Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu
Tất cả chúng ta đều nên kiểm soát nồng độ cholesterol và triglyceride của bản thân. Do nhiều yếu tố nguy cơ, một số người có thể dễ gặp các vấn đề về tim tiềm ẩn hơn những người khác. Có một vài yếu tố nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, như tuổi tác hay di truyền. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát một số yếu tố khác để giảm nồng độ cholesterol và triglyceride cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (CVD).1 Bạn cần nắm rõ các yếu tố nguy cơ rối loạn mỡ máu của mình dựa trên tình trạng sức khỏe của mình và hướng đến lối sống lành mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Hãy trò chuyện với bác sĩ để hiểu thêm về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu (Rối loạn lipid máu) cũng như biết cách giúp giảm bớt những nguy cơ đó.
Duy trì lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu
Lối sống của bạn ảnh hưởng rất lớn đến nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu, chính vì vậy, bạn cần điều chỉnh lối sống sao cho 2 thành phần này duy trì ở mức ổn định. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ mà bạn có thể kiểm soát:
A. Béo phì
Béo phì làm tăng nồng độ triglyceride, khiến cholesterol xấu cao, đồng thời giảm cholestertol tốt.2 Người mắc bệnh béo phì bị dư thừa mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng này sẽ bao phủ các cơ quan nội tạng như gan và tim.3
Khác với những người thừa mỡ ở mông, đùi và phần thân dưới; người thừa mỡ ở phần bụng có nguy cơ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao hơn vì mỡ nằm quanh các cơ quan nội tạng của họ.3
Thừa cân đồng nghĩa với việc tim của bạn phải hoạt động vất vả hơn để đưa máu đi khắp cơ thể, dẫn đến tình trạng huyết áp cao.
Bí kíp để giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì:
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh bằng cách hạn chế chất béo bão hòa có trong phô mai, thịt heo và bơ4
- Đổi sang các loại thực phẩm lành mạnh hơn như rau, củ, quả và cá
- Tăng cường tập thể dục, vận động thể chất
- Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định xem cơ thể bạn cân đối, thừa cân hay béo phì3

Bạn có biết?
Do chỉ số BMI không tính đến khối cơ, nên nếu bạn có nhiều cơ bắp, có thể bạn sẽ nằm trong nhóm béo phì.3 Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để xác định chỉ số BMI chính xác nhất.
B. Thuốc lá
Hút thuốc là một yếu tố khác làm giảm nồng độ cholesterol tốt. 5 Khói thuốc chứa khoảng 5.000 thành phần hóa chất, trong đó có hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe. 6
Mỗi năm, có hàng nghìn người bỏ hút thuốc. Giờ đến lượt bạn! Hãy ngừng gây tổn thương cho chính bạn và những người xung quanh.
C. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Dù cho bạn không bị thừa cân, chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất giúp giảm nồng độ cholesterol và triglyceride.
Bí kíp để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh:
- Hạn chế chất béo bão hòa và các sản phẩm từ sữa tươi nguyên chất
- Uống ít đồ có cồn. Khi được nạp vào cơ thể, cồn sẽ phân giải và tái cấu trúc thành triglyceride và cholesterol. Nếu nồng độ triglyceride quá cao, gan sẽ không thể đào thải hiệu quả cholesterol xấu. Do vậy, uống rượu sẽ làm tăng nồng độ triglyceride và cholesterol. 7 Ngoài ra, uống rượu có thể làm tăng huyết áp và tăng cân, 11 đây là hai yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu.
D. Ít tập thể dục
Lối sống thụ động, ít hoạt động sẽ làm giảm nồng độ cholesterol tốt, 5 đồng nghĩa với việc cơ thể bạn sẽ khó loại bỏ cholesterol xấu và triglyceride khỏi động mạch hơn. Tập thể dục 150 phút/tuần ở cường độ vừa phải sẽ làm giảm nồng độ cholesterol và triglyceride. 5

E. Căng thẳng cao độ
Căng thẳng được ghi nhận là nguyên nhân gây tăng cân và dẫn đến chế độ ăn uống không lành mạnh – từ đó làm tăng nồng độ cholesterol và triglyceride. 8 Nếu bạn gặp căng thẳng ở chỗ làm, rất có thể bạn sẽ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao. Các hoạt động thể chất sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng. 8
Bạn càng có nhiều yếu tố trên thì càng có khả năng có nồng độ cholesterol và triglyceride cao. Nếu bạn có nồng độ cholesterol cao và có các thói quen không lành mạnh như trên, bạn sẽ rất dễ mắc phải các bệnh tim mạch hoặc thậm chí bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Hãy trao đổi với bác sĩ để thay đổi lối sống của mình. Bác sĩ chính là chìa khóa giúp trái tim bạn khỏe mạnh!
Có các yếu tố nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn
A. Tuổi tác
Tuổi càng cao thì nguy cơ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao sẽ càng lớn. Người trên 50 tuổi có nguy cơ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao hơn.

Bạn có biết?
Theo các cơ quan y tế của Anh9:
– nhóm phụ nữ dưới 45 tuổi có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 14% đến 24% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 6% đến 12%
– nhóm nam giới dưới 45 tuổi có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 30% đến 43% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 12% đến 19%
– nhóm phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 11% đến 18% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 5% đến 8%
– nhóm nam giới từ 60 tuổi trở lên có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 20% đến 32% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 8% đến 16%
B. Di truyền
Tăng cholesterol máu di truyền gia đình (FH) là bệnh lý di truyền gây ra nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp cao (LDL).10 Đối với bệnh này, khả năng mắc rối loạn di truyền sẽ cao hơn và tiền sử gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Nếu người thân trong gia đình bạn có nồng độ cholesterol cao, bạn cần biết tiền sử cholesterol của họ. Ngoài ra, nếu bạn mắc bệnh tăng cholesterol máu di truyền gia đình, có một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm nồng độ cholesterol của bạn. Bạn cần trao đổi với bác sĩ về các phương pháp này.
Dù nguy cơ và nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu là gì, bác sĩ là người tốt nhất để bạn trao đổi về vấn đề này. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Tài liệu tham khảo:
- Centers for Disease Control and Prevention. Knowing Your Risk: High Cholesterol. https://www.cdc.gov/cholesterol/risk_factors.htm, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
- Klop B, Elte J, Cabezas M. Dyslipidemia in obesity: Mechanisms and potential targets. Nutrients 2013;5(4):1218-1240.
- British Heart Foundation. Obesity. https://www.bhf.org.uk/informationsupport/risk-factors/your-weight-and-heart-disease, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
- American Heart Association. Saturated Fat. www.heart.org. https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-eating/eat-smart/fats/saturated-fats, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
- American Heart Association. Prevention and Treatment of High Cholesterol (Hyperlipidemia). https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/prevention-and-treatment-of-high-cholesterol-hyperlipidemia, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
- American Heart Association. How Smoking and Nicotine Damage Your Body. https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-lifestyle/quit-smoking-tobacco/how-smoking-and-nicotine-damage-your-body, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
- Heart. Alcohol. https://www.heartuk.org.uk/low-cholesterol-foods/alcohol, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
- Marcondes F, Costa R, Sanches A et al. Dyslipidemia induced by stress. Roya Kelishadi, IntechOpen 2012.
- NHS UK. Should younger adults get their cholesterol levels checked? https://www.nhs.uk/news/heart-and-lungs/should-younger-adults-get-their-cholesterol-levels-checked/, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
- HEART UK. The Cholesterol Charity. What is High Cholesterol? https://www.heartuk.org.uk/cholesterol/what-is-high-cholesterol, Published 2020. Accessed October 5, 2020.
- National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Alcohol Use and Your Health. https://www.cdc.gov/alcohol/fact-sheets/alcohol-use.htm, Accessed November 02, 2020.