Ý nghĩa của non-HDL-C trong rối loạn lipid máu
- Ngày cập nhật: 28/6/2024
Mục lục
Nhắc đến lipid máu và xơ vữa động mạch, chúng ta thường chỉ nghĩ đến chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (viết tắt LDL-C) và HDL-cholesterol (viết tắt HDL-C) và triglyceride. Nhưng thực sự còn các chỉ số lipid máu khác cũng liên quan xơ vữa động mạch, như là non-HDL-C. Chỉ số này rất cần được xét nghiệm trong quá trình thăm khám, điều trị rối loạn lipid máu dự phòng bệnh tim mạch do xơ vữa.
1. Hiểu đúng khi chỉ định và phân tích xét nghiệm lipid máu cơ bản
Cholesterol và triglyceride là thành phần lipid máu chủ yếu, được vận chuyển đến cơ quan mô tế bào trong các hạt lipoprotein hình cầu với lõi là lipid (cholesterol, triglyceride) và bọc ngoài là lớp protein. Rối loạn lipid máu được định nghĩa khi có bất thường về lipid và lipoprotein máu là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạnh chính, có thể chẩn đoán khi làm xét nghiệm lipid máu cơ bản, gồm các chỉ số dưới đây:
Cholesterol toàn phần: Là tổng lượng cholesterol trong tất cả các hạt lipoprotein máu, trong đó chủ yếu đóng góp bởi lượng cholesterol trong hạt lipoprotein gây xơ vữa – cholesterol “xấu” và một lượng nhỏ cholesterol trong hạt lipoprotein chống xơ vữa – cholesterol “tốt”.
LDL-C: Là tổng lượng cholesterol trong các hạt LDL máu. Các hạt LDL giàu cholesterol có kích thước nhỏ dễ xâm nhập vào thành mạch máu từ đó tích tụ cholesterol và hình thành mảng xơ vữa nên được xem là cholesterol “xấu”. Mức LDL-C cao làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và ngược lại.
HDL-C: Là tổng lượng cholesterol trong các hạt HDL máu – là loại hạt lipoprotein thu nhận cholesterol từ mô ngoại vi, thành mạch trở về gan, có tác dụng làm sạch thành mạch, chống xơ vữa, nên được xem là cholesterol “tốt”. Mức HDL-C cao giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và ngược lại.
Triglyceride: Là tổng lượng triglyceride chứa trong tất cả hạt lipoprotein máu. Hạt HDL gần như không chứa triglyceride, trong khi hạt LDL cũng chứa một lượng nhỏ triglyceride. Trong máu còn còn có các hạt lipoprotein khác (dưỡng chấp, dưỡng chấp tồn dư, VLDL, IDL) có lõi chứa nhiều triglyceride, còn được gọi là hạt lipoprotein giàu triglyceride. Các hạt lipoprotein giàu triglcyeride cũng chứa một lượng cholesterol đáng kể nên cũng có thể sinh xơ vữa nếu đâm xuyên qua thành mạch. Thực tế, ngoại trừ hạt dưỡng chấp và một số phân nhóm hạt VLDL kích thước lớn nên không thể đâm xuyên thành mạch thì hạt dưỡng chấp tồn lưu, VLDL kích thước nhỏ và IDL vẫn có thể đâm xuyên thành mạch, cũng được xếp vào nhóm hạt lipoprotein sinh xơ vữa cùng với hạt LDL. Do đó, tăng triglyceride máu thì thường có tăng hạt lipoprotein giàu triglyceride sinh xơ vữa, nên xét nghiệm triglyceride máu cũng có ý nghĩa trong thực hành điều trị rối loạn lipid máu và dự phòng xơ vữa.
Non-HDL-C: Là tổng lượng cholesterol trong hạt lipoprotein ngoài HDL-C, gồm cholesterol trong hạt LDL (LDL-C) và trong các hạt lipoprotein giàu triglyceride không phải LDL-C, tức là phản ánh lượng cholesterol “xấu” trong máu gây xơ vữa. Mức non-HDL-C máu bằng Cholesterol toàn phần máu trừ cho HDL-C máu.
2. Ý nghĩa của chỉ số non-HDL-C máu
Chỉ số non-HDL-C trực tiếp phản ánh lượng cholesterol “xấu” trong cơ thể trong LDL và trong các lipoprotein giàu triglyceride khác như VLDL, IDL và dưỡng chấp tồn dư. Các hạt này có khả năng xâm nhập vào thành mạch máu, tích tụ dẫn đến các bệnh lý tim mạch do xơ vữa như bệnh động mạch vành, đột quỵ. Mức non-HDL-C máu có thể xác định rất đơn giản và nhanh chóng và chính xác bằng cách trừ cholesterol toàn phần máu cho HDL-C máu. Do đó, cùng với cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL-C và HDL-C, bộ xét nghiệm lipid máu cơ bản cũng cần tính thêm chỉ số non-HDL-C.
Xem thêm:
- Kiểm soát non-HDL-C: Chìa khóa giảm nguy cơ tim mạch tồn dư trong điều trị rối loạn lipid máu
- Ý nghĩa của non-HDL-C trong đánh giá nguy cơ tim mạch toàn diện
- Rối loạn lipid máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Tài liệu tham khảo:
1. Grundy SM, et al. 2018 AHA/ACC/AACVPR/AAPA/ABC/ACPM/ADA/AGS/APhA/ASPC/NLA/PCNA Guideline on the Management of Blood Cholesterol: Executive Summary: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol. 2019 Jun 25;73(24):3168-3209.
2. Jacobson TA, et al. National lipid association recommendations for patient-centered management of dyslipidemia: part 1–full report. J Clin Lipidol. 2015 Mar-Apr;9(2):129-69.
3. Virani SS. Non-HDL cholesterol as a metric of good quality of care: opportunities and challenges. Tex Heart Inst J. 2011;38(2):160-2.
4. Liu J, et al. Joint distribution of non-HDL and LDL cholesterol and coronary heart disease risk prediction among individuals with and without diabetes. Diabetes Care. 2005 Aug;28(8):1916-21.
5. Hoenig MR. Implications of the obesity epidemic for lipid-lowering therapy: non-HDL cholesterol should replace LDL cholesterol as the primary therapeutic target. Vasc Health Risk Manag. 2008;4(1):143-56.
6. Mach F, et al. 2019 ESC/EAS Guidelines for the management of dyslipidaemias: lipid modification to reduce cardiovascular risk. Eur Heart J. 2020 Jan 1;41(1):111-188.
7. Jellinger PS, et al. American Association of Clinical Endocrinologists and American College of Endocrinology Guidelines for Management of Dyslipidemia and Prevention of Cardiovascular Disease. Endocr Pract. 2017;23(Suppl 2):1-87.
8. Børge G. Nordestgaard, et al. Fasting is not routinely required for determination of a lipid profile: clinical and laboratory implications including flagging at desirable concentration cut-points—a joint consensus statement from the European Atherosclerosis Society and European Federation of Clinical Chemistry and Laboratory Medicine, European Heart Journal, Volume 37, Issue 25, 1 July 2016, Pages 1944–1958