org. Eustachian Tubes. https://my.clevelandclinic.org/health/body/22072-eustachian-tubes
6. Mayoclinic.org. Ear infection (middle ear). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/symptoms-causes/syc-20351616
7. Hopkinsmedicine.org. Ear Infection (Otitis Media). https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/otitis-media
8. Healthline. Acute Otitis Media: Causes, Symptoms, and Diagnosis. https://www.healthline.com/health/ear-infection-acute